Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể làm tâm mình lặng đi để cảm nhận sự chuyển động của vạn vật xung quanh, đặc biệt là giây phút hiện tại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sư Ông Làng Mai - là một bậc thầy hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu và một nhà hoạt động cho hòa bình được nhiều người biết đến qua các bài giảng cũng như qua các cuốn sách nổi tiếng về chánh niệm.
Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong đem đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm, đến với xã hội Tây phương và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI. Chính vì thế, ông đã được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1 khiến nhiều người không khỏi đau buồn. Và rồi, những câu nói, bài thơ, lời pháp giảng của thiền sư được nhiều người chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội để tri ân và gợi nhớ đến vị thiền sư vĩ đại theo một cách tích cực nhất.
Những bạn trẻ Gen Z cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng lớn của Thiền sư, họ cũng đã từng lớn khôn lên qua những quyển sách, những câu nói răn say về cách sống và bài học làm người.
Bài học về sự tôn trọng những giá trị hiện tại
Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, cũng không thể biết trước được tương lai. Thế nhưng, mọi sự thay đổi đều bắt nguồn khoảnh khắc của hiện tại. Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể làm tâm mình lặng đi để cảm nhận sự chuyển động của vạn vật xung quanh, đặc biệt là giây phút hiện tại.
Tình cờ biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua những trang sách "Hạnh phúc đích thực", bạn Thạch Quỳnh Anh (sinh năm 2002, sinh viên năm 2 Học viện Ngoại giao) cho biết: "Mình ấn tượng với một đoạn chia sẻ của thầy cùng nhà báo Hoàng Anh Sướng như sau: 'Lo lắng và sợ hãi về tương lai chỉ làm hư tương lai của mình, còn tiếc nuối và mặc cảm về quá khứ sẽ biến quá khứ thành nhà tù và mình không có khả năng sống trong hiện tại nữa. Đó là sự đáng tiếc..."
Nói qua về quyển sách "Hạnh phúc đích thực", bạn Quỳnh Anh cho biết đây là một cuộc đàm thoại thú vị giữa nhà báo Hoàng Anh Sướng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh về vấn đề hạnh phúc và làm thế nào để có được hạnh phúc. Qua lối nói mộc mạc, dễ hiểu, những ví dụ chân thực từ đời sống của thầy đã giúp Quỳnh Anh hiểu được rằng, hạnh phúc của mỗi người luôn tồn tại ở chính khắc khắc hiện tại người đó đang sống, và mỗi người sẽ tìm được hạnh phúc của riêng mình nếu chấp nhận đối mặt, nhìn nhận và thấu hiểu nỗi đau của mình trước.
"Mình vẫn đang đọc tiếp phần sau của quyển sách và tiếp tục hoàn thiện những bài học mình rút ra từ đó. Quyển sách đã cho mình có cơ hội nhìn sâu hơn, trân trọng hơn những giây phút của hiện tại và đồng hành với mình trong hành trình nhận ra hạnh phúc thật sự là gì", Quỳnh Anh chia sẻ bài học từ những lời nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Bài học về sự thấu hiểu và yêu thương người khác
Cuộc đời vốn dĩ vô thường và chúng ta thật sự không thể biết trước mình còn gặp được những người thân thương thêm bao nhiêu lần nữa. Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, con người không là chủ nhân của thời gian và không bao giờ hiểu được luật chơi của nó. Thế nên, nếu bạn thực sự yêu thương một ai đó, hãy trân trọng và yêu thương họ trong từng khoảnh khắc, hơn hết là sự thấu hiểu nỗi đau của một người.
Từng rút ra bài học và giác ngộ nhiều điều từ những câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bạn Minh Nguyệt (sinh năm 2003, sinh viên năm nhất Học viện Ngân Hàng) cho biết: "Bản thân mình ấn tượng nhất với câu: "Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương". Nhờ câu nói này của thầy mà mình đã cảm nhận được sự cần thiết của việc sống và thấu hiểu lẫn nhau".
