Thời trang organic không chỉ thân thiện với con người mà còn bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của con người với thiên nhiên.
Cotton và các loại polymer tổng hợp hiện đang là 2 loại vật liệu phổ biến nhất trong ngành may mặc. Tuy có nhiều công dụng hữu ích nhưng ít ai biết quá trình sản xuất chúng lại tiêu tốn nhiều tài nguyên và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Cây cotton cần cung cấp rất nhiều nước, việc biển Aral đang dần cạn kiệt cũng một phần là để cung cấp cho các cánh đồng bông vải này. Về các loại sợi nhân tạo, khi sản xuất nylon tạo ra nitrous oxide - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả carbon dioxide (CO2) tới 300 lần.
Nhận ra những tác hại ấy, nhiều công ty đã "quay đầu" và tìm kiếm những loại chất liệu khác có nguồn gốc tự nhiên nhằm nhắm đến thời trang bền vững. Sau đây là một số thành tựu được xem là "đột phá" trong ngành thời trang.
Sợi tơ chuối
Tơ chuối được làm từ thân cây chuối - thứ vốn sẽ trở thành rác sau khi thu hoạch. Theo nghiên cứu, mỗi năm có khoảng 1 tỷ tấn thân cây cuối bị vứt đi. Tuy nhiên từ khi công nghệ sản xuất sợi tơ chuối ra đời, thân cây chuối đã được tận dụng triệt để và cứ 37kg thân cây chuối sẽ tạo ra được 1kg sợi tơ chuối.
Sợi tơ chuối đã có từ thế kỷ thứ 13 tại Nhật Bản, có tên gọi là sợi musa, được biết rằng đây là loại sợi có khả năng dẻo dai bậc nhất. Ngoài khả năng phân hủy sinh học ra, loại sợi này còn rất chắc chắn và thông thoáng. Bởi vì tính bền chắc vốn có của mình, sợi musa thường được dùng để làm dây thừng, thảm, vải dệt và giấy thủ công.
Sợi lá dứa
Ý tưởng này đến từ tiến sĩ Carmen Hijosa - một doanh nhân đạo đức với tầm nhìn và chiến lược phát triển nền thời trang bền vững. Từng nghiên cứu về da, bà biết rằng da có một tác động tiêu cực đến môi trường và cần được thay thế, đó là lúc bà nghĩ đến dứa và thành lập nên Piñatex.
Tại Việt Nam, anh Nguyễn Văn Hạnh - giám đốc HTX dứa Hanh Phúc Nghệ An cũng đã nghiên cứu và thành công trong việc sản xuất sợi lá dứa. Tại GWAND Sustainable Festival, sợi lá dứa Việt Nam lần đầu tiên ra mắt và được sự ủng hộ nồng nhiệt từ những người yêu sự "bền vững". Bên cạnh đó, sự có mặt này cũng mở ra một cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi Piñatex đã ngỏ lời mời hợp tác.
Với kết cấu nhẹ nhàng, bóng mượt, sợi lá dứa đang được sử dụng để thay thế các loại da hoặc bông đắt tiền. Không dừng ở quần áo, sợi lá dứa còn được chế tác để làm đồ nội thất và có tiềm năng trở thành xu hướng.
Da từ bã quả táo
Đồ da từ lâu đã được xem là một vật liệu cao cấp và xa xỉ. Tuy vậy, việc lấy da từ thú là một vấn đề mang tính đạo đức cao và gây tranh cãi qua nhiều năm. Bên cạnh đó, thật là nan giải khi các tín đồ thuần chay lại phải sử dụng da từ động vật.
Hiểu được vấn đề đó, các công ty đã nỗ lực tìm kiếm một vật liệu thay thế. Và thật may mắn khi thực vật có thể làm được điều đó. Samara - công ty nổi bật nhất trong công cuộc tái sản xuất bã quả táo cho hay: "Chúng tôi đã thử trên nhiều loại thực vật từ dừa cho đến dứa nhưng không loại nào cho cảm giác cao cấp như quả táo". Mặc dù còn phải phụ thuộc vào một số Polyurethane (PU) như một chất kết dính nhưng hãng này hứa hẹn rằng trong tương lai họ sẽ dùng 100% sản phẩm từ thiên nhiên.
Nội dung liên quan
Da từ xương rồng tai thỏ
Thật không ngờ xương rồng cũng có thể biến thành da thuộc! Hai chàng trai Adrián và Marte đã được cấp bằng sáng chế vì tìm ra quy trình chuyển đổi độc đáo này. Qua nhiều năm ấp ủ, những sản phẩm đầu tay từ da xương rồng đã ra mắt. Tuy còn một số điểm yếu như hạn chế về kiểu dáng và màu sắc nhưng đây quả là một sản phẩm đầy hứa hẹn và có thể thay thế da động vật trong tương lai.
Các chất liệu trên ra đời nhằm làm giảm những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đối với môi trường. Con người chúng ta yêu cái đẹp và cũng yêu thiên nhiên, nên đừng để thiên nhiên phải trả giá cho cái đẹp nhé.
Call me TrendZ đưa bạn đi vòng quanh thế giới để nắm bắt những xu hướng thời trang - làm đẹp đang được Gen Z ưa chuộng trong thời điểm hiện tại. Từ phong cách ăn mặc, trang điểm cho đến những gương mặt có sức ảnh hưởng đến "gu" của thế hệ trẻ, Call me TrendZ sẽ cùng bạn khám phá!
Nguồn: TH&PL