Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Khi Gen Z làm giáo viên

“Tre già măng mọc” - sự lưu truyền, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, người đi sau thực hiện kế thừa, tiếp tục những giấc mơ còn dang dở của người đi trước, và cứ thế nó lại trở thành một vòng tuần hoàn trong cuộc đời này.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Khi Gen Z làm giáo viên

Đã quá quen với hình ảnh những thầy, cô trạc tuổi trung niên vẫn miệt mài từng con chữ trên chiếc bảng xanh đầy bụi phấn. Nhưng ngày qua ngày, đến một lúc những người thầy, người cô ấy lại về tuổi xế chiều, sẽ phải nhường chiếc bảng xanh năm ấy cho thế hệ trẻ tiếp tục trao truyền con chữ cho rất nhiều thế hệ học sinh ở phía sau. 

Gen Z - đã, đang và sẽ là người tiếp tục việc học tập, trau dồi kiến thức kỹ năng sư phạm và bắt đầu trở thành giáo viên. 

Nghề nào mà không khó!

Võ Phạm Trúc Linh - ngoài việc giảng dạy tại một trung tâm dạy Ngữ Văn ở tỉnh Cần Thơ, cô đang đảm nhiệm thêm vai trò của một cô giáo với những lớp học online thông qua màn hình máy tính, từng ngày từng giờ dạy những học trò cách xa hàng nghìn cây số. 

Trong năm 2022, Võ Phạm Trúc Linh nhận được nhiều tin vui từ những đứa học trò xa khoảng cách, nhưng kiến thức lại rất gần. Võ Phạm Trúc Linh cho biết nhận được rất nhiều tin vui trong kỳ thi THPTQG 2022, rất nhiều điểm 9+, đương nhiên không thể quên hai con điểm 10 tròn trĩnh.

"Chị giáo dạy Văn" cho biết cảm xúc khó quên khi nhận được tin hai cô học trò của mình đạt được điểm 10 tuyệt đối trong bài thi Ngữ Văn kỳ thi THPTQG 2022. Đây là thành tích khó có thể đạt được trong bài thi cần nhiều kiến thức về văn học, cần có khả năng lập luận, suy luận và đặt cả cảm xúc vào trong từng câu, từng chữ. 

Không thể phủ nhận học lực của thí sinh, nhưng cũng phải thừa nhận Võ Phạm Trúc Linh đã thành công trong công cuộc truyền tải cảm xúc văn học của chính mình cho các bạn học sinh. 

ngay nha giao viet nam 20 11 khi gen z lam giao vien - anh 0

Chuyện trở thành một nhà giáo, một người đứng trên bục giảng và truyền tải kiến thức đến cho học sinh, các sinh viên ngành Sư phạm phải trải qua quá trình tôi luyện gian nan, miệt mài với đèn sách để đến ngày ra trường sẽ thực hiện một nhiệm vụ lớn lao chính là sứ mệnh trồng người. 

Với bản thân Võ Phạm Trúc Linh, cô giáo dạy Ngữ Văn cho biết trong hành trình gắn bó với nghề giáo, bản thân không chọn đánh giá nó thuộc về "khó" hay "dễ".

"Vì nhìn theo nhiều góc độ thì ở tất cả các công việc đều sẽ có những điều thử thách và luôn có những điều suôn sẻ song hành, đi đôi. Sẽ có khía cạnh này dễ, cũng có khía cạnh khác khó, nên tựu trung lại, mình thường nhìn nhận nghề giáo với từ khóa "Nỗ lực" - tức là Nỗ lực và Phấn đấu vươn lên, ưu tú hơn bản thân mình của ngày hôm qua, cố gắng hơn từng ngày để phát huy từ những điều mình làm được và khắc phục, thay đổi những điều mình chưa làm tốt." - Trúc Linh bộc bạch.

Còn với Nhật Hà - cô sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Địa Lý lại có cho mình một nhận định riêng về sự khó khăn riêng hành trình trở thành một giáo viên: "Để trở thành một giáo viên tốt, là người chèo lái chuyến đò tri thức đưa học sinh tới chân trời mới thì điều khó khăn nhất khi theo đuổi ngành này đó là bạn phải kiên trì, không ngừng học hỏi những điều mới, khơi dậy sáng tạo bản thân."

ngay nha giao viet nam 20 11 khi gen z lam giao vien - anh 0

Chung quy, đâu cũng sẽ có những cái khó, cái khó của người trao truyền kiến thức chính là đảm bảo về mặt kiến thức và kỹ năng sư phạm. Không phải ai cũng có những khả năng của riêng mình, tất cả đều phải qua trường lớp, phải cùng nhau trải qua nhiều năm tháng rèn luyện và học tập để cầm trên tay tấm bằng Sư phạm. Quan trọng hơn hết, một giáo viên có tâm thì ắt hẳn sẽ có tầm!

