Drama cung đấu trong "Phượng khấu" cũng không hấp dẫn bằng drama hậu trường của chính bộ phim này. Cùng nhìn lại phim cổ trang "Phượng khấu" sau 2 năm đầy tai tiếng.
Phượng khấu những ngày gần đây bỗng nhiên được nhắc lại sau khi đạo diễn chính của bộ phim là Huỳnh Tuấn Anh bất ngờ bị gọi tên trong một loạt những lời lẽ đấu tố nhau. Nhưng đó cũng chỉ là drama nối tiếp drama. Cùng nhìn lại phim cung đấu Phượng khấu sau 2 năm - còn lại gì?
"Phượng khấu" - Phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam
Phượng khấu được cho là bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam, với nội dung xoay quanh cuộc đời của Từ Dụ Thái hậu tức là bà Phạm Thị Hằng (do Hồng Đào thủ vai), tập trung vào quãng thời gian 1840 - 1847, giai đoạn bà vẫn đang là phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị.
Sử sách tương truyền, khi Từ Dụ Thái hậu còn là thiếp của Trường Khánh công (tức Thiệu Trị trước khi lên ngôi hoàng đế), đã có lần cùng bà Nguyễn Thị Nhậm yết bái Nhân Tuyên Hoàng thái hậu. Và được Hoàng Thái hậu ban cúc áo vàng - một cái chạm hình phượng, một cái chạm hình cành hoa nhưng đều được bọc kín bằng bao đỏ. Thái hậu khấn: "Ai được cúc áo chạm hình phượng thì có con trước".
Phạm Thị Hằng nhường Nguyễn Thị Nhậm chọn trước. Khi mở ra, bà Nhậm được cúc chạm hoa, bà Hằng được cúc chạm phượng. Quả nhiên, sau đó bà Hằng sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa vào năm 15 tuổi. Và đó cũng là lúc tấn bi kịch bắt đầu…
Cái tên Phượng khấu cũng mang ý nghĩa này - đó là chiếc cúc áo chạm hình chim phượng cài lên 2 vạt áo nhật bình.
Câu chuyện trong Phượng khấu không đơn thuần là thâm cung hậu chiến tranh quyền đoạt vị, mà đằng sau đó còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm của những nữ nhân cả đời ngụ trong chốn cung cấm, mang danh là người nhà đế vương nhưng cuộc sống chưa một ngày bình yên, quẩn quanh với sự ghen ghét, đố kỵ và bi kịch đẫm nước mắt. Mỗi người mang một câu chuyện, để rồi tự đẩy mình đi đến những âm mưu tàn độc.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng cho biết kịch bản Phượng khấu đúng theo sử sách 75% và 25% còn lại là nội dung hư cấu.
Nhìn chung, vẫn là phim cung đấu nhưng không phải thể loại như Diên Hy Công Lược hay Như Ý Truyện của Trung Quốc, mà Phượng khấu đã thể hiện rõ nét phần nào cái hồn của văn hóa Việt xưa.
Đạo diễn chính của Phượng khấu là Huỳnh Tuấn Anh (sinh năm 1982) - anh gắn liền tên tuổi với các phim Lô tô, Bình tĩnh mà yêu, Đời cho ta bao lần đôi mươi, Ngôi nhà bươm bướm...
Và chính anh cũng là người đã góp phần tạo nên drama hậu cung cho Phượng khấu, đồng thời cũng khơi mào một loạt drama hậu trường không hồi kết...
"Phượng khấu" mở ra sự kỳ vọng lớn cho khán giả Việt
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng chia sẻ 1 tập của Phượng khấu được đầu tư đến 2 tỷ đồng, 11 tập thì tương đương tổng mức đầu tư sẽ rơi vào khoảng 22 tỷ đồng. Thực tế đây cũng chưa phải là con số quá lớn đối với nhiều dự án phim quy mô khác, thế nhưng nếu như Phượng khấu chọn hình thức phim rạp để khai thác lợi nhuận từ tiền vé thì sẽ đỡ rủi ro hơn, nhưng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lại chọn trình chiếu trên một số nền tảng mạng xã hội, lẽ dĩ nhiên mức lợi nhuận thu vào sẽ thấp hơn khá nhiều.
Song phía đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng chia sẻ rằng đối với Phượng khấu anh "kiếm tiền để làm phim chứ không phải làm phim để kiếm tiền".
