Nhiều khán giả trẻ bỏ thói quen xem phim dài tập, chuyển qua phim ngắn phát trên mạng xã hội vì tiện lợi. Việc này khiến các bộ phim phản cảm có cơ hội phát triển.
Về bản chất, phim ngắn không xấu. Tuy nhiên, khi người trẻ quá chú tâm vào chiếc điện thoại, họ dễ tiếp cận với những video, tiểu phẩm ngắn thô tục, không bị kiểm duyệt tràn lan trên mạng xã hội.
"Để tăng lượng theo dõi, nhiều nhà sản xuất không ngần ngại cho ra những sản phẩm phản cảm, tác động lớn đến tâm lý của người xem. Nội dung phim thường khai thác những góc tối của đời sống xã hội như: cướp vợ cướp chồng; mẹ chồng nàng dâu (thường là mô tuýp mẹ chồng hành hạ con dâu như thời phong kiến hoặc con dâu coi thường mẹ chồng nhà quê); bạn bè khi giàu có coi thường nhau và thậm chí là những câu chuyện loạn luân…", trang Zing đánh giá.
Zing chia sẻ về một số đường dây kịch bản thường thấy ở loại phim "đen" này: "Trong các video về "trà xanh" thường có mô tuýp bạn thân cướp chồng, cướp vợ. Đến khi bị phát hiện chính thất sẽ lao vào giật tóc, bạt tai, về phần "trà xanh" thường trơ trẽn thách thức với những lời lẽ thô bỉ.
Ê kíp làm phim thường dựng lên hình ảnh bà mẹ chồng không khác gì phù thủy, đối xử, hành hạ con dâu hơn cả thời phong kiến. Trong một phim ngắn, người mẹ chồng nấu một bát móng giò lên rồi ngồi ăn trước mặt con dâu, vừa ăn vừa hỏi 'có thèm không?'. Đến khi ăn gần hết thì bà ta đổ bát canh vào miệng con dâu rồi nói 'ăn đi, ăn đi'. Khi cô con dâu nói, vừa sinh xong muốn kiêng nước thì bà ta dí đầu cô vào bồn rửa bát: 'Này thì kiêng này'".
Theo quan sát, những nội dung được đầu tư kịch bản nghiêm túc, mang tính giáo dục thì tương tác thường kém. Ngược lại, những video đen tối, vi phạm chuẩn mực đạo đức có lượng tiếp cận từ vài chục, vài trăm nghìn đến vài triệu lượt xem.
Nội dung liên quan
Người trẻ là đối tượng bị ảnh hưởng, thu hút nhiều nhất từ các loại video này. Trả lời Zing, Tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Bùi Phương Thảo nói: "Theo quy luật tâm lý của con người, những cái gì càng hiếm, càng lạ, càng độc, càng sốc, càng giật gân thì càng gây sự tò mò. Đối với những người lớn đủ tầm hiểu biết thì họ có thể xem thử một vài lần rồi họ tự nhận thấy những nội dung đó quá xàm họ sẽ không bao giờ xem nữa.
Nhưng điều đáng báo động là những khán giả xem thể loại phim ngắn đó đa phần là các bạn trẻ. Những bạn trẻ này chưa định hình được nhân cách, chưa có được lăng kính khách quan và chưa có tinh thần phản biện. Những người trẻ này thường lười suy nghĩ mà chỉ tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, nếu coi những phim ngắn đó như một trend mới thì nhiều người trẻ lại càng muốn mình phải biết, phải rành rọt để khi nói chuyện với bạn bè sẽ không bị lạc lõng".
Nội dung liên quan
Theo thống kê từ ngành chức năng, đến cuối năm 2022, Việt Nam có 65 triệu tài khoản Facebook, 6 triệu tài khoản Youtube và khoảng 20 triệu tài khoản TikTok. Lượt xem vừa là thước đo, đồng thời cũng trở thành sức ép lớn đối với web drama. Một số ekip nghiệp dư cố gắng câu kéo lượng người xem, bất chấp việc đưa ra những nội dung phản cảm và độc hại.
Việc quản lý phim chiếu mạng được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022. Nghị định số 131/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo...
Nguồn: TH&PL