Hy vọng những gợi ý của CineON sẽ giúp bạn có một Ngày của Bố thật trọn vẹn bên gia đình.
Tình phụ tử là một đề tài ít được khai thác trên phim, so với số lượng lớn các tác phẩm về tình mẫu tử, nhưng không vì thế mà chúng ta không có những bộ phim ý nghĩa kể về mối quan hệ cha con. Điều đó phải chăng “bắt nguồn” từ việc những ông bố thường có cách thương con thầm lặng, xen lẫn một chút “lạnh lùng”, nhưng vẫn là một tình cảm thiêng liêng không thể nào thay thế. Danh sách 10 phim điện ảnh dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn lựa chọn được bộ phim phù hợp để xem trong Ngày của Bố năm nay nhé.
1. Con Là Bố, Bố Là Con (Daddy You, Daughter Me) (2017)
Dựa trên tiểu thuyết Nhật Bản Papa to Musume no Nanokakan của Takahisa Igarashi, Daddy You, Daughter Me là một phim Hàn Quốc hài hước, vui tươi, kể về sự hoán đổi thân xác của cặp đôi bố con “khắc khẩu” nhau. Do Yeon (Jung So Min) là một nữ sinh cấp 3 còn bố của cô (Yoon Je Moon) đã đảm nhiệm vị trí trưởng phòng lâu năm nhưng chưa được thăng chức. Trong một hoàn cảnh oái ăm - con gái chuẩn bị có buổi hẹn hò với bạn trai còn cơ hội thăng tiến của bố đang đến gần, họ bất ngờ bị đổi thân xác.
2. Điều Kỳ Diệu Phòng Giam Số 7 (December 23rd (Miracle in Cell No. 7)) (2013)
Điều Kỳ Diệu Phòng Giam Số 7 là bộ phim lấy đi nhiều nước mắt của khán giả, dựa trên sự kiện có thật, xoay quanh người bố thiểu năng trí tuệ Gong Yoo (Ryu Seung-ryong) phải ngồi tù vì bị kết tội oan và cô con gái nhỏ lanh lợi tên Yesung (Kal So-won). Những câu chuyện dở khóc dở cười bắt đầu khi Gong Yoo lén đưa con gái vào nhà giam nhờ sự giúp đỡ của những bạn tù. Bộ phim cảm động có sự góp mặt của Park Shin Hye trong vai cô con gái khi trưởng thành, trở thành luật sư và quyết tâm minh oan cho bố.
Xem phim Điều Kỳ Diệu Phòng Giam Số 7 trên ứng dụng VieON.
3. Một Gia Đình (A Family) (2004)
Jung Eun (Soo Ae) là một kẻ móc túi với bốn tiền án, vừa ra tù sau bản án ba năm. Cô có người cha tên Joo Suk (Joo Hyun) bị mất thị lực một mắt. Xây dựng nên hai nhân vật chính có xuất thân khá “lạ đời”, tác phẩm ý nghĩa này kể về câu chuyện người bố bệnh tật luôn âm thầm và nhẫn nại yêu thương đứa con gái ngang ngược của mình, còn Soo Ae đã phải mất rất nhiều thời gian mới hiểu được lòng cha.
4. Mưu Cầu Hạnh Phúc (The Pursuit of Happyness) (2006)
Không chỉ phù hợp cho Ngày lễ của Bố, Mưu Cầu Hạnh Phúc còn là bộ phim kinh điển truyền động lực cho cả thế giới. Kể về câu chuyện vượt lên số phận của Chris Gardner (Will Smith) và đứa con trai bé bỏng (do chính con trai ruột của Will Smith - Jaden Smith đóng), phim khơi gợi nhiều câu hỏi về ý nghĩa của việc tìm kiếm hạnh phúc đích thực.
Để nhân vật trải qua vô vàn thăng trầm, khi gần chạm được tới thành công lại bị rơi xuống đáy một cách đột ngột, bộ phim đã lột tả cảm động ý chí phấn đấu của người cha, bởi anh biết nỗ lực của mình không chỉ vì bản thân mà còn vì đứa con trai - điều quý giá duy nhất còn sót lại trong cuộc đời khốn khổ của anh.
Xem phim Mưu Cầu Hạnh Phúc trên ứng dụng VieON.
5. “Mẹ” Bố (Mr. Mom) (1983)
Mr. Mom (tạm dịch: “Mẹ” Bố) là bộ phim hài Mỹ của hãng 20th Century Fox. Cốt truyện xoay quanh một kỹ sư ô tô tên Jack Butler (Michael Keaton) trở thành người cha nội trợ (stay-at-home dad) và chăm sóc cho ba đứa con nhỏ, sau khi vợ anh ta Caroline Butler (Teri Garr) quay trở lại công việc kinh doanh quảng cáo với tư cách là giám đốc điều hành tại một công ty lớn.
