Theo đó, mức thu học phí năm học 2022 - 2023 sẽ giữ ổn định, bằng với mức học năm học 2021 - 2022.
Nếu dựa trên lộ trình học phí tại Nghị định 81/2021, từ năm học 2022 - 2023, mức tăng học phí hằng năm sẽ phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, cũng như mức tăng trưởng kinh tế mỗi năm. Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập sẽ rơi vào khoảng 7,5%/năm và 12,5%/năm đối với giáo dục đại học công lập.
Theo đó, Nghị định 81/2021 cũng quy định rằng dự kiến đến năm 2025 sẽ tính đủ chi phí cho giáo dục đại học công lập. Còn với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thì sẽ đến năm 2030. Những cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng mức trần học phí gấp 2 - 2.5 lần so với đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Vậy nên cơ bản đã có thể bù đắp được chi phí theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đặc biệt sẽ tích cực kiểm tra, rà soát và đánh giá tác động của việc tăng học phí với học sinh - sinh viên, những hộ gia đình khó khăn để đề xuất chính sách học phí năm học 2022 - 2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát. Cũng theo ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về học phí đối với cơ sở GD&ĐT công lập năm học 2022 - 2023 và đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ.
Dự thảo nghị quyết trên cho biết, đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, học phí năm học 2022 - 2023 sẽ bằng với mức học phí của năm học 2021 - 2022 do HĐND cấp tỉnh đã ban hành. Trong trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022 - 2023 thì ngân sách địa phương phải bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Nội dung liên quan
Mặt khác, với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì sẽ xây dựng mức thu học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí. Sau đó cần trình lên UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt. Dự thảo nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục này.
Các địa phương cũng được khuyến khích nên bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên. Nhất là với những người đang theo học các ngành nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực bị tác động bởi dịch Covid-19 và nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội.
Nội dung liên quan
Tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 khối giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã cho rằng việc tạm dừng tăng học phí có thể khiến các cơ sở giáo dục đại học công lập, kể cả các trường tự chủ hay chưa tự chủ, gặp khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.
Nhiều trường Đại học cũng cho biết vẫn chưa có quyết định tăng học phí cho năm học này. Lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng chia sẻ mức học phí năm học 2022 - 2023 là mức thu được nhà trường duy trì ổn định kể từ năm 2019 đến nay. Một loạt trường khác như Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Nha Trang cũng cho biết không tăng học phí năm học 2022 - 2023. Ngoài ra ở các địa phương, cũng đã có 8 tỉnh thông báo miễn, giảm học phí cho học sinh năm học 2022 - 2023 ở bậc phổ thông, mầm non.