Những bộ phim đầy ý nghĩa giúp các sĩ tử có nhiều động lực trong kỳ thi sắp tới.
Kỳ thi THPTQG 2021 đang ngày càng đến gần hơn, có thể nói đây là mùa thi chưa từng có trong lịch sử của các cô, cậu học sinh cuối cấp, do sự diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Đến thời điểm hiện nay các bạn học sinh chúng ta cũng đã làm quen và chuẩn bị đầy đủ kiến thức, để sẵn sàng để bước vào kỳ thi quan trọng trong đời mình. Cùng xem lại top 7 bộ phim tạo động lực mùa thi cử để nạp "liều thuốc bổ" tinh thần cho bản thân mình nhé!
1. Accepted (2006) - Sinh Viên Thời @
Accepted là tác phẩm điện ảnh Mỹ của đạo diễn Steve Pink, từ khi được công chiếu cho đến nay vẫn luôn là bộ phim được rất nhiều tín đồ mê phim học đường yêu thích.
Phim kể về anh chàng Bartleby Gaines khi vào năm cuối thời trung học đã gửi nhiều lá thư đến các trường đại học với mong muốn trở thành một sinh viên để bố mẹ anh vui lòng nhưng tất cả đều bị từ chối. Trong tình thế đó, anh đã quyết định làm một hành động "điên rồ" đó là tự lập cho mình một trường đại học lấy tên là Viện công nghệ Harmon nhằm che giấu bố mẹ mình.
Thế nhưng, vào thời điểm website trường được mở thì Bartleby lại nhận cái kết không tưởng khi có đến hàng trăm học sinh đăng ký theo học. Từ đây, những tình huống dở khóc, dở cười nhưng không kém phần ý nghĩa đã diễn ra. Với phương pháp giáo dục vô cùng kỳ quái, sinh viên nói không với thi cử, tiểu luận, luận văn,… mà thay vào đó là được tự do khám phá bản thân, trải nghiệm những điều mới mẻ và học hỏi từ những cá nhân xung quanh. Nếu ngôi trường này có thực ngoài đời, bạn có dám theo học không?
2. Like Star On Earth – Cậu Bé Đặc Biệt (2007)
Là tác phẩm của đạo diễn Aamir Khan với điểm đánh giá của giới phê bình phim khá cao, bộ phim thực sự là một "items" không thể thiếu dành cho những ai đang muốn tìm lại động lực cho mình.
Bộ phim kể về một cậu bé có tên là Ishaan Awasthi từ nhỏ bị mắc chứng khó đọc nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc học. Tuy nhiên, cậu bé luôn không nhận được sự quan tâm của gia đình cũng như nhà trường, đã khiến cho tình hình học tập của cậu ngày càng trở nên tệ hơn.
Cuối cùng, may mắn cũng đến với Awasthi khi cậu gặp được thầy giáo Ram Shankar, một thầy giáo dạy vẽ với lối dạy học vui vẻ, cởi mở khác hẳn những giáo viên khác. Thầy giáo Ram đã giúp Ishaan nhận ra và cải thiện bệnh của mình, từ đó mà điểm số cũng như việc học được cải thiện hơn. Tuy không có các cảnh quay năng động của cô cậu sinh viên, nhưng bộ phim lại thay bằng thế giới nội tâm trong sáng của trẻ em với những cảnh quay lấy nước mắt người xem.
3. Post Grad – Cơ Hội Đổi Đời (2009)
Đây thực sự là bộ phim mà các bạn sinh viên trước khi tốt nghiệp ra trường nên xem bởi nó phản ánh về "đời không như màu hồng" mà mọi người hay tưởng tượng.
Phim xoay quanh cô gái tên Ryden Malby là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học với thành tích học tập xuất sắc cùng một giấc mơ màu hồng về công việc sau này. Cầm tấm bằng danh giá trên tay nhưng Ryden đã liên tiếp thất bại ở nhiều nơi cô đi xin việc, và cao trào nhất có lẽ là khi cô thua trước Jessica vốn là đối thủ thời đi học, lại được nhận vào đúng vị trí mà cô mơ ước.
Tâm lý của một sinh viên tốt nghiệp nhưng không kiếm được việc làm đã được được đạo diễn miêu tả chân thực thông qua tâm lý của Ryden với sự vật lộn cùng hồ sơ xin việc, các buổi phỏng vấn tệ hại, việc tìm nhà ở và mối quan hệ xung quanh.
4. 3 Idiots - Ba Chàng Ngốc (2009)
Với thời lượng dài đến hơn 3 giờ đồng hồ có thể khiến những khán giả thiếu kiên nhẫn từ chối xem ngay khi thấy lần đầu. Tuy nhiên, bộ phim Ba Chàng Ngốc đã vẫn khẳng định được giá trị rất riêng của mình bằng sự phản ánh chân thực và cụ thể những ước mơ, hoài bão và khát vọng của thế hệ tuổi teen – những người còn đang mông lung về tương lai sau này.
Phim xoay quanh ba nhân vật chính là cậu nam sinh Rancho với lối sống phóng khoáng, anh quan trọng học hơn là điểm số. Cậu bạn Raju thì có ước mơ xây dựng sự nghiệp để gánh vác gia đình, cuối cùng là Farhan theo nghề kỹ sư nhưng lại đam mê nhiếp ảnh. Một nhân vật khác là Chatur – nam sinh dành 18 tiếng một ngày để học thuộc lòng công thức trong sách để luôn là học sinh xuất sắc trong mắt thầy, cô, được tạo nên như ám chỉ những cách dạy lạc hậu, lỗi thời.
