Thực hiện hóa ước mơ đoàn viên cho nhiều người mất người thân, nhưng anh Lê Quyết Thắng vẫn đau đáu một niềm trăn trở.
Trong bộ phim Bố Già, nam diễn viên Tuấn Trần có thoại một câu nói mà ai khi nghe thấy cũng phải "thức tỉnh".
"Tôi thách các bạn nhớ được lần gần nhất các bạn chụp hình với ba của các bạn là khi nào? Ở đâu? Không nhớ đúng không? Tôi cũng không nhớ… Mà chính xác hơn là… không có".
Một câu hỏi rất đơn giản thôi, nhưng không phải ai cũng trả lời được và có những người không còn cơ hội để thực hiện điều đó nữa. Nghề ghép đoàn viên qua ảnh "bỗng dưng" xuất hiện từ những khát khao đơn giản như thế: Chỉ mong có được một tấm ảnh đoàn viên cùng với những người thân đã khuất của mình…
Nội dung liên quan
"Nếu không ai yêu cầu thì mình sẽ không làm nữa…"
Anh thợ ghép những bức ảnh đặc biệt này là Lê Quyết Thắng (31 tuổi, quê Nghệ An, hiện đang sinh sống tại Hà Nội). Trò chuyện với phóng viên , anh cho biết mình chỉ mới gắn bó với công việc này khoảng nửa năm nay kể từ lúc dịch bệnh bùng phát trong khu vực miền Nam.
Với lợi thế công việc chính là chỉnh sửa ảnh qua những dự án bất động sản và công việc thiết kế nội thất, anh quyết định vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để tạo ra những tấm ảnh kỷ niệm cho những gia đình đã "khuyết" người thân.
Anh Thắng kể, ngày trước anh có hay đi "ghép ảnh dạo" cho mọi người trên mạng xã hội, nhưng là ghép ảnh những người còn sống. Còn việc ghép ảnh những người đã khuất là một đề tài nhạy cảm mà anh chưa từng nghĩ đến sẽ có ngày mình gắn bó với công việc này như vậy.
"Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong miền Nam rất kinh khủng. Chứng kiến những gia đình mất vì Covid đến 7,8 người… ngày nào lướt điện thoại cũng thấy có những thông tin đau lòng như vậy. Mình đã nghĩ liệu có thể giúp được gì cho người ta không?
Lúc đó mình biết những người mất vì Covid-19 rất nhiều mà người ta không có thời gian để làm một di ảnh nên mình mới bắt đầu làm di ảnh cho họ. Từ việc đó mọi người lại đưa ra yêu cầu có thể ghép những người đã mất cùng với gia đình của họ. Tất cả đều từ yêu cầu của mọi người để mình làm chứ không phải là mình tự nghĩ ra ý tưởng này".
Anh Thắng có mạng xã hội riêng để chia sẻ những sản phẩm mà mình thực hiện. Nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, tương tác kênh của anh vượt xa khỏi những gì mà anh tưởng tượng. Dần dần, anh mới định hình lại việc sửa ảnh, phục chế ảnh những người đã khuất trên tinh thần giúp đỡ mọi người chứ anh không nghĩ rằng việc ghép ảnh như vậy sẽ trở thành một cái nghề như vậy. "Nói đúng ra, chính mọi người đã dẫn mình theo công việc này, chứ không phải mình dẫn dắt mọi người", anh Thắng tâm sự.
Mặc dù, việc làm ý nghĩa của anh mang đến những giá trị vô giá và giúp nhiều người "thực hiện hóa" ước mơ đoàn viên. Tuy nhiên, anh khẳng định rằng: "Nếu như không có ai yêu cầu thì mình sẽ không làm. Vì không phải tự nhiên mình lại đi ghép ảnh những người đã khuất như vậy".
Đôi khi anh đã tự đặt bản thân mình vào vị trí của "họ" (những người đã khuất) để hỏi rằng nếu một người khác tự ý ghép ảnh mình như thế thì mình có cảm thấy thoải mái không? "Ví dụ tôi ghép ảnh cho bạn, mà không có sự đồng ý của bạn thì tôi đâu dám…", anh trăn trở.
Với đặc thù công việc ghép ảnh những người đã khuất, nên anh Thắng cũng vướng không ít những nghi kỵ lúc ban đầu. Anh nói rằng: "Một số người hơi tâm linh bảo rằng việc ghép này thì không nên vì liên quan đến người đã khuất. Vì những người đã mất rồi thì không nên làm phiền. Nhưng mình cứ nghĩ là mình đang giúp đỡ mọi người thôi, cho nên là mình vẫn làm, kể cả là người ta có ý kiến như vậy nhưng mình cũng không quan tâm. Ít nhất là đến thời điểm hiện tại, mình không có lý do gì để dừng lại…".