Được nhà sản xuất Lauren Shuler Donner lấy cảm hứng từ câu chuyện làm bố của một người bạn, bộ phim tái hiện những câu chuyện hài hước của một ông bố ở nhà “đương đầu” với tã bẩn, cơm nước hay cả “drama” với hàng xóm,... đều có tất!
6. Ngài Thẩm Phán (The Judge) (2014)
Đôi khi sống dưới hào quang quá lớn của một người bố tài giỏi cũng là một “áp lực”. Ngài Thẩm Phán theo chân luật sư Hank Palmer (Robert Downey Jr.) bất đắc dĩ trở thành người bào chữa cho bố mình trong một phiên tòa - là ông Joseph Palmer (Robert Duvall), một thẩm phán nổi tiếng, và cũng từ đây, những bí mật về mối quan hệ giữa họ trong quá khứ dần được hé mở.
Tình phụ tử được thể hiện xuyên suốt phim thông qua hình tượng giữa Hank với bố và giữa Hank với con gái mình, là một bộ phim chính kịch để lại nhiều dư vị cho khán giả ngay cả khi phim đã khép lại.
7. Lũ Trẻ Đều Ổn (The Kids Are All Right) (2010)
Một bộ phim được tạp chí Entertainment Weekly nhận xét là “xóa bỏ được những hàng rào giữa “nội dung về đề tài đồng tính” và “nội dung về đề tài gia đình”. Phim kể về quan hệ phụ huynh với con cái trong một gia đình đặc biệt: một cặp đồng tính nữ tuổi trung niên Nic (Anne Bening) và Jules (Julianne Moore) có một cô con gái và một cậu con trai. Cuộc sống êm đẹp của gia đình bỗng một ngày bị “xáo trộn” khi hai đứa trẻ tìm thấy cha của chúng, chính là Paul (Mark Ruffalo) - người đã hiến tinh trùng năm xưa, hiện tại vẫn chưa vợ, và lần đầu tiên trong cuộc sống của hai đứa trẻ xuất hiện hình bóng một người đàn ông…
8. Cha Của Cô Dâu (Father Of The Bridge) (1991)
Cha Của Cô Dâu là phim hài Mỹ, miêu tả những nét tâm lý cảm động của người cha George Banks (Steve Martin) khi chuẩn bị “mất” cô con gái yêu quý Annie (Kimberly Williams-Paisley) vào tay chàng rể. Nằm trong danh sách những bộ phim về cha và con gái hay nhất mọi thời đại, bộ phim đặt góc nhìn thú vị lên một người bố lẫn lộn nhiều cảm xúc khó tả khi “phải” đón nhận sự trưởng thành của cô con gái. Cha Của Cô Dâu là một quan sát đầy sâu sắc và yêu thương của nhà sản xuất gửi đến khán giả về đề tài gia đình.
9. Bố Tôi Là Toni Erdmann (Toni Erdmann) (2016)
Bố Tôi Là Toni Erdmann là tuyệt phẩm màn bạc Đức về tình cha con trong xã hội đương đại đậm chất hài hước. Chuyên gia tư vấn nhân sự Ines Conradi (Sandra Huller) là người luôn tất bật với công việc, là một phụ nữ tưởng chừng như rất độc lập, mạnh mẽ nhưng thực chất lại thường trực sự mệt mỏi và áp lực. Với tình cảm của một người cha, Winfried (Peter Simonischek) thấu hiểu được con mình và bắt đầu “bày trò” giúp con gái, và trong quá trình hàn gắn ấy, ông dần gỡ bỏ lớp vỏ bọc mà Ines dựng lên trước xã hội.
10. Bố Già (Dad, I’m Sorry) (2021)
Bố Già của Trấn Thành là bộ phim lập kỷ lục về doanh thu của điện ảnh Việt. Thành công của Trấn Thành trong bộ phim nằm ở sự thấu hiểu văn hóa Việt khi tái hiện những lớp lang tâm lý thương con “điển hình” ở Việt Nam, nhưng không sến và cường điệu hoá. Đó là câu chuyện của ông bố lao động nghèo Ba Sang (Trấn Thành) vì cách biệt thế hệ mà xảy ra mâu thuẫn với người con trai Quắn (Tuấn Trần), dẫu họ rất yêu thương nhau. Sau khi “oanh tạc” phòng vé trong và ngoài nước, Bố Già chính thức được khởi chiếu online để phục vụ những khán giả tại nhà.
Hy vọng những gợi ý của CineON sẽ giúp bạn có một Ngày của Bố thật trọn vẹn bên gia đình, và đừng quên gửi một lời chúc, hay lời cảm ơn đến Bố mình nhé.
Nguồn: TH&PL