Xuyên suốt mạch phim, đạo diễn mở ra cho khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ một góc nhìn chân thực về cuộc sống trong môi trường đại học nhưng qua đó lại phê phán một môi trường giáo dục lạc hậu, truyền thống, luôn gò bó và kìm hãm sự sáng tạo của sinh viên.
Cuối bộ phim là một cái kết để lại nhiều suy ngẫm không chỉ cho các bạn học sinh, sinh viên mà còn dành cho các vị phụ huynh về việc: "Đừng để con em mình sống một cuộc đời mà chúng ta muốn". Đồng thời, đạo diễn đã lựa chọn khéo léo hình tượng ba nam sinh với ba cách học và lối sống khác nhau để đi một bài học cuộc sống rằng: "Hãy theo đuổi sự ưu tú, khi đó thành công sẽ theo đuổi bạn".
5. The Social Network – Mạng Xã Hội (2010)
The Social Network lấy cảm hứng từ câu chuyện của nhà sáng lập Facebook – tỷ phú Mark Zuckerberg. Xuất thân là một sinh viên tốt nghiệp đại học Harvard, bằng sự nỗ lực không ngừng của mình, chàng thanh niên này đã trở thành tỷ phú khi mới 20 tuổi.
Ngay khi ra mắt, bộ phim đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều, chủ yếu do một số chi tiết không thực sự chính xác về cá nhân Mark Zuckerberg cũng như quá trình thành lập mạng xã hội Facebook. Bất chấp nhiều phản đối, The Social Network vẫn khuynh đảo phòng vé khi dẫn đầu bảng xếp hạng phim hay ăn khách trong hai tuần liên tiếp ở Bắc Mỹ.
Dù muốn hay không thì vẫn phải thừa nhận, tác phẩm trên vẫn là một bộ phim hay và trọn vẹn ý nghĩa. Đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là chuẩn bị ra trường thì có thể xem như nguồn cổ vũ tinh thần dành cho bản thân về niềm tin thành công không quan trọng tuổi tác và tinh thần khởi nghiệp.
6. The To Do List – Học Làm Người Lớn (2013)
Là một bộ phim hài tình cảm của Mỹ được phát hành vào năm 2013, đã mang đến tiếng cười rôm rả dành cho khán giả bởi các tình huống dở khóc, dở cười mà tác phẩm mang lại.
Mở đầu bằng nhân vật Brandy Klark vốn là một học sinh ưu tú và tốt nghiệp thủ khoa tại trường trung học. Tuy nhiên, cô lại vô cùng vụn về và thiếu kinh nghiệm trong xã hội do chỉ chú tâm vào việc học đã khiến nữ chính bỏ qua khoảng thanh xuân sôi động của mình.
Quyết tâm trở thành người hoạt bát, dày dặn kinh nghiệm và người lớn hơn trước khi vào đại học trong mùa thu tới, Brandy Klark quyết định sẽ thay đổi bản thân và lập ra một danh sách những điều phải làm dưới sự giúp đỡ từ hai người bạn thân của mình. Bộ phim vừa mang lại tiếng cười nhưng cũng không quên nhắc nhở các cô cậu học trò về tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng sống cho bản thân mình.
7. Flying Colors – Cô Nàng Xếp Hạng Chót (2015)
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính là cô nữ sinh Sayaka với tính tình từ nhỏ đã luôn nhút nhát nên thường xuyên bị các bạn cùng lớp trêu chọc, thậm chí là bắt nạt. Sau nhiều lần chuyển trường, cuối cùng Sayaka đã tìm thấy một nhóm nữ sinh chủ động kết bạn với mình và dạy cho cô cách trang điểm, làm tóc và phong cách ăn mặc.
Kể từ đó, Sayaka đã buông thả chuyện học hành, suốt ngày lên lớp chỉ chú tâm vào son, phấn và các cuộc chơi bời cùng bạn bè. Tuy nhiên, một biến cố đã làm thay đổi cuộc đời của nhân vật là khi nữ chính bị đình chỉ học tạm thời, mẹ Sayaka đã đưa cô đến lớp học phụ đạo do thầy Tsubota phụ trách. Từ đây, cuộc sống của cô như bước sang một trang mới dưới sự dẫn dắt và khích lệ từ người thầy Tsubota này.
Sayaka được thầy Tsubota truyền cảm hứng và đã dũng cảm đăng ký thi vào đại học Keio (Tokyo) – vốn là ngôi trường danh giá và là ước mơ của rất nhiều người, trong đó có cả bố Sayaka. Hành trình ôn thi quyết liệt kéo dài một năm rưỡi của Sayaka cùng người thầy của mình cứ thể trải qua và cô học trò cũng dần dần chạm đến được ước mơ của mình.
Bộ phim đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả ngay lần đầu xem vì những giá trị về tình yêu gia đình, tình cảm bạn bè và cái tâm của người thầy Tsubota. Bên cạnh đó, tác phẩm còn thể hiện khát khao luôn muốn được vươn lên bên trong mỗi con người và mang thông điệp rõ ràng: "Mọi cố gắng hôm nay sẽ là quả ngọt trong tương lai".
Nguồn: TH&PL