Ngoài đề tài gia đình, phim truyền hình Việt còn lắm những mảng miếng cần "đất dụng võ".
Thời gian gần đây, xu hướng thịnh hành của đề tài phim Việt thường xoay quanh các đề tài mẹ chồng - nàng dâu, mối quan hệ gia đình bất hoà, sự chen ngang của "tiểu tam". Đồng thời, khai thác sự hào nhoáng, bóng bẩy của cuộc sống, lấy bối cảnh sang trọng để góp nhặt những góc tối.
Bên cạnh đó, những câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình bằng cách này hay cách khác được tận dụng tối đa trên màn ảnh, dễ gây cảm giác nhàm chán. Sự phổ biến của phim chuyển cũng chưa thật sự thoát ly khỏi bản gốc, vẫn mang nét đặc trưng của cốt truyện Hàn Quốc, Trung Quốc.
Song, sự xuất hiện của Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao trở thành một hiện tượng phim truyền hình mới, làn gió mang màu sắc riêng biệt. Phim tập trung vào tầng lớp lao động nghèo trong xã hội, một góc nhìn tuy không mới mẻ nhưng không đại trà. Điều này giúp phim tiếp cận đến khán giả như một món ăn tinh thần khác lạ giữa "thực đơn" vốn ít lựa chọn của phim Việt.
Theo đó, các nhà quan sát phim ảnh trong nước cho rằng cần có cái nhìn cởi mở hơn trong việc sáng tạo và điều chỉnh đối tượng kịch bản. Đặt các đề tài vốn quen thuộc ở một góc nhìn mới sẽ mang đến những câu chuyện kể thú vị và đặc sắc.
NSƯT - đạo diễn Nguyễn Danh Dũng trải lòng: "Phim "Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao" khiến tôi thích ngay khi đọc kịch bản. Cuộc sống vốn có nhiều ngành nghề, giai tầng, mảnh đời khác nhau. Mỗi con người cũng có số phận, công việc khác nhau, từ lâu rồi tôi mới có dịp làm một phim khai thác câu chuyện chân thật về cuộc sống người lao động đầy nhân văn như thế này".
Trước đây, những bộ phim thanh xuân, học đường hay phim về người trẻ như: Ký Túc Xá, Cá rô - Em Yêu Anh, Gọi Giấc Mơ Về,... đều để lại những dấu ấn đặc biệt. Những dự án trên mang màu sắc tươi tắn, đậm nét Việt do đó được khán giả hưởng ứng nhiệt tình.
Người hâm mộ vẫn luôn kỳ vọng các đề tài tương tự tiếp tục được sáng tạo, đổi mới chất liệu để thị trường phim ảnh Việt Nam cho ra mắt nhiều hơn nữa các tác phẩm đạt chất lượng tốt về hiệu ứng phản hồi lẫn nội dung.
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL