Nói thật có là...xa xỉ?

Chỉ cần một bức ảnh không rõ nguồn gốc và một dòng tiêu đề khởi đầu câu chuyện, người ta đã nhanh vội hành động trên bàn phím và ''share''.

"Ở thời đại này ai cũng bị dẫn dụ chứ không mỗi khán giả. Thế thì mới có quảng cáo, thế thì mới có truyền thông!"- ViruSs đã khẳng định chắc nịch như thế với chúng tôi khi đang nói về sức ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội trong thời đại ngày nay. Một lần nữa, sự khẳng định của ViruSs làm chúng tôi e ngại rằng: "Nói thật" liệu có đang trở thành yếu tố quá xa xỉ giữa thời đại tin giật gân lên ngôi hay không? 

noi that co la xa xi - anh 0

Ở cuốn sách "Con Đường Hồi Giáo", tác giả Nguyễn Phương Mai từng viết như thế này: "Trong bộ óc của con người có một bộ phận tên là amygdala dùng để sàng lọc hàng ti tỉ các thông tin hằng ngày và chỉ giữ lại các thông tin nguy hiểm. Trải qua bao nhiêu kỷ tiến hóa, bộ phận này trở nên nhạy cảm khủng khiếp, nghe thấy tiếng lá cây xào xạc thì bộ óc sẽ dịch là 'có thú dữ' chứ không phải 'gió mát ghê, nghỉ lưng tý đã".

Giữa thời đại công nghệ thông tin lên ngôi, khi trên tay ai cũng là một chiếc điện thoại thông minh cùng các ứng dụng mạng xã hội cập nhật liên tục những tin tức "nóng" nhất ở mọi lĩnh vực, những thông tin thật càng trở nên khan hiếm. Thay vào đó, "tiếng lá cây xào xạc" của những dòng tin giật gân và sai sự thật lại lan truyền với tốc độ chóng mặt đi cả cánh rừng. Giữa guồng quay thông tin khắc nghiệt, một bộ phận lớn cư dân mạng thả trôi cảm xúc theo bản năng mỗi khi đọc tin tức giật gân, để rồi bộ phận "amygdala" nhảy tưng tưng khiến cho sự lo sợ, giận dữ trào dâng và sinh ra những suy nghĩ trở nên phiến diện, kích thích con người ta buông lời nhục mạ. 

noi that co la xa xi - anh 0

Báo chí hay mạng xã hội đều ra đời để đáp ứng nhu cầu của con người, mà bản năng của con người là quan tâm tin xấu. Chức năng của báo chí vốn dĩ là một công cụ đưa tin, nhưng giờ đây nó tự động hóa hạn hẹp chức năng từ một công cụ đưa tin thành một công cụ chỉ "đưa tin xấu" là chủ yếu. Vì tin xấu mới có người đọc, tin xấu mới dễ gây tranh cãi, tin xấu mới lan truyền nhanh hơn và… tin giật gân thì mới "giật" view. 

Không những thế, giữa đại lộ thông tin thật - giả tồn tại đan xen nhau, còn khiến chính độc giả và người được nhắc đến trở thành một trò chơi của dư luận. Nếu độc giả nhận ra đó là tin giả, thì họ sẽ không tin và không làm theo, nhưng khi không nhận ra đó là tin giả, có thể họ sẽ bị "dắt mũi" và lan truyền sự "dắt mũi". Báo chí truyền thông lẽ ra phải là lực lượng "làm sạch" thị trường thông tin hỗn độn ngoài kia và đính chính sự thật cho độc giả. Nhưng có không ít trường hợp chính báo chí lại khai thác nguồn tin mang tính "tin đồn" từ mạng xã hội để lan truyền tin tức, giờ đây "tin giả" và "tin xấu" đã không còn là chuyện nhỏ.

noi that co la xa xi - anh 0

"Tất cả những gì kinh khủng nhất, những thứ mà mọi người không bao giờ nghĩ tới được thì tôi đều trải qua hết rồi". Đó là lời khẳng định của Văn Mai Hương sau hàng loạt ồn ào lớn nhỏ "đeo bám" cô hơn 10 năm ca hát. Ở những thời khắc ấy, có những người đồng lòng bảo vệ Văn Mai Hương, nhưng tin tức tiêu cực vẫn lan truyền chỉ trong vài phút, đoạn clip nhạy cảm cũng phát tán rộng khắp mạng xã hội. Tất cả đã đẩy Văn Mai Hương vào một cơn khủng hoảng, rõ ràng là nạn nhân nhưng lại phải gánh chịu những màn "body shaming" đầy cợt nhả từ nhiều kẻ nấp sau chiếc avatar ảo chẳng ai rõ mặt mũi và danh tính. 

noi that co la xa xi - anh 0

Tương tự như Khả Ngân, một cô bé từng được truyền thông nâng niu như báu vật từ năm 15 tuổi. Bỗng một ngày loạt bão scandal nổi lên đẩy cô bé ấy rơi xuống vực sâu của sự tăm tối. Chia sẻ với chúng tôi, Khả Ngân cho hay: "Lúc bước vào nghề tôi khoác lên mình một cái áo quá đẹp như thiên thần, nhưng đến một lúc nào đó tự nhiên mọi thứ quay lưng về mình thì những gì mình xuất hiện trên mặt báo đều là tiêu cực. Nếu cho tôi quay về khoảng thời gian phủ sóng tiêu cực thì tôi sẽ xin không dám dù nó nổi tiếng".

