Nhằm hưởng ứng các sự kiện môi trường lớn trong tháng 5, tháng 6, từ ngày 15/5/2022 đến ngày 15/6/2022, đồng loạt tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2022 trên phạm vi cả nước.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngày Đại dương thế giới năm 2022 (ngày 8/6) có chủ đề là "Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương", thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Nội dung liên quan
Ngoài ra, tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 (từ ngày 01 đến ngày 08/6) có chủ đề "Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển" nhằm từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta.
Từ ngày 15/5/2022 đến ngày 15/6/2022 đồng loạt tổ chức các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2022 trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào những hoạt động cụ thể như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2022 theo hướng hiệu quả, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới trong các phương thức, hình thức truyền thông, chú trọng vào các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng.
Theo đó, các hoạt động được khuyến khích như: Treo băng rôn, pano, áp phích về các chủ đề nêu trên (khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường) ở nơi công cộng, các đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc,… nhằm nhắc nhở, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền, nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển; Tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững và quản lý thống nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chung tay bảo vệ đại dương
Theo ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), xu hướng phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới giúp thúc đẩy sự phát triển chung của các nước, trong đó có Việt Nam. Thế giới xem thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu.
Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung: Sản xuất xanh, công nghiệp xanh - sử dụng các công nghệ kỹ thuật sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm bớt ô nhiễm môi trường; tiêu dùng xanh - xây dựng lối sống xanh, bảo vệ và sống hài hòa với môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh đó, lĩnh vực khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển hiệu quả. Các quốc gia trên thế giới đang tiến rất nhanh trong việc sáng tạo công nghệ phát triển kinh tế biển xanh. Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới cũng đem lại cơ hội tốt cho tất cả quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, biển và đại dương là một nguồn tài nguyên quý giá để phục vụ con người nhưng hiện nay đang chịu những áp lực rất lớn từ các hoạt động của con người.
Hiện tượng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, a-xít hóa đại dương đang tác động rất mạnh mẽ tới khả năng của biển đại dương cung cấp cho con người các dịch vụ hệ sinh thái để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống và chất lượng sống của con người. Phương thức quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển hiện tại đang là phương thức quản lý được áp dụng rộng rãi trên thế giới để phục vụ quản lý biển và đại dương.
Do đó, khoa học-công nghệ biển trong giai đoạn 2021-2025 trên thế giới sẽ tập trung vào việc khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững biển và đại dương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hợp tác quốc tế trên quy mô thế giới và khu vực nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ biển, tận dụng nguồn lực các nước cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học nói chung trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Quyết tâm cao trong hành động
Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu. Thực trạng đó buộc mỗi cá nhân phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, với quyết tâm cao trong hành động, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân.
Nguồn: TH&PL