Đến những điều nhỏ bé trong cuộc sống cũng có thể dính "drama"? Chỉ có thể là năm 2021!
2021 có lẽ là một năm không thể quên đối với hầu hết tất cả chúng ta, cả về ý nghĩa tích cực và ý nghĩa tiêu cực. Một năm đầy biến động với những chủ đề thu hút sự bàn tán từ lớn đến nhỏ.
Covid-19, biến đổi khí hậu là những vấn đề hiển nhiên và quan trọng cần chúng ta quan tâm, nhưng đến cả bánh mì và chuyện rửa bát cũng có thể biến thành "thị phi" thì 2021 có thể gọi là một năm có 1-0-2.
Vào tháng 8 vừa qua, câu chuyện rửa bát bỗng trở thành chủ đề nóng, dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều nổi bật trên mạng xã hội. Bắt nguồn từ video của một TikTok-er có nội dung rằng: "Khi các cô các dì lớn tuổi trong gia đình bảo tôi phải nấu cơm rửa bát, phục vụ đàn ông trong nhà để họ ngồi chơi uống rượu. Họ có đủ hai tay mà".
Và rồi, từ một chuyện nhỏ bé như này, chúng ta lại thấy được "hệ tư tưởng" phân biệt giới tính ngay cả trong việc rửa bát. Tư tưởng việc nhà là của đàn bà, việc lớn là của đàn ông dường như đã ăn sâu vào tư duy của nhiều người từ những ngày xưa.
Tuy nhiên, khi chúng ta đang sống trong một thời đại mà xã hội và con người mỗi ngày một văn minh và hướng đến công bằng, bình đẳng hơn thì những gì được coi là định kiến và quan niệm cổ hủ lại chính là những điều cần phải loại bỏ.
Trong khi đó, việc rửa bát hoàn toàn không phải là một việc làm thấp kém hay là công cụ có thể dùng để đánh giá địa vị và phẩm chất của một người.
Cũng về một câu chuyện có chủ đề tương tự, mới đây, cặp đôi Trúc Diễm và doanh nhân John Tấn Từ đã ly hôn sau 6 năm gắn bó vì nàng hoa hậu "vỡ mộng" với lời hứa của chồng trong lễ cưới rằng "Từ nay về sau anh sẽ luôn rửa bát cho em".
Cô chia sẻ rằng cô có thể nấu nhiều món nhưng rửa dọn thì ngại vô cùng nên nghe câu đó, cô thực sự xúc động. Nhưng cuối cùng khi chung sống, cô lại là người... rửa hết. Trúc Diễm cho biết cô luôn muốn được chia sẻ việc nhà nhưng chồng không thấu hiểu. Nhiều khi cuộc sống bộn bề với công việc, về tới nhà Trúc Diễm còn chưa kịp thay đồ thì chồng đã hỏi sao chưa nấu cơm.
Cô luôn là người phải thức dậy sớm, đi làm về sớm và xuống bếp, nấu cơm cho gia đình, còn chồng thì chỉ ngồi chơi trong khi cả hai người đều đi làm và đều có những mỏi mệt riêng.
Chúng ta thường nói với nhau rằng: Nói thì dễ, làm mới khó. Quả thực vậy, chúng ta có thói quen "hứa để đấy" vì đến khi có ý định thực hành thì lại "khó quá bỏ qua". Vẫn là "hệ tư tưởng" cho rằng "đàn ông ai lại rửa bát" và "khó" ở đây là việc khó có thể vượt qua được rào cản và lối suy nghĩ này. Có lẽ đó là lý do tại sao các bạn nữ thường xao xuyến và "đổ gục" trước một người con trai sẵn sàng rửa bát.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể bắt gặp vô số những câu chuyện có cùng chủ đề xảy ra ở nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau, nhưng bản chất của vấn đề vẫn là: Rửa bát không phải là một việc nặng nhọc đến vậy. Mấu chốt nằm ở sự san sẻ và mong muốn được san sẻ việc nhà nói riêng và mọi việc trong cuộc sống nói chung thay vì ý nghĩ mặc định rằng việc nhà là của phụ nữ, việc lớn mới là của đàn ông.
Nguồn: TH&PL