Những lò đào tạo đã góp phần mang đến nhiều chân sút trẻ, tài năng cho Đội tuyển Quốc gia.
Với chiến thắng vang dội của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan tại trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31, tuyển trẻ Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế và tiềm năng của mình trong mắt người hâm mộ thể thao nước nhà. Và để có được những màn trình diễn xuất sắc ấy, các chân sút trẻ đã phải trải qua quá trình dài tập luyện chuyên nghiệp tại các lò đào tạo và ngày một trưởng thành bằng những trận thi đấu cọ xát, thậm chí là áp lực cạnh tranh.
Nội dung liên quan
Có thể nói, các lò đào tạo bóng đá đã có công lớn trong việc đóng góp nhân tài cho các giải đấu U19, U21, U23 và cả Đội tuyển Quốc gia, nhờ các phương pháp huấn luyện toàn diện, khắc nghiệt, giúp các chân sút trẻ vừa hoàn thiện được kỹ năng chuyên môn, vừa rèn giũa được bản lĩnh của một cầu thủ.
Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội T&T - Hà Nội FC
Ra đời vào năm 2007, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần thể thao T&T và được đánh giá là cơ sở đào tạo bóng đá hàng đầu Việt Nam với tính khoa học, bài bản.
Sau 15 năm ra đời, CLB của bầu Hiển liên tục giành được nhiều thành tích đồ sộ, lập nên nhiều kỷ lục làng bóng đá nội mà đến thời điểm này chưa đội nào phá được: Thăng hạng nhì mùa 2007, hạng nhất mùa 2008, lên chơi V-League 2009 và sau đó liên tục đăng quang ở giải này vào các năm 2010, 2013, 2016, 2018 và 2019.
Ở đấu trường châu lục, Hà Nội FC từng vào tới tứ kết AFC Cup 2014, vô địch khu vực Đông Nam Á và vào đến chung kết liên khu vực Đông Á tại AFC Cup 2019.
Trong đội hình dự SEA Games 31, Hà Nội FC cũng hoàn toàn áp đảo khi có tới 7 cái tên đang khoác áo đội bóng Thủ đô là: Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Hai Long và Đỗ Hùng Dũng.
Đáng nói, trừ Văn Xuân - hiện vẫn đang trong quá trình bình phục sau chấn thương và đội trưởng Hùng Dũng (cầu thủ quá tuổi), các cầu thủ còn lại sẽ tiếp tục có mặt ở vòng chung kết U23 châu Á 2022 tại Uzbekistan.
Trung tâm Thể thao Viettel - Viettel FC
Đây là CLB gây chú ý nhất những ngày qua khi là nơi xuất thân của hậu vệ Nhâm Mạnh Dũng, "người hùng" của U23 Việt Nam tại chung kết bóng đá nam SEA Games 31 sau cú đánh đầu hiểm hóc ghi bàn thắng quyết định cho đội chủ nhà.
Thành lập từ năm 1954, đến nay, CLB Viettel luôn duy trì sự ổn định với việc tạo ra rất nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam những năm qua như trung vệ Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức và mới đây là hai hậu vệ trẻ Nhâm Mạnh Dũng và Phan Tuấn Tài.
Được biết, để có những sản phẩm chất lượng, Viettel đã xây dựng một hệ thống vệ tinh kéo dài khắp cả nước, được sàng lọc, chọn lựa một cách khắt khe theo những tiêu chí riêng. Tại đây, các cầu thủ không chỉ được đào tạo một cách bài bản về kỹ thuật mà còn được học văn hóa và có ràng buộc điều kiện để tốt nghiệp các khóa bóng đá.
Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF
Lò đào tạo PVF có trụ sở tại Hưng Yên và được đánh giá là trung tâm bóng đá chất lượng và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Ra mắt vào tháng 6/2019, trải qua 13 năm, PVF đã cho ra lò rất nhiều ngôi sao như Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Trương Văn Thái Qúy và Đỗ Thanh Thịnh.
Tại SEA Games 31, PVF cũng đóng góp tới 3 cầu thủ trẻ, gồm Lê Văn Đô, Huỳnh Công Đến và Lý Công Hoàng Anh. Chưa kể, hậu vệ Lê Văn Xuân đã từng có nhiều năm ăn tập tại PVF trước khi chuyển sang CLB Hà Nội.
Chân sút này từng chia sẻ việc huấn luyện ở PVF rất áp lực do thường xuyên tham dự các trận thi đấu để cọ xát và nâng cao bản lĩnh trên sân bóng. Cụ thể, vào năm 2016, anh đã du đấu nước ngoài liên tục và chơi tới khoảng 60 trận, gấp 6 lần những CLB khác.
Với lợi thế về kinh nghiệm chinh chiến, không lạ gì khi các lứa trẻ của PVF liên tục thâu tóm chức vô địch ở các giải đấu quốc gia như U13, U15, U17, U19... Ngoài ra, vào đầu năm 2021, PVF chính thức được Tập đoàn Vingroup chuyển giao cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, nên có khả năng các cầu thủ của PVF sẽ có "đầu ra" là CLB Sài Gòn (thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Văn Lang) thay vì phải đi tìm kiếm bến đỗ sau khi "ra lò".
Nguồn: TH&PL