Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đúc kết, trao truyền qua hơn 120 sách, truyền cảm hứng đến mọi người.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1. Thông tin này đã làm cho rất nhiều người không khỏi đau buồn vì sự ra đi của một nhân vật luôn truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến lối sống của đại số người dân đặc biệt là những người trẻ.
Với 95 năm trụ thế, 70 hạ lạp, ông đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của cộng đồng phật giáo. Ông là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới, một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI. Chính vì thế, ông đã được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926. Ông không chỉ là một vị thiền sư mà ông còn được biết đến là giảng viên, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu. Trước khi qua đời, ông đã viết và xuất bản hơn 100 cuốn sách, trong số đó có hơn 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh. Những cuốn sách được xem là sự soi sáng, là kim chỉ nam với việc truyền cảm hứng và chỉ hướng cho một lối sống đẹp.
Đường Xưa Mây Trắng
Số lượng sách ông để lại vô cùng đồ sộ, nhưng nổi nhất tác phẩm mà thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại, nổi tiếng hơn hết là Đường xưa mây trắng. Cuốn sách với hơn 700 trang có tựa đề "Theo gót chân Bụt" dẫn dắt người đọc tìm hiểu cuộc đời của Đức Phật. Ở trong trang sách nhẹ nhàng, sự giản dị, cùng lối kể gần gũi để thấy được hành trình của Đức Phật, được quay về 2.600 năm để hiểu về bậc giác ngộ.
Tác giả đã kể về những ngày đầu theo học đạo cho đến ngày Đức Phật giác ngộ Đạo giải thoát, rồi Ngài bắt đầu đi thuyết pháp, thâu nhận môn sinh và phát triển giáo đoàn…
Cuốn sách giúp ta khám phá ra rằng Đức Phật thực sự là một con người với những việc làm bình thường, chứ không phải là một vị thần linh. Từ một con người bình thường, sống cuộc đời vĩ đại mà Bụt trở nên vĩ đại. Qua đó, người viết cũng xoá bỏ đi những định kiến, xóa bỏ hết vòng hào quang thần dị đã choàng lên cho Đức Phật. Không thấy Đức Phật như một con người thì ta sẽ rất khó đến được với Đức Phật.
Sách đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và được xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20. Tại Việt Nam, ấn bản phổ biến nhất hiện nay đã được tái bản nhiều lần.
Nói với tuổi hai mươi
Tiếp tục với lối kể chuyện tự sự, Thích Nhất Hạnh như những lời tâm tình nhẹ nhàng gieo vào lòng độc giả trong quyển sách này. Quyển sách như một người bạn lớn gửi đến những người trẻ, nơi để khơi gợi hoài bão, ước mơ và sức sống, nhiệt huyết trong mỗi người, làm bừng cháy những yêu thương.
"Nói với tuổi hai mươi" tìm thấy điểm đồng điệu trong lời thơ của Tố Hữu: "20 tuổi hồn quay trong gió bão/ gân đang xanh và thớ thịt căng da", sức trẻ đó được tỏa sáng trong tình yêu, sự trách nhiệm với đất nước, trong lý tưởng và khát vọng, trong tình yêu và cuộc sống của mình.
Nói Với Tuổi Hai Mươi để thấy rằng cuộc đời vô cùng cao quý và tươi đẹp, và các bạn trẻ, hãy sống sao cho khỏi sống hoài, sống phí, để sức trẻ căng tràn của các bạn sẽ hữu ích cho cuộc đời, cho thế gian và nhân loại.
Giận
Đây được xem là quyển sách vô cùng "thâm thuý" nhưng vô cùng bình dị. Giận của thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ vỏn vẹn trong 252 trang, nhưng lại giúp người đọc tìm được nguyên căn của cơn giận và cách để đối đầu với cơn giận theo cách đơn giản và tích cực nhất.
Quyển sách như sự chỉ đường, dẫn lối mọi người học cách kiềm chế được cơn tức giận và sống thật ý nghĩa trong xã hội. Giận là cảm xúc cá nhân, chúng chỉ xuất hiện khi chúng ta cho phép chúng xuất hiện. Cũng từ đó, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã chứng minh, con người có thể làm chủ cơn giận, biến cơn giận thành hành động tích cực.
"Khi ta giận, khi một ai đó làm cho ta giận, ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình"
Qua góc nhìn của một người con của Phật, Thích Nhất Hạnh đã mở ra một thế giới quan mới cho người đọc. Qua đó giúp mỗi người tự nhìn nhận cơn giận của mình, hóa giải cơn giận của mình từ những điều đơn giản nhất.
Muốn An Được An
Muốn An Được An, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: "Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình.Có bình an, hạnh phúc, chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như một bông hoa. Khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng".
Quyển sách gồm 7 phần và độ dài là 161 trang, nó hướng đến những giá trị sống nhân văn và an yên, thầy Nhất Hạnh như người dẫn lối những sự buông bỏ được khổ đau đang vướng phải, tìm sự bình yên và hạnh phúc trong chính mình.
Đọc quyển sách này để học cách sống hạnh phúc nếu không tự mình làm chủ cuộc đời, những thứ chi phối cuộc sống hàng ngày của bạn sẽ mãi chiếm dụng lấy thời gian của bạn và nếu không tự chủ, bạn sẽ trở thành nô lệ. Tự thân chúng ta phải bình yên, sau đó ta mới có thể lan tỏa hơn nữa những giá trị sống hòa nhã, ấm áp đến người thân và xã hội.
Nguồn: TH&PL