Cựu phóng viên kể ký ức tác nghiệp thời chiến tại Ký Ức Vui Vẻ

Những câu chuyện làm nghề báo chí, từ thời đất nước còn chiến tranh cho đến thời bình đều được truyền tải qua Ký ức vui vẻ.

Cựu phóng viên kể ký ức tác nghiệp thời chiến tại Ký Ức Vui Vẻ

Hôm nay, 21/6 là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. 21/6/1925 - 21/6/2021, 96 năm trôi qua, báo chí Việt Nam đã - đang và chắc chắn sẽ ngày càng phát triển khi những thế hệ cũ đã dần chuyển giao cho thế hệ mới, tiếp nối tinh thần máu lửa, nhiệt huyết và luôn làm điều tử tế để đưa những thông tin xác thực đến với độc giả.

Những câu chuyện làm nghề báo chí cũng từng được chia sẻ trên sóng truyền hình qua chương trình Ký ức vui vẻ. Đó là câu chuyện của MC kỳ cựu Lại Văn Sâm những ngày chập chững vào nghề, hay ký ức từ một cựu phóng viên chiến trường trong những ngày đất nước vào sinh ra tử.

MC Lại Văn Sâm: Thời thanh niên sôi nổi

Là người dẫn dắt chương trình Ký ức vui vẻ suốt 3 mùa, MC Lại Văn Sâm cũng từng trở thành nhân vật bí ẩn gợi lại ký ức cho khán giả. Du học 12 năm ở Liên Xô, Lại Văn Sâm trở về Việt Nam và sau này nổi tiếng với vai trò nhà báo, BTV, người dẫn chương trình của Đài truyền hình Việt Nam.

Một trong những MC kỳ cựu và thần tượng của thế hệ đàn em, MC Lại Văn Sâm đã rất xúc động khi được thấy hình ảnh của mình trên màn hình ký ức. "Những hình ảnh này gợi cho tôi một thời thanh niên sôi nổi" - MC Lại Văn Sâm nói.

cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0

Năm 1987, Lại Văn Sâm lần đầu tiếp cận với truyền hình sau khi từ Liên Xô trở về. "Tôi thử việc ở phòng thể thao, anh Vũ Huy Hùng là người trực tiếp tuyển dụng tôi. Cho đến gần hết năm 1987, chả thấy ai đả động gì đến mình, tôi bỏ.

Tôi về nhà phụ mẹ vợ bán hàng ở phố Đồng Xuân. Tôi cứ đứng ở đó, lúc nào có khách vào thì tôi dịch và phụ giúp bà. Bà nuôi tôi đến năm 1988, năm đó có EURO và tôi vẫn đang ở nhà. Rồi có người đến nói, anh Hùng gọi tôi lên làm bóng đá".

cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0

Sau này, MC Lại Văn Sâm cùng nhiều đồng nghiệp đã làm nên VKT - chương trình truyền hình nổi tiếng của thập niên 90.

"Tôi nhớ năm 1990, tôi còn đi xe đạp Liên Xô đi làm và nhiều khi cũng rất tủi thân. Có hôm đang đi, một người phóng xe máy ngang qua và quay lại bảo 'Tưởng VKT chúng mày thế nào, hóa ra thế này'. Chúng tôi nói đùa VKT viết tắt là ví không tiền" - MC Lại Văn Sâm nhớ lại.

Nam MC nói thêm: "Tôi cảm ơn số phận. Tôi may mắn vì tôi không học truyền hình, cứ mày mò học từ bạn bè rồi phát triển".

cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0

Năm 1995, MC Lại Văn Sâm trải qua một cơn ốm và phải nằm nhà một tháng. Phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã gọi điện, hỏi thăm sức khỏe và nói ông phải khỏe ngay, vì dự định cử ông sang Pháp học làm một gameshow, và đó là Trò chơi liên tỉnh sau này. Nghe đến đây, MC Lại Văn Sâm nhận lời và khỏe ngay lập tức.