Thời gian đầu, gia đình anh cũng phản đối rất nhiều khi anh bắt tay vào làm công việc này. Đặc thù công việc là chỉnh sửa bức ảnh của những người đã khuất mà anh lại thường làm về đêm lúc 4, 5h sáng, khiến cảm giác không yên tâm luôn thường trực trong tâm trí gia đình anh.
"Lúc đó bố mẹ cũng ngăn cấm, vợ cũng ngăn cấm, bảo là làm cả ngày rồi, tối vẫn còn làm, làm miết. Tiền nong thì cũng không thiếu mà vẫn cứ làm... Người sống không làm lại làm người chết", anh kể.
Nhưng rồi khi nhận ra những giá trị mà anh mang lại cho mọi người, gia đình mới "xuôi xuôi" ủng hộ, mẹ anh bảo rằng: "Coi như cái duyên, giúp đỡ mọi người, miễn sao đừng ảnh hưởng đến sức khỏe thì con cứ làm. Dần dần thì mọi người cũng ủng hộ nhiều, kể cả bạn bè cũng vậy".
Nội dung liên quan
"Không vui vì đa số mọi người nhờ mình ghép ảnh gia đình…"
Với số lượng lớn những tấm ảnh ghép đoàn viên gia đình, anh Thắng nhận ra một thực trạng đau lòng về việc "... có rất nhiều người không có nổi một tấm ảnh chụp cùng người thân".
Ngay từ ban đầu, anh đã khẳng định đây là một việc không đáng để ca ngợi và cũng không muốn công việc này phát triển lớn mạnh trong tương lai. Anh cũng từ chối tất cả danh xưng mà mọi người dành cho mình là "cây cầu kết nối đoàn viên" hay "người xây tổ ấm", anh chỉ nhận rằng: "Vì mình là người dám làm và dám chia sẻ trên mạng xã hội nên mới may mắn được nhiều người biết đến như vậy. Từ một kẻ vô danh tiểu tốt, lại được biết đến với tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng photoshop".
"Mình không muốn cái công việc này nó phát triển hơn nữa. Nhưng muốn nó không phát triển thì phải tùy thuộc vào mọi người - những người đang có cơ hội, đang có thời gian để lấy một chiếc điện thoại và mất vài giây chụp một tấm ảnh cùng gia đình. Thời gian đang có cho phép chúng ta yêu thương nhau nhiều hơn, tôn trọng và có thể sống chậm lại", anh chia sẻ.
Anh cho rằng, mặt tốt của công việc này là để giúp cho mọi người hiện thực hóa được mong muốn đoàn viên, nhưng trong thâm tâm những người nhờ anh giúp đỡ họ sẽ cảm thấy rất hối hận.
Anh lý giải rằng: "Tại sao nhiều người lại bỏ ra mười mấy triệu để đi chụp ảnh cưới, hay chụp ảnh gia đình trong khi chúng ta có thể lấy điện thoại ra chụp chỉ mất vài giây… Ý nghĩa phóng đại của những bức ảnh gia đình chính là tầm quan trọng của nó. Chính vì thế, mọi người hãy nên chụp để kỉ niệm của mình trở nên thật hơn chứ cậy nhờ vào việc ghép ảnh thì cũng chỉ để hiện thực hóa ước muốn. Bản chất của những người trong cuộc thì họ không thể hài lòng với việc đó được. Họ còn cảm thấy có lỗi và cắn rứt….", anh tâm sự.
Anh cho biết thêm, trang TikTok mà mình lập ra chỉ với mục đích ban đầu là lưu giữ lại những sản phẩm mà mình làm. Tuy nhiên, không biết tự bao giờ, những đoạn video lại mang nhiều cảm xúc và lấy đi nước mắt của không ít người kể cả là những người đã không may mất đi người thân hay còn đủ đầy trọn vẹn.
"TikTok của mình là nơi mà mọi người có thể nói ra tiếng lòng, những lời mà họ không dám nói ra với bất kỳ ai. Ở đó có những lời từ đáy lòng của một số người có nỗi đau giấu kín. Nếu là bạn hoặc là bất kì ai cũng được thôi, nếu đọc được những lời bình luận đó thì đều có thể hiểu được bản chất. Nó không tôn vinh lên người làm việc này, mà giống như một bộ sưu tập tiếng lòng của tất cả những ai đang có sự tổn thương và không may mắn", anh nói.
Khi được hỏi anh sẽ làm công việc này đến bao giờ, anh Thắng trả lời rằng: "Mình mong rằng trong 1, 2 năm tới, mọi người ngừng yêu cầu đi, hãy để công việc này nó trở nên lỗi mốt đi để không còn ai gửi đến mình yêu cầu nữa. Thì mình sẽ rất vui và sẵn sàng dừng lại bất kỳ thời điểm nào, nhưng ở thời điểm hiện tại thì mình chưa thể vì… còn quá nhiều".
Nguồn: TH&PL