Xu hướng âm nhạc "vội" và "ăn liền" dường như đang có những ảnh hưởng không thực sự tốt đến âm nhạc Việt.
Xu thế nhạc "vội"
Trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ Phạm Khánh Hưng - chủ nhân của một loạt những bản hit từ cách đây 20 năm như Người Ra Đi Vì Đâu, Thật Lòng Xin Lỗi Em - đã chia sẻ nhận định của bản thân rằng thị trường âm nhạc Việt đang rất "vội".
"TikTok ra đời, bạn chỉ có 1 phút. 5 giây mà người ta chán, người ta cho qua rồi. Cho dù bạn hát hay cỡ nào họ cũng mặc kệ. Rất khó sống. TikTok làm cho thế giới này gấp lên", nam nhạc sĩ giải thích. Anh cũng cho rằng tốc độ hát của những ca khúc ở thời điểm hiện tại đã rất khác so với cách đây 20 năm.
Dù cho có là nhạc buồn, tempo của ca khúc cũng phải được đẩy lên cao hơn so với cách hát mà Phạm Khánh Hưng miêu tả là "rề rà" của thế hệ trước, trong đó có chính anh.
Đây có thể được xem là nhận định mang đến một cái nhìn bao quát nhất về xu hướng nhạc "ăn liền" ở thời điểm hiện tại của âm nhạc Việt.
Âm nhạc được phổ biến trên những nền tảng video ngắn chủ yếu là những đoạn điệp khúc hoặc câu hát ấn tượng được phối lại sôi động bằng cách thêm bớt một vài yếu tố trong bản nhạc gốc như tốc độ, âm độ, nhịp điệu…
Xu thế này được nhiều khán giả và những người có chuyên môn cho rằng đang "giết chết" âm nhạc Việt với những bài hát không đầu không đuôi, thậm chí có phần lời vô nghĩa nhưng mang tính giải trí cao.
Nội dung liên quan
Các hit-maker nói gì?
"Nhạc 15 giây" hay còn được biết với cái tên khác là "nhạc kiểu TikTok". Đây là một trong những thuật ngữ đang được sử dụng rất nhiều trong 2 năm trở lại đây. Định nghĩa này dành cho một thể loại âm nhạc "mì ăn liền" với những sự đầu tư không quá lớn nhưng phải thực sự sáng tạo và có dấu ấn riêng biệt.
Masew - một trong những nhân vật tiên phong tạo ra những bản remix với tốc độ nhanh hơn so với bản gốc - cũng nhận định: "Speed-up thật ra sẽ làm cho mọi người cảm thấy hứng thú hơn. Tôi nghĩ cũng là một phần để giúp cho sản phẩm thành trend".
Anh cũng chia sẻ rằng chính bản thân mình cũng đã có những ca khúc viral nhờ việc được các producer khác tăng tốc lên và đăng tải ngược lại trên nền tảng TikTok.
Hoaprox - người từng mang nhạc Việt ra thế giới với bản hit "tỷ view" Ngẫu Hứng - thẳng thắn bày tỏ quan điểm về âm nhạc trên TikTok: "Tôi dễ dàng tìm được rất nhiều bài nhạc hay trên đó. Nhưng phải ra ngoài nền tảng đó để nghe bài nhạc từ đầu đến cuối, cảm nhận trọn vẹn thì lúc đó mới gọi là cảm nhận về mặt âm nhạc. Về mặt nghệ thuật thì 15 - 30 giây chưa đủ tạo hấp dẫn cho ai đó về mặt âm nhạc".
Người đứng sau sự thành công lẫn tai tiếng của tlinh trong thời gian gần đây là producer 2pillz - cái tên tương đối lạ với khán giả đại chúng. Tuy vậy, anh đã tạo ra được nhiều dấu ấn trong giai đoạn hoạt động ở cộng đồng Underground.
Anh tỏ ra cởi mở với những cách làm đang viral trên TikTok, khẳng định bản thân không có luật lệ khi làm nhạc. 2pillz chia sẻ: "Miễn sao nhạc hay và làm nhiều khán giả đồng cảm thì nó sẽ thành xu hướng".
Nội dung vẫn là thứ quan trọng nhất
Từ những quan điểm khác nhau của hai thế hệ producer, dường như xu hướng làm nhạc với tempo nhanh hơn thông thường đang trở thành một điều không mấy đặc biệt với những nghệ sĩ trẻ. Nếu Lúc Đó của tlinh có tempo 158 BPM.
Đây là con số cao "bất thường" đối với những ca khúc có nội dung buồn bã. Nói về việc này, 2pillz khẳng định anh mong muốn làm nhạc mang năng lượng "happy sad". Tuy vậy, việc tăng tốc này cũng không phải một "công thức" được các producer yêu thích.
Masew thẳng thắn cho rằng nếu một ca khúc buồn, việc tempo được tăng lên không thể hiện rằng đây là một xu hướng. "Về tempo nhanh với trước, theo tôi nghĩ cũng không đúng. Tôi thấy cảm xúc của một bài nhạc buồn nhưng bị đẩy nhanh sẽ không còn cái buồn đó nữa", nam producer thẳng thắn.
Chính vì thế, có thể thấy rõ sự phân hóa trong tư duy âm nhạc của các producer vẫn rất đa dạng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có một điểm chung không đổi rằng họ đều mong muốn mang đến những ca khúc có giá trị, ý nghĩa với khán giả và tránh những trường hợp bị gọi "nhạc rác".
Nguồn: TH&PL