Những đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt nói gì về đề xuất "dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức" từ một đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Luật Điện ảnh?
Tại phiên họp sáng ngày 23/10, Luật Điện ảnh sửa đổi là nội dung được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Bà Lê Thu Hà - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã đưa ra đề xuất cần có quy định về việc dừng chiếu hoặc rút giấy phép các tác phẩm điện ảnh có nghệ sĩ không có đạo đức, hoặc vi phạm đạo đức và ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị.
Ngay sau khi ý kiến này được đưa ra, giới làm phim Việt cùng khán giả đã có nhiều ý kiến trái chiều. Cùng gặp gỡ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, diễn viên - nhà sản xuất - đạo diễn Hồng Ánh và nhà sản xuất Hoàng Quân để lắng nghe những chia sẻ về vấn đề này.
"Oan cho nhà đầu tư, nhà sản xuất nếu không chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức"
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được biết đến qua nhiều phim điện ảnh đình đám như Tiệc Trăng Máu, Tháng Năm Rực Rỡ... Về việc dừng chiếu hoặc rút giấy phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho đây là "nỗi oan" của tập thể đoàn phim.
"Phim thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư, nhà sản xuất chứ không phải của riêng nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ có vấn đề cá nhân thì cũng có thể có luật, nhưng luật sẽ được tính ở thời điểm đó. Quan trọng là thời điểm xảy ra vấn đề của nghệ sĩ, ví dụ tính từ thời điểm nghệ sĩ dính vấn đề thì có thể rút giấy phép hành nghề của họ, nhưng rút giấy phép của bộ phim họ đóng thì thật sự oan cho nhà đầu tư, nhà sản xuất.
Nếu bất cứ ai, không riêng gì nghệ sĩ mà mỗi cá nhân vi phạm, cứ tính từ thời điểm xảy ra vấn đề đến tương lai để có thể đưa những công văn đến các tổ chức đề nghị không hợp tác với người đó. Đó là chuyện bình thường. Nhưng việc rút giấy phép của những gì đã có và đang có, tôi nghĩ đó không phải sự trừng phạt dành cho nghệ sĩ. Rút giấy phép của phim ảnh hưởng rất nhiều và lớn đến các bên liên quan. Những ai bị vạ lây thì thật sự rất oan".
"Lệnh cấm lớn nhất đối với một nghệ sĩ là sự từ chối của khán giả"
Diễn viên Hồng Ánh từng góp mặt trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình đình đám, mà mới đây nhất là Cây Táo Nở Hoa. Bên cạnh đó, cô còn được biết đến với vai trò đạo diễn cho bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư, và nhà sản xuất của nhiều dự án phim ảnh khác. Theo diễn viên Hồng Ánh, muốn đưa việc rút giấy phép phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức vào luật thì cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.
"Như thế nào gọi là vi phạm? Ví dụ với người này, sự việc đó là vi phạm đạo đức nhưng với người khác lại là cá tính thì sao? Dĩ nhiên có những cái chuẩn đã thành khung luật như giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người ta kiện hoặc tố cáo, anh phải có trách nhiệm trả lời và chịu tội. Tôi ủng hộ việc có nhiều luật trên thế giới liên quan đến phim ảnh. Nhưng muốn đưa vào luật thì thì cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn".
Đồng thời, diễn viên Hồng Ánh cũng thẳng thắn đưa quan điểm: "Nghệ sĩ phải giữ hình ảnh là điều dĩ nhiên, điều đó nằm trong suy nghĩ và ý thức đạo đức đối với người của công chúng. Hợp đồng chỉ đưa ra điều khoản giữ hình ảnh như tóc tai, cân nặng... không có quyền thay đổi trong thời gian tham gia dự án, hoặc trước, trong và sau ngày công chiếu bộ phim. Còn hành vi đạo đức, lối sống cá nhân thì làm sao đừng để ảnh hưởng tới tác phẩm mình đang tham gia, nhưng điều đó chỉ mang tính nhắc nhở chứ không quy vào luật định".
Đối với diễn viên Hồng Ánh, một tác phẩm phim ảnh chỉ là sự dàn dựng nên "việc vi phạm lối sống đạo đức thì cấm không chiếu phim đó là điều rất phi lý và vô tình bóp chết nền điện ảnh. Đời tư và phim ảnh hoàn toàn khác biệt. Nếu cá nhân nghệ sĩ làm gì vi phạm luật pháp thì họ phải tự chịu trách nhiệm với những hình phạt. Khán giả cũng có quyền tẩy chay hay ủng hộ".
"Lệnh cấm lớn nhất đối với một nghệ sĩ là sự từ chối của khán giả" - diễn viên Hồng Ánh khẳng định.
"Một bộ phim có nghệ sĩ vi phạm về luật hay đạo đức là vấn đề bên ngoài, mình có thể cấm nghệ sĩ không hoạt động ngay thời điểm họ vi phạm, còn tác phẩm của họ không liên quan. Tác phẩm thì hãy cứ để công chúng là người nhận định. Nếu phim chiếu, khán giả nói à, anh này dính scandal nên tôi tẩy chay phim thì đó là quyền của khán giả".
"Nếu Dự thảo Luật làm rõ cái gì được làm, cái gì không nên làm thì là điều dễ dàng hơn đối với nhà làm phim"
NSX Hoàng Quân hiện đang chuẩn bị phát hành phim điện ảnh Rừng Thế Mạng - phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam vào ngày 31/12 tới đây. Theo dõi Dự thảo về Luật Điện ảnh và những ý kiến trong thời gian gần đây, anh Hoàng Quân cho biết: "Việc có một bộ luật rõ ràng, đầy đủ và cụ thể, với những hướng dẫn chính xác thì chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cho việc làm phim. Ví dụ bạn biết cái đó không được làm, thì bạn sẽ không làm".
"Dù ở Quốc gia nào cũng phải có luật, đúng là một xã hội văn minh và hiện đại như hiện tại thì càng cần luật. Việc luật có gây ra rào cản hay áp lực sáng tạo nào cho phim ảnh hay không, tôi nghĩ vẫn cần tôn trọng sự sáng tạo nghệ thuật. Những năm trước đây, trong giai đoạn khó khăn hơn bây giờ, chúng ta vẫn tạo ra những bộ phim rất hay, nên không thể nói vì có luật mà chúng ta sẽ không có phim hay. Một bộ phim hay hoặc dở phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, bên cạnh luật" - NSX Hoàng Quân chia sẻ.
Nguồn: TH&PL