"Tôi cảm ơn vì ngày hôm nay đã cho tôi nhìn lại những hình ảnh này. Tôi vẫn thường nói với các đội trưởng và người chơi thập niên 2000, rằng các bạn bây giờ sướng nhưng không sướng bằng chúng tôi ngày xưa. Bởi vì các cháu chưa biết khổ. Phải biết khổ rồi mới biết sướng. Khi đã trải qua cái khổ rồi mới thấy giá trị của cái sướng" - MC Lại Văn Sâm tâm sự.

Ký ức 81 ngày đêm giữ thành của cựu phóng viên chiến trường

Trong một tập phát sóng vào đầu năm 2021, Ký ức vui vẻ từng mời đến ông Đoàn Công Tính - nhà báo/cựu phóng viên chiến trường, từng 4 lần đi vào chiến trường Quảng Trị những năm 70, nhất là 81 ngày đêm giữ thành Quảng Trị ông cũng có mặt. Cựu phóng viên nói, bản thân hạnh phúc vì được tiếp xúc với những người anh hùng.

cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0
Cựu phóng viên báo Quân đội nhân dân Đoàn Công Tính - người duy nhất được vào thành cổ Quảng Trị chụp ảnh.

"Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, có 135 nghệ sĩ nhiếp ảnh đã hi sinh, chưa nói bên điện ảnh, để lại kho tàng tài liệu cho hôm nay và mai sau, để mọi người thấy được quá khứ anh hùng của dân tộc ta. Họ là những anh hùng và xứng đáng để chúng ta tôn thờ. Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã xông pha nơi lửa đạn" - ông kể.

Khi những hình ảnh ngày xưa hiện lên màn hình, cựu nhà báo rưng rưng xúc động. "Trận chiến khốc liệt nhất trong 4 lần ở Quảng Trị là 81 ngày đêm giữ thành cổ.

Mỗi người lính đều viết khẩu hiệu, cài lên mũ: 'Chúng tôi kiên quyết bảo vệ thị xã Quảng Trị để chống lại cuộc xâm lược của Đế quốc Mỹ'. Những điều đó làm tôi xúc động và tôi đã chụp được những bức ảnh đẹp.

cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0

Như chốt trong bức ảnh này, tôi được anh Lê Xuân Chinh lúc đó khoảng 18 tuổi đưa đi chụp ảnh, anh ấy chiến đấu ở thành Quảng Trị. Những chốt như thế này, có ngày phải thay đến 6 lần, có thể chết có thể bị thương nhưng đều phải đưa ra hết rồi đưa lớp khác vào.

Vì vậy, người ta gọi ở đây là 'cối xay thịt', báo chí nước ngoài gọi là 'tâm của trận bão', còn một tờ báo Nhật đã thống kê số lượng bom thả xuống vị trí này trong 81 ngày đêm tương đương với 7 quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima".

cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0
cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0
Những bức ảnh tư liệu quý giá để nhắc nhớ thế hệ sau về một thời oanh liệt của cha ông, từ trong gian khó mà chiến thắng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Sử dụng máy ảnh phim của Nga để lưu lại hồi ức, ông Đoàn Công Tính kể mọi người đã tráng phim trong hầm, che dậy kín vì pháo sáng nổ sẽ làm hư phim.

Mỗi lần như vậy, sẽ có anh lính thông báo rằng pháo sắp nổ, cả nhóm phóng viên chiến trường sẽ ôm lấy máy ảnh, dùng thân mình che lại để không mất đi tư liệu quý giá. Chiếc đèn tráng phim tiêu chuẩn được thay bằng đèn bọc lá chuối nơi chiến trường, vừa tráng vừa soi.

cuu phong vien ke ky uc tac nghiep thoi chien tai ky uc vui ve - anh 0
Nếu không có những phóng viên dũng cảm, mạnh dạn đi vào chiến trường, chắc chắn sẽ không có những tư liệu quý giá thế này.
(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