Thời điểm trước khi công chiếu, Phượng khấu đã thực sự thành công ở mặt truyền thông. Họp báo lần đầu tiên vào tháng 6/2019, Phượng khấu mở ra cho giới truyền thông và khán giả Việt sự kỳ vọng về một bộ phim cung đấu, tái hiện lại một phần lịch sử thuộc triều đại nhà Nguyễn với sự đầu tư "khủng".
Quy mô nhất phải kể đến phục trang với số lượng lên đến hơn 300 bộ, 50% trong số đó là thêu thủ công truyền thống để đảm bảo tính thẩm mỹ và độ chính xác với y phục thời xưa. Bên cạnh đó còn có hàng trăm đạo cụ được phỏng dựng gần giống với hiện vật thật. Đáng chú ý trong phim còn có sự xuất hiện của một bảo vật thật 100% chính là tấm sắc phong, được cho là có niên đại vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821).
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là sự góp mặt của dàn diễn viên gạo cội NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Lê Thiện, Hồng Đào,... theo Huỳnh Tuấn Anh, kinh nghiệm diễn xuất của họ sẽ có thể truyền tải được trọn vẹn tinh thần của người xưa.
Qua đó đủ để thấy, Phượng khấu thực sự là một bộ phim đòi hỏi nhiều công sức và không dễ dàng thực hiện. Cũng chính vì thế mà nó càng được truyền thông ưu ái dành sự chú ý.
Mong muốn của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh là truyền tải được những giá trị lịch sử một cách sinh động đến với người trẻ, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống xưa.
Thế nhưng cũng chính anh đã góp phần đẩy bộ phim... đến bờ vực thẳm.
Không chỉ mạnh mẽ về hiệu ứng truyền thông, Phượng khấu còn nổi lên... nhờ drama
Tập 1 - Chi tiết tranh cãi về giọng nói vùng miền
Ngay từ khi vừa lên sóng trailer, Phượng khấu đã vấp phải những ý kiến trái chiều, nằm ở chi tiết các nhân vật nói giọng miền Nam trong nội cung. Tuy nhiên, đây có lẽ là vấn đề nằm trong sự tính toán của ekip làm phim.
Đại diện ekip nhanh chóng đưa ra giải thích tỉ mỉ rằng quê gốc của bà Từ Dụ (Hồng Đào thủ vai) là ở Gia Định, về sau ở tại Gò Công và việc vua tuyển mỹ nữ khắp cả nước, nên không thể cho rằng nội cung chỉ có giọng Huế, mà thực tế là sự trộn lẫn nhiều vùng miền.
Và đó chỉ là câu chuyện mở màn cho những drama dài tập tiếp theo...
Tập 2 - Vì scandal của diễn viên mà "Phượng khấu" suýt bị tẩy chay
Ngay trước thời điểm bấm máy, trên fanpage Phượng Khấu bất ngờ đăng tải thông tin về việc thay đổi diễn viên. Cụ thể, nhân vật An Duyên sẽ được thay thế bằng một gương mặt khác thay vì Diễm My 9X như thời điểm đầu công bố. Chia sẻ về lý do cho sự thay đổi này, ekip cho biết: "Do việc thay đổi lịch bấm máy đã được ekip thông báo trước đó đến các phương tiện thông tin đại chúng để chờ đợi nghệ sĩ Hồng Đào hồi phục sức khỏe, cộng thêm việc phát sinh thời gian từ khâu chế tác phục trang và đạo cụ, nên ekip rất tiếc phải thông báo Diễm My 9X và một số diễn viên khác đã không thể thu xếp lịch trình làm việc để tham dự Phượng khấu".
Tuy nhiên, nhiều đồn đoán cho rằng Diễm My 9x rời khỏi Phượng khấu là do cô vướng phải scandal cá nhân khiến dư luận bức xúc, vạ lây đến bộ phim Phượng khấu đứng trước chuyện có khả năng bị tẩy chay.
Bên cạnh đó, do kịch bản có sự điều chỉnh vào phút chót nên đạo diễn cũng quyết định đổi Jun Phạm bằng một nhân vật nhỏ tuổi hơn để đúng với bối cảnh, gây ra nhiều sự xáo trộn.
Từ kỳ vọng ban đầu, khán giả bắt đầu ngờ vực trước sự thiếu chu toàn của ekip Phượng khấu.