Với Minh Nguyệt, cô bạn cho rằng ai cũng cần được thấu hiểu và để chung sống được với nhau. Cách để yêu thương người khác theo đúng nghĩa là thấu hiểu họ, đó là điều mà Minh Nguyệt đã rút ra được từ câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
"Mình là một người trẻ, có thể mình còn chưa đủ 'trình' để chiêm nghiệm được hết những điều quý giá trong câu nói của thầy, nhưng thật sự câu nói ấy đã chạm đến mình. Mình đã cố gắng hơn trong việc thấu hiểu mình và thấu hiểu những người xung quanh. Khi mình thấu hiểu một ai đó, nhìn thấy những vết thương chưa lành trong họ, em sẽ cố gắng cùng họ chữa lành vết thương. Đó cũng là một cách yêu thương người khác", Minh Nguyệt chia sẻ.
Bài học về bức tranh vô cảm của xã hội: Mình không biết hay cố tình không biết?
Nguyễn Huỳnh Tấn (sinh năm 1998) một bạn trẻ đang làm trong lĩnh vực tư vấn tâm lý và thấu hiểu con người, đã chia sẻ rằng bức tranh vô cảm ở xã hội hiện tại đã trở nên phổ biến với những vấn đề như câu chuyện bạo hành trẻ em và những mâu thuẫn trong gia đình.
"Những ngày gần đây, câu chuyện đau thương liên quan đến các em nhỏ khiến mình nghĩ nhiều về sự vô cảm của mọi người xung quanh, là mình không biết hay mình cố tình không biết để dẫn đến những chuyện vừa qua? Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dạy về thấu hiểu nỗi đau người khác, đặt biệt là những mối quan hệ trong gia đình", Huỳnh Tấn chia sẻ.
Là một người làm trong lĩnh vực tâm lý, Huỳnh Tấn luôn lấy lời dạy của Sư thầy Thích Nhất Hạnh để làm kim chỉ nam cho công việc của mình. Đó là sự thấu hiểu người khác, đồng thời góp phần lan toả tình yêu thương của mình đến với mọi người.
"Làm trong công việc này, mình mới nhận ra rằng ai cũng có nỗi đau của riêng họ, phải đặt mình vào người đó để mình biết được sự họ đang cần cái phao của chúng ta. Có không ít người, khi thấy nổi đau của người khác lại xoáy sâu vào đó, làm vết thương lại càng lớn. Ví dụ như việc con cái bị điểm xấu, bố mẹ la mắng. Hay khi con làm sai, bố mẹ lại coi nó là chuyện động trời. Không phải đánh đập mới là bạo hành, mà những lời la mắng cũng dẫn đến hệ luỵ không nhỏ...", Tấn chia sẻ.
Từ lời răn dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Huỳnh Tấn cũng ngộ ra rằng, chính những người trong gia đình mới thật sự khó thấu hiểu cho nhau nhất dù luôn tồn tại tình yêu thương bởi những cách biệt về tuổi tác, tâm lý và ràng buộc. Chính vì thế, Huỳnh Tấn cho rằng, trước khi hiểu người đời, chúng ta cần phải hiểu bản thân và gia đình mình trước nhất.
"Khi thấy gia đình cười mới là điều hạnh phúc nhất, mình luôn áp dụng lời dạy thấu hiểu và yêu thương người khác của thầy vào cuộc sống lẫn công việc của mình như một kim chỉ nam để làm người, làm nghề và nhắc nhở mình hàng ngày", Tấn nói.
Tạm kết
Có thể nói, dù Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã ra đi, nhưng những lời dạy của ông vẫn còn mãi và đồng hành trong suốt hành trình lớn lên của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z - thế hệ còn đang chông chênh với chính tuổi trẻ của mình.
Di sản lớn nhất của thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho đời là chánh niệm tỉnh thức, tâm từ bi và kiến tạo hoà bình.
Nguồn: TH&PL