Giống như một đứa trẻ mới lớn, giáo viên Gen Z cũng sẽ có những vấp ngã đầu đời, là những cảm xúc hồi hộp khó tả khi lần đầu đứng lớp giảng dạy hay những lần bị nhầm lẫn một cách vô thức. Nhưng đâu đó, sự sai sót trong quá trình giảng sẽ lại là những kinh nghiệm quý báu, trở thành một giáo viên kỳ cựu.

Những lần đầu tiên…

Để kể về những lần đầu tiên chắc chắn sẽ là những cảm xúc khó tả thành lời.

Trong thời điểm còn ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên theo đuổi chuyên ngành Sư phạm đều sẽ có thời điểm được đến các cơ sở giáo dục trong địa bàn để thực tập giảng dạy, tìm hiểu thêm cho mình những kinh nghiệm thực tế và quan trọng hơn hết có nhiều người cho rằng đây là lúc bản thân họ sẽ đối diện với một sự thật: "Bản thân mình có phù hợp với nghề giáo hay không?"

Về lần đầu tiên đứng lớp của Nhật Hà, cô cho biết: "Bước chân vào cổng trường thực tập như một thước phim quay lại thời học sinh của mình, cũng hàng cây, ghế đá nhưng với một cảm xúc khác. Thật hồi hộp, xao xuyến, suốt quãng thời gian thực tập tuy nhiều khó khăn, sự mới mẻ luôn tồn ẩn nhưng nhờ có nó mình mới biết được giá trị thật sự của chính mình, truyền thêm cho mình cảm xúc tin yêu về nghề giáo. Ấy mà thời gian nhanh như một cái chớp mắt, mình gặt hái được nhiều thành công trong 2 đợt thực tập, nó giúp mình đã tự tin sẵn sàng bước tới truyền đạt tri thức cho học sinh và chính thức trở thành một cô giáo."

ngay nha giao viet nam 20 11 khi gen z lam giao vien - anh 0

Từ sinh viên "thăng hạng" thành thầy, cô giáo chắc hẳn sẽ là những cảm xúc khó phai trong ký ức của rất nhiều người theo đuổi ngành Sư phạm. Võ Phạm Trúc Linh cho biết cảm xúc của lần đầu tiên đứng lớp: "Mình cảm thấy rất biết ơn và trân trọng, đó là một cảm giác hàm ơn rất khó diễn tả. Mình biết ơn cơ hội và nhân duyên được gắn bó với nghề giáo. Gọi là run sợ thì có lẽ không phải, vì mình rất biết ơn nhân duyên với nghề nên mình tự nhủ sẽ làm hết mình, hết những gì mình có thể. Nhưng mình có hồi hộp, có đổ mồ hôi ở tay và rất chăm chú quan sát các bé học sinh của mình; hồi hộp xem các em ấy có chán quá không, nghe giảng có buồn ngủ hay lo ra không. Lần đầu dạy thật sự có những cảm xúc rất đáng nhớ."

Một thế hệ Z tiếp diễn

Cứ thế mà tiếp nối, người đi sau kế thừa kiến thức từ những thầy cô kỳ cựu trao truyền, GenZ đã, đang và sẽ thực hiện nhiệm vụ của một người giáo viên vĩ đại và tiếp tục công cuộc "trồng người". Họ sẽ không bao giờ có thời gian để ngừng nghỉ khi thế hệ tiếp nối những thế hệ, cứ thế mà tiếp tục tự tôi luyện kiến thức cho bản thân và tiếp tục truyền giảng những thứ hay ho hữu ích từ kiến thức trong sách giáo khoa hay kể cả những kỹ năng để tồn tại trong cuộc sống.

Với một giáo viên trẻ, vừa mới ra trường hay đang trong một cú chuyển mình từ sinh viên Sư phạm trở thành giáo viên chính thức, họ cũng mang trong mình những áp lực riêng. 

Nhưng cái hay của một giáo viên trẻ chính là sẽ có rất nhiều thời gian để tiếp tục học hỏi thêm những kiến thức mới, mở rộng tri thức cho chính bản thân mình. Nhật Hà thừa nhận khi bản thân mình cũng thuộc thế hệ Gen Z thì cô giáo dường như xóa được khoảng cách vô hình với học trò: "Nói theo hệ GenZ thì cô trò mình sẽ cùng tần số vui tươi, dễ gần gũi nhau hơn. Thay vì một tiết học căng thẳng thì chúng ta có tiết học sôi nổi, nhiều hoạt động để cùng học cùng chơi."

ngay nha giao viet nam 20 11 khi gen z lam giao vien - anh 0

Còn đối với "Chị giáo dạy Văn" - Trúc Linh lợi thế của một "sức trẻ" chính là thời gian và sức khỏe: "Mình nghĩ đó là thời gian. Bởi nếu biết chăm sóc sức khỏe để giữ được năng lượng sức khỏe của mình, thì giáo viên trẻ sẽ vừa có sức khỏe và thời gian để liên tục trau dồi, học hỏi, phát huy các ưu thế và khắc phục các hạn chế. Ngọn lửa nhiệt huyết và cách nhìn trong trẻo với nghề thường rất "sáng" trong người trẻ, nên tâm huyết và sức sống cũng được thổi bùng lên mạnh mẽ hơn."