Tập 3 - Xuất hiện fanpage Anti "Phượng khấu"
Sau nhiều tập phát sóng, Phượng khấu bị đánh giá là chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của người xem, chính xác hơn Phượng khấu chưa đủ tầm phim cung đấu.
Mấu chốt nằm ở kịch bản phim, nếu để ý kỹ sẽ dễ nhận ra mạch phim sử dụng nhiều lời nói thay vì hành động cụ thể. Đành rằng sự nổi bật của thể loại phim cung đấu chủ yếu là những âm mưu tính toán, kế sách, thế nhưng ngay đến cả những phân đoạn thể hiện nội dung điều tra cũng chỉ dừng lại bằng lời nói, trong khi khán giả lại trông chờ nhiều hơn vào những hành động cụ thể.
Một chi tiết gây chú ý ở tập 3, đó là cảnh hỏa hoạn - đây là một trong số ít phân cảnh cho thấy hành động, nhưng lại bị đánh giá là nhạt nhẽo, thiếu thực tế, khi không một ai có hành động dập lửa mà chỉ là cảnh trung cận cho thấy nhóm người chạy qua chạy lại sau đó xuất hiện kỹ xảo ngọn lửa bao phủ cả cung điện.
Nhìn chung, cảnh quay thể hiện sự hạn hẹp về mặt nhân lực, thêm vào đó cảnh cháy vốn ẩn chứa nội dung kịch tính thể hiện âm mưu thâm độc nhưng sau cùng, chỉ khép lại đơn giản bằng tiếng kêu khóc của Đoàn Viên muốn cứu con trai Hồng Thụ, quả thật chưa đủ để thuyết phục khán giả về cái bi trong phân cảnh này.
Ngoài ra, điểm yếu của Phượng Khấu còn nằm ở sự thiếu thốn về bối cảnh, khi đa phần các cuộc trò chuyện chỉ diễn ra bên trong những căn phòng, và không có nhiều cảnh bên ngoài, chính điều này dễ khiến người ta liên tưởng đến sân khấu kịch nói nhiều hơn.
Một điểm khác nữa dễ nhận ra của Phượng khấu chính là cách nhả thoại quá chậm chạp, khiến mạch phim bị kéo dài lê thê. Hẳn nhiên, khoản này không nằm ở diễn viên mà nằm ở chủ ý của những người làm phim. Có thể, ekip làm phim đang muốn lột tả sự chậm chạp, từ tốn của người Huế xưa, nhưng lại gây phản tác dụng, bởi thứ mang đến cho khán giả là sự ngắt quãng về mặt cảm xúc.
Phần nhạc hậu kỳ phim cũng không được đánh giá cao. Trong hầu hết những phân đoạn khi các nhân vật bàn tính âm mưu, kế sách đều được lồng nhạc gay cấn. Chính điều này đã vô tình biến một bộ phim trở thành sân khấu kịch, hay một sự so sánh khác là phần nhạc được thể hiện hao hao kiểu cách của thể loại phim Ấn Độ, tạo cảm giác được sắp đặt, phần nào mất đi sự hồi hộp của phim.
Dàn diễn viên chủ yếu được lựa chọn là những tên tuổi gạo cội, nhưng chính sự cứng tuổi của họ cũng vô tình khiến Phượng khấu phần nào kém đi sự tươi mới, bởi thông thường những quy chuẩn trong mắt khán giả rằng diễn viên phim cung đấu - ngoài diễn xuất, thì cái đẹp là một điểm cộng lớn. Chính vì thế mà Phượng khấu không thật sự thu hút đối với người trẻ.
Thậm chí Phượng khấu còn có hẳn một fanpage Anti, khui ra tất tần tật những chi tiết yếu kém của mỗi tập phim. Có thể nói hiếm bộ phim nào mà lại xuất hiện luôn cả anti fan như thế này.
Điểm mạnh lớn nhất của Phượng khấu chính là khâu phục trang và những giá trị lễ nghi, văn hóa lịch sử triều đại xưa được tái hiện khá chi tiết, dù ít nhiều vẫn không tránh khỏi sơ sót. Ngoài ra, phần nhạc phim (những bài nhạc chính của phim, không phải âm thanh tình huống) cũng được đánh giá là khá ổn.
