Cùng nhìn lại những khoảnh khắc tuyệt vời tại SEA Games 31 khiến người hâm mộ nhớ mãi không quên.
SEA Games không chỉ là sự kiện tranh tài thể thao giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, mà còn gửi gắm thông điệp về tình hữu nghị, hòa bình của các quốc gia trong khối ASEAN. Nhìn lại 1 kỳ SEA Games vừa qua đã ghi dấu rất nhiều hình ảnh đẹp.
Chiến thắng ngay trên những khán đài
Trang fanpage ASEAN Football đăng tải hình ảnh một rừng cờ đỏ sao vàng trên sân Cẩm Phả kèm chú thích: "Khoảnh khắc của hôm nay (21/05). Bầu không khí tuyệt vời ở sân Cẩm Phả với hơn 16.000 Cổ động viên tới xem trận chung kết bóng đá nữ."
Trong hàng loạt bài viết trên mạng xã hội, nhiều cổ động viên Đông Nam Á cũng bày tỏ hết sức ấn tượng với không khí cổ vũ cuồng nhiệt tại Việt Nam với đầy ắp cổ động viên, rực rỡ sắc đỏ và rộn rã tiếng reo hò.
Nội dung liên quan
Sân vận động Thiên Trường, Nam Định đã gây ấn tượng với không chỉ người hâm mộ trong nước mà còn khiến truyền thông nước ngoài ngỡ ngàng khi mỗi trận đấu diễn ra tại đây đều kín khán giả. Điều đáng nói là tất cả các trận đấu này đều không có sự tham dự của U23 Việt Nam, dù vậy bà con vẫn đến cổ vũ cuồng nhiệt.
Nhưng bóng đá không phải là môn thể thao duy nhất. Tại nhà thi đấu môn bóng rổ tại Hà Nội, bóng bàn ở Hải Dương, cầu lông tại Bắc Giang hay môn đua xe đạp ở Hòa Bình, người hâm mộ chen lấn xếp hàng, leo lên núi để được xem các VĐV Việt Nam và quốc tế tranh tài.
Ngoài ra, những môn thể thao mới được giới trẻ yêu thích như bóng rổ, thể thao điện tử... cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của học sinh, sinh viên với những khán đài chật kín.
Nội dung liên quan
Hình ảnh hàng vạn khán giả lấp đầy các khán đài ở các môn thi SEA Games 31 đã góp phần cực kỳ quan trọng làm cho đại hội thành công. Hơn cả một đại hội thể thao với những chiếc huy chương, SEA Games 31 là ngày hội để thể thao, văn hóa các quốc gia Đông Nam Á xích lại gần nhau.
Chiến thắng với tấm lòng hiếu khách
Sau khi về đích, vận động viên Timor Leste đã chạy đến và cùng ăn mừng với hai tuyển thủ Việt Nam là Nguyễn Văn Lai và Lê Văn Thao. Những cái bắt tay, những nụ cười đã xóa tan mọi rào cản về văn hóa, về ngôn ngữ. Tất cả những gì còn lại giữa họ là niềm say mê với thể thao, là sự cố gắng bứt phá. Đó cũng chính là tinh thần thể thao mà người người, đời đời đều nhắc tới.
Nếu như hình ảnh của Felisberto được lan truyền với thông điệp gắn kết các quốc gia thì khoảnh khắc nhiều tình nguyện viên tiếc nuối chia tay đội tuyển U23 Malaysia lại khiến bao người xúc động vì sự thân thiện, dễ mến của các bạn trẻ.
Nội dung liên quan
Efren Reyes, huyền thoại Billard Philippines, tham gia SEA Games 31 với tư cách là vận động viên cao tuổi nhất. Ở tuổi 68, kinh qua rất nhiều giải đấu tầm cỡ thế giới, nhưng ông vẫn choáng ngợp trước tình yêu thể thao của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, còn nhiều câu chuyện thể hiện sự tử tế của người Việt Nam như ở nhà thi đấu Ninh Bình, nhiều học sinh đã mang đặc sản quê mình tới tận sân để tặng cho các đoàn thi đấu.
Ở sân Việt Trì hàng trăm cổ động viên đã nán lại sau các trận đấu để thu dọn rác, trong đó có cả những em nhỏ, những cụ già… Tất cả những điều đó tạo nên một hình ảnh đẹp, như một thông điệp mạnh mẽ truyền tải đến cả khu vực về tình yêu thể thao, về sự thân thiện, hiếu khách của con người Việt Nam.
Nước mắt đằng sau những tấm huy chương
Những tấm huy chương vàng SEA Games không chỉ là đại diện cho những chiến thắng trong thi đấu, mà còn đại diện cho những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, khó khăn về vật chất, thậm chí bệnh tật để mang vinh quang về cho Tổ quốc. SEA Games 31 đã chứng kiến không ít những câu chuyện cảm động đằng sau những chiếc huy chương.
VĐV Kurash Tô Thị Trang, người mang về tấm HCV đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, nhưng sau đó không lâu đã phải chịu nỗi đau mất đi người bố thân yêu. Vì muốn Trang có tinh thần tốt nhất để tập trung thi đấu, gia đình đã giấu cô chuyện bệnh tình của bố có chuyển biến xấu.
Kình ngư Phạm Thanh Bảo giành tấm HCV nội dung 100m ếch nam. Với thành tích 1 phút 01 giây 17, VĐV sinh năm 2001 đã xuất sắc phá kỷ lục SEA Games (1 phút 01 giây 46) đã tồn tại 13 năm của kình ngư Nguyễn Hữu Việt.
Nội dung liên quan
Ít ai biết, Thanh Bảo sinh ra trong gia đình nghèo ở Bến Tre. Do gia cảnh nghèo khó, ba mẹ của Bảo phải đi làm thuê, bẻ dừa, chở dừa để trang trải từng bữa qua ngày nên anh luôn cố gắng vì gia đình mình và hy vọng sau này, cuộc sống của gia đình anh sẽ bớt cơ cực hơn.
Để có được thành tích 3 tấm HCV tại SEA Games 31, cô gái nhỏ nhắn người Bắc Giang đã phải trải qua những năm tháng khổ luyện với bao khó khăn, vất vả. Hơn hết là căn bệnh viêm cầu thận đã khiến sự nghiệp của cô phải gián đoạn một thời gian.
Nguồn: TH&PL