Đặng Văn Quang - cậu học trò ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, chàng trai điểm 10 môn Văn đã xem bài thi như một bài viết gửi chính mình.
Đặng Văn Quang, chàng trai đạt điểm 10 tròn trĩnh môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua. Chàng trai đã sở hữu một thành tích học tập vô cùng đáng nể đối với môn học này. Cậu bạn của vùng đất xứ Quảng luôn được biết đến với tinh thần tự học, chăm chỉ và luôn tập trung trong những tiết học tại lớp.
Chắc hẳn ai cũng sẽ tò mò về bài văn đạt được điểm 10 của "thánh văn" này. Bài thi đó, Quang không quá áp lực hay đặt mục tiêu quá cao cho bản thân, chỉ tự nhắn nhủ với bản thân là làm hết sức mình. Bài văn ấy, cậu bạn viết như một sự trải lòng, được bộc bạch những điều trăn trở, suy nghĩ.
Qua buổi trò chuyện cùng , Văn Quang đã có những chia sẻ về bài văn trọn vẹn của bản thân và cả những kinh nghiệm của bản thân, những chia sẻ đến các bạn 2k4 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp vào năm sau.
Nội dung liên quan
"Hãy hiểu tinh thần của mỗi phần trong đề thi, phân bố thời gian hợp lý"
Để bài văn được trọn vẹn nhất và đầy đủ ý nhất, cậu bạn Văn Quang đã nhấn mạnh rất kỹ về tinh thần và tính chất của mỗi phần trong đề thi. Phần Đọc hiểu và NLXH, tinh thần ở hai phần này phải "nắm chắc điểm".
Nam sinh điểm 10 đã làm hai phần này thật kĩ, làm sao để vừa đảm bảo những ý tưởng cần thiết, vừa thể hiện được góc nhìn, quan điểm riêng, cùng với việc linh hoạt vận dụng những vùng kiến thức khác để nâng tầm phần bài làm của mình. Ở hai phần này cậu bạn đã phân bố thời gian trong 40 phút để đọc đề, phân tích đề và thực hiện bài viết.
Cậu bạn tập trung vào câu 5 điểm nhiều hơn, dành nhiều thời gian để đầu tư cho phần làm văn. "Với đề thi năm nay, mình nghĩ nó khá hay. Các học sinh khác vẫn có thể làm được, đề thi cũng dành ra những vùng đất trống để học sinh giỏi có thể lấp đầy bằng suy nghĩ, quan điểm cá nhân, độc đáo, với những liên hệ, so sánh mới mẻ…" - Quang cho biết về việc phân bố thời gian.
Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành bài viết, cậu bạn đã kết thúc, hoàn thành bài viết nên dành ra khoảng 5-10 phút để đọc lại bài, chàng trai điểm 10 đã rất thỏa mãn khi đặt bút kết thúc bài thi.
"Bài văn mình viết là sự đồng cảm, thấu hiểu và nhiều cảm xúc"
Với đề bài là sống cống hiến, Quang cho rằng đây là một đề văn "quen", không thật sự làm khó học sinh, sự cần thiết của việc sống cống hiến - đề quen nhưng quen mà lại rất phù hợp với hoàn cảnh thực tế bây giờ, khi mà đất nước mình đang phải gồng mình chống dịch Covid-19, khi mà mỗi công dân cần có sự ý thức về bản thân mình, cần phải cống hiến từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Ý thức, đến trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng lớn, một cá nhân và cả đất nước đang cùng nhau chung tay vì dịch bệnh. Cũng như một dòng sông, nếu không bắt đầu từ những giọt sương trên đỉnh núi thì sẽ không có biển cả. Đất nước, cộng đồng chúng ta đang sống nếu không được xây dựng từ trách nhiệm, từ lòng yêu thương thì sẽ chẳng có những điều tốt đẹp.
Cậu bạn đã viết về con người, về sự cống hiến từ mỗi con người, từ điều nhỏ nhặt, thầm lặng đến lớn lao. Khi đặt vấn đề vào trong mối quan hệ với thực tiễn đời sống, mình cảm thấy mình đang viết "cho mình" - ngay trong lúc này!
Đối với phần làm văn, đề thi liên quan đến bài Sóng của Xuân Quỳnh thì đây lại là một nhà thơ mà nam sinh rất thích. Cậu bạn đã thú thật về trải nghiệm cuộc sống về tình yêu cũng chưa có nhưng cảm xúc dành cho tác phẩm này là vô cùng mãnh liệt.
"Thực sự mình chưa có những trải nghiệm thực tế về tình yêu. Mình hiểu về tình yêu, hiểu về thơ, hiểu về Xuân Quỳnh, hiểu về cuộc đời Xuân Quỳnh bằng những trải nghiệm của sự đọc: qua sách vở, tài liệu... Chính những trải nghiệm gián tiếp ấy giúp mình trang bị cho bản thân những hiểu biết, những nắm bắt sâu sắc. Và khi gặp đề bài này, mình hoàn toàn cảm thấy "bình thường" và tự tin đặt bút viết…"
Cảm hứng viết, cảm hứng với văn chương thì Quang luôn cảm thấy mỗi lần đặt bút viết là mỗi lần cảm hứng tuôn trào. Những kí ức về văn học, về đời sống chảy ra trên trang viết, và mỗi trang văn là mỗi trang trải lòng!
Cậu bạn cũng không cảm thấy khó khăn hay bất lợi khi đề nói về "tình yêu" hay "nữ tính", chỉ cần trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết thì không quá khó để viết hay, viết đúng.
Học văn không sến, không mơ mộng như người ta thường nói!
Mọi người thường nói những người giỏi văn thường mơ mộng, sến và có phần xa rời đi những thực tế. Nhưng Quang thấy bản thân mình không sến và sống có phần lý trí. Văn học đối với Quang hoàn toàn không mơ mộng, huyền ảo như các bạn thường nói mà phản ánh rất thật bức tranh xã hội. Văn chính là cảm xúc của con người, là phản chiếu của hiện thực đời sống. Văn chương cũng gần gũi như những gì quanh mình vậy, nó giúp mình phát triển về mặt cảm xúc và nâng cao khả năng tư duy.
"Mình cũng thường nghe nhiều người bảo học văn là "sến", "mơ mộng", nhưng với mình thì không. Mình hiểu rõ sự cân bằng giữa lý trí và xúc cảm trên trang viết, cả trong cuộc sống thực tế của mình. Hơn nữa, chính tư duy các môn tự nhiên tốt cùng một thứ "bản lĩnh kinh tế" giúp mình luôn kiên định với chính kiến, giữ vững lập trường, quyết đoán, và ngay cả cách ứng xử cảm xúc cũng có sự cân nhắc kỹ càng. Mình nghĩ đó là EQ - trí tuệ xúc cảm!"
Bên cạnh đó cậu bạn "con nhà người ta" cũng không phải là một mọt sách mà ai ai cũng nhắc đến khi nói về một học sinh giỏi. Quang vẫn có một sự phân bố giữa việc học và việc tham gia phong trào, đi chơi như bao bạn bè cùng trang lứa. Văn Quang chỉ tập trung vào những thời điểm nhất định, có cho mình những giờ được nghỉ ngơi, dành thời gian cho bạn bè, và đọc sách giải trí.
Nếu học mà như một gánh nặng, học ép buộc thì sẽ không thể học tốt được. Với cậu trai học như một niềm đam mê, thích thú thật sự và biết tổ chức thời gian, phân bố thời khóa biểu để làm sao mình học một cách thoải mái nhất, vừa không quá bận rộn vừa vẫn được vui chơi.
Nguồn: TH&PL