Tập 4 - Câu chuyện dùng ảnh của người khác để PR vì... bất cẩn
Phượng khấu vốn là bộ phim cung đấu, song giờ đây nhắc đến cái tên này - thứ mà người ta nhớ đến nhiều hơn lại là những lùm xùm hậu trường.
Ngay vào thời điểm Phượng khấu vẫn đang được xôn xao bàn tán về mặt nội dung, thì bất ngờ ngày 28/1/2020, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã có một bài chia sẻ trên trang cá nhân nói về phim Phượng khấu, thế nhưng anh lại sử dụng hình ảnh cổ trang vốn thuộc bản quyền của một dự án khác. Đến nỗi, nhà sản xuất của dự án kia đã lên tiếng yêu cầu phía đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh phải gỡ hình ảnh xuống.
Sau đó, Huỳnh Tuấn Anh đã có động thái xin lỗi công khai trên trang cá nhân.
Tập 5 - Một vai diễn đáng giá 300 triệu đồng
Tiếp tục là câu chuyện liên quan đến đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khi anh bị tố mua bán vai diễn giá 300 triệu đồng. Cụ thể Huỳnh Tuấn Anh đã thực hiện ký 2 hợp đồng: 1 hợp đồng diễn viên phim truyện ký với diễn viên Như Phượng (trong vai Tứ giai Ý tần Huyền Thanh) thù lao 10 triệu đồng; và 1 hợp đồng tài trợ trị giá 300 triệu đồng, ký với công ty TNHH tái chế rác thải Sơn Hùng do đại diện pháp nhân là chồng của diễn viên Như Phượng.
Như Phượng tố Huỳnh Tuấn Anh đã không thực hiện như lời hứa rằng sẽ cho cô nhiều đất diễn hơn so với kịch bản ban đầu, được PR, được giới thiệu tên tuổi trên các phương tiện truyền thông... Chính vì thế, Như Phượng đã chọn cách công khai chuyện này và đòi lại số tiền đã chuyển trước cho Huỳnh Tuấn Anh là 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, phía Huỳnh Tuấn Anh lại phủ nhận toàn bộ việc mua bán vai diễn. Thậm chí còn tố ngược lại diễn viên Như Phượng thiếu trách nhiệm đã vài lần tự ý bỏ lịch quay khiến đoàn phim lao đao. Song về vấn đề này thì phía Như Phượng lại cho rằng do lịch quay không chính xác, khi thay đổi lịch quay đoàn phim cũng không báo cho cô biết nên mới xảy ra sự cố về lịch trình.
Scandal Phượng khấu vẫn... còn tiếp diễn.
Tập 6 - Đạo diễn bị tố vô trách nhiệm và thiếu chuyên môn
Gần đây một thành viên trong ekip Phượng Khấu đã lên tiếng yêu cầu nam đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh phải trả lại số tiền đã nợ nhân viên suốt 5 năm qua. Theo đó, người này viết trên facebook cá nhân: "Số tiền anh nợ hiện tại tôi đã thu thập trên 2 tỷ đồng và con số này còn tiếp tục nhiều thêm. Vì tình hình dịch Covid-19, chúng tôi chưa thể kiện anh đến nơi đến chốn. Đã thế, ngoài việc nợ tiền ekip, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Huỳnh Tuấn Anh đã làm tổn hại đến danh dự những anh, chị, em đã lỡ vô tình không biết anh là ai và hợp tác cùng".
Ngoài ra, người này cũng khẳng định đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh vô trách nhiệm, thiếu chuyên môn trong quá trình làm phim cùng hàng loạt những vấn đề nảy sinh khác.
"Mình dám khẳng định #hta không lên phòng dựng bất cứ ngày nào. Ngoài tập 1 ra, tất cả các tập hta cũng không chịu xem trước khi phát sóng. #hta chỉ quan tâm Behind the scene có mặt mình phỏng vấn nói cái gì không".
Phượng khấu chỉ có 11 tập phim hậu cung, nhưng drama hậu trường thì đã kéo dài suốt 2 năm dai dẳng vẫn chưa đến hồi kết.
Tập 7 - Một nữ diễn viên lên tiếng "đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh rất hèn"
Sau nhiều điểm trừ thì điểm cộng duy nhất của Phượng khấu là cổ phục. Tuy nhiên, ngay cả điểm mạnh duy nhất này cũng không tránh khỏi thị phi.
