Trong vấn đề viết tiểu luận thì nhiều trường đã triển khai những phần mềm kiểm tra đạo văn, từ đây sinh viên cũng tìm đủ mọi cách để có thể “biến tấu” lại bài tiểu luận của mình.
Tiểu luận vẫn luôn là chủ đề gây nên ám ảnh đối với nhiều sinh viên bởi trên thực tế dù đã có được sự nghiên cứu nhưng các bạn vẫn không thể nào biết được cách viết. Bên cạnh đó là sự phát triển và tiện lợi của Internet đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên có thể tham khảo được từ nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều bạn đang lợi dụng chính những bài viết có sẵn trên mạng để có thể tùy tiện sao chép toàn bộ hay góp nhặt từ nhiều nơi khác nhau và thống nhất thành bài riêng. Trên thực tế những nội dung như thế hoàn toàn không thuộc quyền sở hữu của sinh viên và cũng dễ dàng bị nhà trường nhận thấy thông qua các phần mềm chống đạo văn, điều này được xem là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý tùy theo mức độ.
Sự truyền tay nhau của hàng loạt công cụ "viết lại"
Để có thể tránh được việc kiểm tra đạo văn, hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội cũng đã lan truyền nhau về các ứng dụng "viết lại" tiểu luận. Đơn giản chỉ cần sao chép một đoạn văn bản và hệ thống sẽ xử lý cho ra một đoạn văn bản mới, chính sự tiện lợi "độc hại" này mà nhiều sinh viên đã thi nhau cứ đến kỳ tiểu luận là cạy nhờ vào việc "viết lại".
Tuy nhiên, về độ chính xác và đầy đủ thì chúng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí những hệ thống này chỉ mang tính lọc từ ngữ và chọn ra ý chính nên nội dung đôi lúc được đưa ra vô cùng lủng củng và rời rạc. Song đó, bất chấp mọi thứ thì nhiều sinh viên vẫn tin tưởng tuyệt đối vào những phần mềm này thay vì dành thời gian đề nghiên cứu và đọc tài liệu.
Nếu đây được xem như bài kiểm tra hay kỳ thi thì những hành vi sao chép dưới bất kể hình thức nào cũng được xem là vi phạm. Trên thực tế "viết lại" tiểu luận đang được nhiều người truyền tay và chia sẻ trên mạng xã hội vốn là "con dao 2 lưỡi", nếu không cẩn thận và có sự điều chỉnh cho bản thân thì bài làm rất có thể sẽ bị hủy bỏ.
Việc cùng nhau chia sẻ những phần mềm như thế này không hoàn toàn chỉ là những điều tiêu cực, ở một khía cạnh khác nó cũng giúp các bạn sinh viên có thể dễ dàng chọn lọc ra nội dung phù hợp, tóm tắt được ý chính… Nhưng thực trạng đáng lên án ngày nay là sự lạm dụng quá mức khiến kiến thức của sinh viên đối diện với nhiều hệ lụy.
Né được đạo văn nhưng kiến thức thì bị thiếu hụt
Có thể chính sự xáo trộn, rút ngắn hay thay từ ngữ của việc "viết lại" đoạn văn sẽ giúp chúng ta giảm thiểu được việc đạo văn nhưng nếu đó là một đề tài đòi hỏi sự nghiên cứu thì kiến thức chắc chắn sẽ không thể được đảm bảo. Cùng với đó là việc ta không có được tư duy để suy nghĩ đến vấn đề, tất cả chỉ là thụ động từ sự hỗ trợ của một vài công cụ.
Chúng ta có thể sử dụng chúng với chính đề tài của riêng của bản thân mình hay sử dụng cho quá trình nghiên cứu thay vì "biến tấu" để trở thành bài viết cá nhân. Việc không có được sự đọc hiểu, tham khảo và dành thời gian cho tài liệu sẽ khiến lượng kiến thức trở nên bị thu hẹp, thậm chí là hổng kiến thức hay mất gốc.
Việc không có được những nền tảng kiến thức, nhất là các môn chuyên ngành ở đại học có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đối với sinh viên, điển hình là việc không thể tiếp thu những lượng kiến thức mới hay khó theo kịp những bài học tiếp theo. Có thể đó chỉ là một bài tiểu luận nhỏ trong số rất nhiều những nội dung đại học nhưng việc thiếu đi một kiến thức cũng khiến bản thân trở nên khó khăn hơn trong quá trình học tập.
Hơn hết nếu không có giới hạn giữa việc tham khảo và đạo văn ta rất dễ dàng bị lạm dụng các phần mềm "viết lại" từ đó không có được tư duy chủ động trong học tập. Bản thân cũng nhanh chóng trở nên lười biếng và sau một thời gian sẽ không có được sự rèn luyện một số kỹ năng cần thiết, ví như tìm kiếm tài liệu, viết, tóm tắt hay đọc…
Sự hỗ trợ là cần thiết nhưng không nên lạm dụng quá mức
Với sự phát triển của Internet trong giai đoạn hiện tại, cùng với đó là lượng kiến thức vô cùng lớn và luôn được cập nhật ở đại học thì việc dùng đến sự hỗ trợ là điều cần thiết. Bởi đó chính là phương tiện giúp bài học trở nên được hiệu quả và sâu sắc hơn hay đơn giản đó là cách dễ dàng để ta có thể tiếp cận được kiến thức.
Song đó cần nhận thức rõ được thực trạng đạo văn thay vì tìm cách để tránh né chúng từ việc dùng các phương tiện khác, những phần mềm "viết lại" này hoàn toàn không sai nhưng cần được sử dụng đúng cách bởi vẫn tìm ẩn nhiều rủi ro. Không nên lạm dụng quá mức và cho rằng đây là công cụ để làm bài tập thay vì xem nó như sự hỗ trợ.
Hãy nhìn nhận việc viết tiểu luận như quá trình tiếp nhận kiến thức, nó vẫn cần hơn hết là do chính bản thân mỗi người tự thực hiện và học hỏi. Có thể sẽ không mang lại một kết quả như mong đợi nhưng nó là kiến thức của bản thân chúng ta sau một quá trình, hãy tích cực hơn khi nhìn nhận về điểm số và xem kiến thức là điều quan trọng hơn cả.
Sẽ có những đề tài khiến chúng ta mất đi phương hướng, không có được những cách giải quyết nên hãy vẫn cứ tự tin tham khảo trên mạng hay tìm đến sự hỗ trợ từ bạn bè và thầy cô… Vẫn còn rất nhiều những biện pháp khiến bài tiểu luận của chúng ta thêm hiệu quả, thay vì là hành vi sao chép hay "viết lại" từ kiến thức của người khác.
Nguồn: TH&PL