Từ "Bố Già" đến "Nhà Bà Nữ", Lê Giang dù thủ vai thứ chính nhưng vẫn ấn tượng nhờ diễn xuất linh hoạt, đài từ thú vị.
Nhà Bà Nữ xoay quay mối quan hệ của một gia đình có truyền thống bán bánh canh cua. Bà Nữ (Lê Giang) vì bị chồng bỏ nên hận đàn ông, về sau luôn hà khắc với con gái. Ngọc Nhi (Uyển Ân) luôn phải sống dưới cái bóng của mình, nhất cử nhất động đều không được làm theo ý muốn. Cho đến khi cô đem lòng yêu John (Song Luân), Ngọc Nhi đã quyết tâm "chống lại" mẹ mình, bỏ nhà theo người yêu.
Giống Bố Già, phim trước của Trấn Thành, cảnh cao trào trong tác phẩm là cuộc đấu khẩu giữa phụ huynh và con cái. Nếu Tuấn Trần và Trấn Thành từng xung đột vì lễ giáo gia phong, thì Uyển Ân và Lê Giang tranh cãi về giấc mơ. Khi giấc mơ của mẹ bao trùm và áp chế giấc mơ con cái, những gì người mẹ làm tưởng như định hướng cho con đường đi đúng, hóa ra lại là gông cùm cản bước con đi.
Khi từ nhân vật phụ trong Bố Già, trở thành tuyến "phản diện" trong phim mới, Lê Giang có nhiều cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất. Có thể nói là nữ nghệ sĩ thường phải "gánh team" khi đóng cặp Uyển Ân, hay thậm chí Trấn Thành.
Trái với sự non nớt cần nhiều thời gian cải thiện của Uyển Ân, hay chuỗi lời thoại triết lý có phần giáo điều và lối diễn "kịch" của Trấn Thành, Lê Giang thổi tính cách phức tạp vào bà Nữ. Nhân vật có lúc là cây hài, có khi đáng sợ như quản ngục. Tuy nhiên, khán giả luôn cảm nhận được Lê Giang có sự tiết chế, có những khoảng trầm xen lẫn sự phẫn nộ âm thầm.
Trên hết, Lê Giang giúp khán giả thấy bà Nữ là tuyến phản diện, nhưng không phải kẻ ác. Bà vẫn yêu thương và mong muốn điều tốt đẹp cho con, chỉ là do quá khứ khiến bà Nữ trở nên cay nghiệt. Lê Giang thường bị đóng khung vào những vai diễn ồn ào.
Nhưng thử nhớ lại xem, kể cả trong Bố Già bản điện ảnh, nhân vật của chị cũng đóng vai trò chữa lành, hòa giải, là kim chỉ nam cho sự hỗn loạn mà Trấn Thành luôn mang đến cho phim mình. Lê Giang cũng giúp cho kịch bản Nhà Bà Nữ dù có hơi cực đoan cũng trở nên dễ thở, dễ chịu hơn.
Nguồn: TH&PL