Gần đây, một nhân vật khác lại tiếp tục dấn thân vào chuỗi drama, đó là nữ diễn viên Kiều Trinh. Cụ thể, diễn viên Kiều Trinh tố Huỳnh Tuấn Anh đã lợi dụng tên tuổi của cô và con gái cô nhằm mục đích thu hút truyền thông, nhưng rốt cục cô không nhận được đồng tiền cát xê nào cả.
Kiều Trinh cho biết cô và con gái được mời sang chụp hình hỗ trợ cho các bạn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM để thực hiện dự án về cổ phục. Nhưng sau cùng bên phía đoàn phim đã dùng chính hình ảnh của Kiều Trinh và con gái nhằm mục đích PR, mặc dù chưa được sự đồng ý từ cô.
"Một lời nói không mất tiền mua nhưng đến một lời cảm ơn, xin lỗi mà Huỳnh Tuấn Anh vẫn không có thì bạn thật sự hèn" - diễn viên Kiều Trinh thắng thắn chia sẻ.
"Phượng khấu" còn lại gì sau 2 năm?
Chung quy, Phượng khấu một lần nữa đã lặp lại những sai lầm của nhiều phim Việt khác. Tính đến thời điểm này, Phượng khấu là bộ phim dài tập phát sóng trên nền tảng OTT nhưng lại có mức đầu tư khá lớn. Tuy nhiên, đầu tư lớn nhưng sự chuẩn bị lại không chu đáo ở nhiều mặt, quá nhiều câu chuyện ồn ào không đáng có về sự thiếu chuyên nghiệp và những scandal đấu tố nhau khiến người ta ngán ngẩm. Để giờ đây, nhắc đến Phượng khấu, thứ làm người ta nhớ đến nhiều hơn không phải tình tiết phim mà lại là những tình tiết drama.
Phượng khấu - một bộ phim đã từng được đầu tư và kỳ vọng lớn sẽ mang những giá trị lịch sử đến với thời đại, thay đổi cách tiếp cận lịch sử của người trẻ, tiếp gót phim cung đấu Hoa Ngữ, tạo nên trào lưu cổ phục... để rồi sau cùng chỉ còn lại một "gáo nước lạnh" - không hề có bất kỳ sự đột phá nào ngoài cổ phục.
Bởi dù không được đánh giá cao về nội dung, nhưng không thể phủ nhận rằng Phượng khấu đã thực sự mang đến những giá trị nhất định trong việc giới thiệu nét đẹp cổ phục Việt Nam thời nhà Nguyễn.
Dù vậy, nhưng Phượng khấu không hoàn toàn thất bại, mà vẫn đạt được những thành quả nhất định: lọt vào top 10 TV shows hay nhất châu Á năm 2020 (do trang giải trí uy tín NME của Anh bình chọn); được mời đi tranh giải tại giải thưởng thường niên Asia Contents Awards 2021 - đây là giải thưởng dành cho các tác phẩm giải trí xuất sắc, tháng 10/2021 sắp tới là lần thứ 3 giải thưởng này được liên tục tổ chức tại Hàn Quốc.
Thế nhưng mà dẫu sao đi nữa, dù có bao nhiêu giải thưởng ngoài kia thì Phượng khấu ngay từ đầu đã không được đánh giá cao tại chính "sân nhà". Bởi yêu cầu của khán giả Việt ngày càng cao, cái người ta tìm kiếm là một bộ phim có chiều sâu và được đầu tư nghiêm túc từ chính những người tạo ra nó, chứ không phải những chiêu trò PR "bẩn" hay cách làm việc thiếu tâm huyết.
Song, nói đi cũng phải nhìn lại, phim cung đấu cổ trang thật sự vẫn còn là một thể loại mới mẻ tại Việt Nam, vì vậy thiếu sót là điều khó tránh khỏi. Chưa kể đến, lịch sử là một trong những thể loại khó nhằn nhất đối với các nhà làm phim, bởi không chỉ đứng trước nguy cơ kém thu hút và lại còn dễ bị soi "sạn" và dễ bị chỉ trích.
Sau tất cả, khán giả vẫn tiếp tục chờ đợi và hy vọng vào Huyết rồng - dự án cổ trang tiếp theo của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sẽ bù đắp lại những mất mát, hụt hẫng từ Phượng khấu.
Nguồn: TH&PL