Có thể nói, một khi nghệ sĩ bùng nổ scandal đó là lúc dư luận xôn xao như cánh rừng "có thú dữ". Thay vì lên tiếng để đính chính nghệ sĩ thường chọn "im lặng là vàng" như một cách để xử lý scandal với niềm tin rằng: Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi, thời gian sẽ chứng minh tất cả! Như cách Jun Phạm chia sẻ: "Khi người ta đã ghét mình rồi thì bạn có nói sự thật người ta cũng không tin. Khi bạn nói dối người ta cũng không tin. Thôi thì cứ im lặng đúng không?". 

noi that co la xa xi - anh 0

Có lẽ, nghệ sĩ không sai khi chọn cách im lặng để mọi chuyện thật sự "lặng gió" theo lẽ riêng của nó. Vì với sự nguy hiểm của truyền thông như bây giờ, việc lên tiếng đính chính đôi khi không phải là đính chính cho đúng sự thật mà còn "góp gió thành bão" để đẩy câu chuyện đi xa hơn, lệch hướng và không thể quay đầu là bờ nữa. Mạng xã hội và báo chí truyền thông là hai công cụ song hành cùng nghệ sĩ trong việc đưa tin tức đến với khán giả, nhưng có một sự thật không thể chối cãi: Nghệ sĩ không có nơi đáng tin cậy để nói thật và khán giả cũng thiếu nơi để đọc sự thật khi có scandal xảy ra! 

noi that co la xa xi - anh 0

Thời gian qua, cộng đồng mạng được một phen sôi sục khi chứng kiến những màn khẩu chiến qua lại giữa một vị nữ doanh nhân và nhiều người nổi tiếng. Điều đáng nói, không chỉ hóng xem livestream "bóc phốt" mà khán giả còn tin lấy tin để những "sự thật" chưa được khai quật ấy. Hết người này đến người khác thi nhau dùng những lời lẽ khó nghe để hạ bệ, mạt sát nghệ sĩ trên mạng xã hội mà chẳng màng đến đúng, sai. Không dừng lại ở đó, các phương tiện báo chí đều đồng loạt đưa tin và dõi theo từng "đường đi nước bước" của sự việc như một "miếng mồi ngon" để khai thác thông tin, khiến mạng xã hội hoàn toàn bị áp đảo bởi những tin cực kỳ độc hại. 

Nghệ sĩ hay khán giả, ai cũng có cho mình những lý lẽ riêng và mạng xã hội sau cùng chỉ là một công cụ đứng sau và tài trợ cho những cuộc chiến đúng - sai không có điểm dừng. Những tin tức thất thiệt, niềm tin hạn chế cứ thế lây lan làm tổn thương tất cả những người tham chiến. Dần dần chính chúng ta đang xây dựng nên một xã hội vô nghĩa: Chẳng còn ai dám tin tưởng vào ai nữa! 

noi that co la xa xi - anh 0

Đứng trước một tin đồn, nghệ sĩ có thể im lặng và xem đó là cách giải quyết tốt nhất thời điểm hiện tại. Nhưng sẽ "Không ai có quyền bị lãng quên trên Internet" - một câu thoại đắt giá trong bộ phim "Search WWW" của Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa, khi scandal về một nghệ sĩ nổ ra, im lặng có phải giải pháp hữu hiệu nhất nếu những tin tức tiêu cực về sự việc ấy vẫn luôn nằm lại trên Internet, không phải từ ngày này qua ngày khác, mà là từ năm này qua năm khác? Chỉ một động tác đơn giản là "search" tên nghệ sĩ trên Google, bạn có thể dễ dàng tìm thấy mọi thứ, và không phải lúc nào những "link báo" đầu tiên cũng là những tin tốt.

"Nếu tin đồn đó liên quan đến uy tín của tôi, chắc chắn tôi phải lên tiếng. Im lặng không khác nào mình tự đạp đổ những gì mình đã xây. Còn nếu như nó thực sự ảnh hưởng đến những người khác thì mình lại càng phải lên tiếng, càng phải bảo vệ họ trước khi bảo vệ mình. Tôi thấy mình nên có trách nhiệm, nếu đã là người có sức ảnh hưởng, thậm chí là một sức ảnh hưởng lớn" - Vũ Cát Tường chia sẻ thẳng thắn với chúng tôi về cách mà Vũ Cát Tường đối diện với những tin đồn không đáng có. 

Chúng tôi hy vọng, nghệ sĩ nào hay bất kỳ một nạn nhân nào của truyền thông cũng có thể mạnh mẽ lên tiếng như chính lời khẳng định ấy, như một cách bảo vệ "thương hiệu cá nhân" và bảo vệ những giá trị thật thay vì một sự im lặng không thể nào bị quên lãng.

noi that co la xa xi - anh 0

Nguồn:TH&PL

Hạnh Moon|