Còn nói về khuyết điểm của một giáo viên trẻ chắc chắn là kinh nghiệm vào nghề không bằng với các "cây đa cây đề" trong lĩnh vực giáo dục, hay vẫn chưa biết cách quản lý lớp hiệu quả. Để khắc phục những khó khăn ấy, thế hệ giáo viên Gen Z vẫn đang tìm giải pháp cho chính mình. 

"Bởi vì là tuổi trẻ nên thường sẽ chưa thể dày dặn kinh nghiệm giảng dạy, lão luyện trong cách nhìn nhận, nuôi dưỡng cảm hứng với nghề và mực thước trong tất cả những gì mình truyền tải. Vì vậy, một giáo viên trẻ cần luôn có tinh thần học hỏi, cầu thị và lắng nghe. Luôn quan sát để trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho mình và luôn cố gắng nuôi dưỡng cảm hứng, đam mê cùng trách nhiệm với nghề mình chọn lựa. Mình nghĩ một giáo viên trẻ cần luôn giữ được một góc nhìn "tỉnh" và "tĩnh" với nghề, tỉnh táo trong tất cả sự nhìn nhận, truyền tải và tĩnh tâm để luôn lắng nghe, nuôi dưỡng chiều sâu của bản thân." - Võ Phạm Trúc Linh cho biết thứ quan trọng nhất khi theo đuổi nghiệp Sư phạm chính là sự kiên trì và có trách nhiệm với con đường mà mình từng quyết định "sống chết" với nó để được ghi hai chữ Sư phạm trên tờ giấy nguyện vọng Đại học.

ngay nha giao viet nam 20 11 khi gen z lam giao vien - anh 0

Còn với Nhật Hà - cô giáo viên Địa lý vừa ra trường, luôn luôn lan truyền một năng lượng tích cực đến học sinh thì cho biết: "Đôi khi giáo viên trẻ sẽ vấp phải những khó khăn trong xử lý tình huống sư phạm hoặc làm sao để quản lý lớp hiệu quả. Một vấn đề nữa là nếu giáo viên đưa ra quá nhiều hoạt động đa dạng thì dễ không cân bằng được thời gian trong tiết học 45 phút. Vậy chúng ta nên làm gì ? Ngay lúc này nên đề cao tinh thần học hỏi từ các tiết dự giờ của những giáo viên đồng nghiệp. Rút ra khuyết điểm của mình và lập một kế hoạch hợp lý cho bài học đối với mỗi lớp học sinh khác nhau."

Tất cả các vấn đề trong cuộc sống luôn được đặt lên bàn cân so sánh. Với giáo viên GenZ chắc chắn sẽ đứng trước sự so sánh về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng Sư phạm của chính mình với thế hệ giáo viên kỳ cựu, tưởng chừng câu chuyện này sẽ rất bất thường nhưng hóa ra nó lại rất bình thường. "Chị giáo dạy Văn" - Trúc Linh cho biết: "Ví dụ khi mua một món đồ, chúng ta cũng dễ so sánh giá, so sánh chất lượng các nơi bán. Rồi khi chúng ta lựa chọn một Khóa học, chúng ta cũng sẽ đặt các Khóa mà chúng ta biết lên bàn cân, xem từ học phí, lộ trình, cách truyền tải của người dạy, nội dung được học.... 

Cho nên nếu sợ bị so sánh thì sẽ sợ tất cả mọi thứ, sẽ sợ cả đời mất. Mình nghĩ mỗi thầy cô, mỗi nền tảng đều có những điều hay, độc đáo và đặc biệt."

Nghề dạy học là nghề cao quý trong tất cả các nghề cao quý, dù lớn hay nhỏ, dù giáo viên kỳ cựu hay vừa mới ra trường đều vẫn cố gắng từng ngày truyền đạt những kiến thức bổ ích cho nhiều thế hệ học sinh. Không ai có thể hiểu hết những cực khổ, khó khăn mà những người thầy, người cô đã trải qua để có thể đứng trên bục giảng và thao thao bất tuyệt, đắm chìm trong những bài giảng, thả hồn, cảm xúc vào từng con chữ, và trao truyền đến các thế hệ học sinh. 

Một thế hệ Gen Z đang tiếp tục công cuộc "trồng người" vĩ đại, họ xứng đáng nhận được những lời tuyên dương và khích lệ trong chặng đường tiếp nối truyền thống dạy học của thế hệ đi trước. Giờ đây, các giáo viên trẻ đã sẵn sàng trở thành những thầy, cô có năng lực giảng dạy và sẵn sàng gánh trên vai trọng trách quan trọng chính là đào tạo thế hệ học sinh thành người!

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: Lời thú tội ngọt ngào của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”

Chuyện phong bì ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Có cách khác sẽ tinh tế hơn rất nhiều

Quà tặng 20/11: Sức mua tăng trưởng, đáng yêu nhưng không đắt đỏ, đa dạng sự lựa chọn

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