Review "Thoát Khỏi Mogadishu": Hành động chính trị nhưng thấm đẫm tình người

"Quan trọng là sinh tồn" - Hai quốc gia đối đầu hợp lại để bảo vệ nhau, hy sinh vì nhau trong cuộc chiến sinh tồn không khoan nhượng, khắc hoạ được giá trị nhân văn đầy tình người trong một bộ phim hành động, mang yếu tố chính trị.

Thoát Khỏi Mogadishu dựa trên một sự kiện lịch sử có thật là cuộc nội chiến ở Somalia năm 1991. Thời điểm đó, đại sứ Hàn Quốc và Triều Tiên đang tranh nhau vận động hành lang với tổng thống Somallia tiền nhiệm nhằm có được tấm vé vào Liên Hợp Quốc. Bạo loạn nổ ra, sứ đoàn ngoại giao của hai đất nước không đội trời chung buộc phải kề vai sát cánh để sinh tồn và thoát khỏi đây. 

review thoat khoi mogadishu hanh dong chinh tri nhung tham dam tinh nguoi - anh 0

Bộ phim được công chiếu từ tháng bảy năm 2021 tại Hàn Quốc. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid, bộ phim vẫn đạt 2 triệu lượt xem trong ngày đầu công chiếu, và quán quân phòng vé Hàn Quốc năm 2021. 

Tác phẩm mang về tổng 12 giải thưởng tại Buil Film Awards 2021 và  Giải thưởng điện ảnh Rồng Xanh 2021, trong đó có giải Phim hay nhất. Thoát Khỏi Mogadishu đồng thời đại diện Hàn Quốc tranh giải Phim Quốc tế xuất sắc nhất tại Oscar 2022. 

Chính trị nhưng không khô khan

Là một bom tấn hành động có yếu tố chính trị, Thoát Khỏi Mogadishu khai thác và xoáy sâu vào chủ đề tình người. Giữa bạo loạn khốc liệt, mâu thuẫn chính trị giữa hai đất nước đối lập giờ đây trở nên nhỏ bé và vô nghĩa. Sự khác biệt về ý thức hệ đã không còn quan trọng bằng việc sinh tồn. 

Thoát Khỏi Mogadishu cũng là bộ phim vô tiền khoáng hậu khi có yếu tố hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Cảnh kết đắt giá với khung cảnh phân tách chia đôi hai bên đem đến cảm giác ngậm ngùi, khi trước đó hai đội còn cùng nhau vào sinh ra tử, vượt qua mưa bom bão đạn thì kết phim lại phải vờ như không quen biết và trở lại làm kẻ thù. 

Hành động chính trị vốn là thể loại sở trường của đạo diễn Ryoo Seung-wan. Nhưng khác với góc nhìn chính trị căng thẳng trong các phim trước đó của ông, Thoát khỏi Mogadishu tiếp cận khán giả với góc nhìn nhẹ nhàng với một số chi tiết châm biếm được lồng ghép khéo léo. 

review thoat khoi mogadishu hanh dong chinh tri nhung tham dam tinh nguoi - anh 0

Điểm trừ của phim có lẽ vẫn khiến khán giả cảm nhận được sự thiên vị khi khắc hoạ hình ảnh hai bên, thay vì một góc nhìn và cách kể khách quan hơn. Nhưng phim vẫn thể hiện được nỗ lực gắn kết, ước mơ thống nhất hai miền khi đem đến cho khán giả nhiều góc nhìn thiện cảm hơn về đất nước Triều Tiên. 

Dàn cast thực lực, với lối diễn nhẹ nhàng, tự nhiên

Sở hữu dàn cast thực lực, bộ phim có rất nhiều phân cảnh không thoại nhưng chỉ nhìn vào nét mặt và ánh mắt của nhân vật là khán giả đã có thể cảm thấy vô vàn thứ chất chứa ở bên trong. 

Hai nhân vật chính, đại sứ Han của Hàn Quốc và đại sứ Rim của Triều Tiên, được khắc hoạ tinh tế và chân thực qua từng chi tiết, qua sự dằn xé nội tâm giữa trách nhiệm thăng tiến và trách nhiệm làm người, làm cha, làm chồng. 

review thoat khoi mogadishu hanh dong chinh tri nhung tham dam tinh nguoi - anh 0

Diễn viên gạo cội Kim Yoon-seok hoá thân vào vai đại sứ Han với cách diễn xuất tự nhiên, nhẹ nhàng, không chỉ tạo được sự đồng cảm mà còn khiến người xem cảm giác như đây chính là con người thật của anh. 

Tái hiện một Mogadishu chân thực và sống động

Với kinh phí đầu tư khủng lên đến 24 tỷ won, bộ phim được quay 100% tại Maroc. Bối cảnh thủ đô Mogadishu năm 1991 được phục dựng tỉ mỉ, chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ. Những cảnh giết chóc tàn nhẫn, những pha xả súng nghẹt thở được tái hiện một cách rõ nét, lột tả sự tàn khốc của chiến tranh, sự trần trụi của một châu Phi thời loạn lạc. 

review thoat khoi mogadishu hanh dong chinh tri nhung tham dam tinh nguoi - anh 0

Những màn rượt đuổi căng thẳng được quay dựng mượt mà, phối hợp nhuần nhuyễn với hiệu ứng âm thanh, đẩy sự kịch tính lên tột độ. Tất cả các yếu tố từ hình ảnh, âm thanh đến tiết tấu nội dung đều kết hợp nhịp nhàng mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh chân thực như thể được hoà mình vào thời kỳ đen tối của Somalia. 

Cách kể chuyện đơn giản dễ theo dõi, cùng với việc giữ được nhịp phim trơn tru, cao trào, nhanh chậm đúng thời điểm giúp cho bom tấn Thoát khỏi Mogadishu luôn khiến khán giả bị cuốn theo phim, dính mắt vào màn hình. 

Dòng phim sinh tồn với bối cảnh hoang tàn, hỗn loạn và cái chết cận kề luôn có một sức lôi cuốn mạnh liệt đối với khán giả. Với sự đầu tư công phu và tỉ mỉ, Thoát khỏi Mogadishu hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh chân thực và xứng đáng. 

Review "Decision To Leave": Đừng dại mà nghịch điện thoại trong rạp!

Review "Người Môi Giới": Có tiếp nối thành công của "Parasite"?

Review 'Kẻ Thứ Ba' 33 tỷ của Lý Nhã Kỳ: Kịch bản sáng tạo dù còn hạn chế

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