Thời gian vừa qua, Facebook và TikTok liên tục xuất hiện thông tin địa long (giun đất) có thể chữa được bệnh Covid-19.
Angela Phương Trinh chia sẻ cách "chữa Covid-19 tự nhiên"
Nữ diễn viên Angela Phương Trinh gây tranh cãi khi đăng tải thông tin địa long (giun đất tươi) có khả năng chữa bệnh Covid-19.
Cụ thể, từ ngày 13-8 đến nay, tài khoản Facebook của nữ diễn viên Angela Phương Trinh đã liên tục đăng tải các bài viết có nội dung liên quan đến việc địa long có khả năng chữa bệnh Covid-19. Nữ nghệ sĩ còn chia sẻ những trường hợp thực tế đã sử dụng địa long.
Một số ví dụ được cô đăng tải:
Địa long chính là sự hiệu quả cần thiết đó, còn ai bắt bẻ sao lại sử dụng một thứ chưa được cấp phép chính thức bởi Bộ Y tế thì họ hãy tiếp tục chờ đợi, và trong khi chờ đợi cứ tiếp tục đếm xác nữa. - Angela Phương Trinh chia sẻ trên trang Facebook.
- Một người nọ cùng các đồng nghiệp làm chung đều bị nhiễm Covid-19. Sau khi ăn cháo có địa long thì tất cả mọi người đều hết sốt nhanh chóng, đến khi chuyển vào khu cách ly khiến bác sĩ suy tư rất nhiều.
- Một gia đình 4 người đều dương tính với Covid-19 đã dùng địa long và cho kết quả tốt trong vòng 5 ngày.
- Bác T.H.D đã dùng giun đất để cứu các đồng đội mình khỏi cơn sốt rét ác tính. Hòa bình hôm nay chúng con đang sống mang ơn các bác.
Khi bị nói rằng cách chữa bệnh này thiếu căn cứ, Angela Phương Trinh đã đăng tải bài viết có nội dung cơ sở khoa học để khẳng định địa long chữa được Covid-19.
Trước đó, nữ diên viên đã chia sẻ thông tin về địa long nhưng không nhắc tới công dụng chữa bệnh Covid-19. Cô giới thiệu loại "thuốc quý" này có thể chữa các trường hợp như: đột ngột phát điên do không rõ nguyên nhân có sốt hoặc không có sốt…
Thi nhau tin lời "chuyên gia mạng"
Đáng nói hơn, hàng loạt người theo dõi cô đã chia sẻ thông tin này trên Facebook. Một số tài khoản TikTok cũng bắt đăng đầu tải cách chữa Covid-19 thiếu căn cứ này. Nhiều người còn quay video uống sống giun đất. Những người khác lại hướng dẫn cách nấu cháo địa long, cơm trộn Hàn Quốc vị địa long...
Trước Angela Phương Trinh, hai tài khoản Facebook ở Bắc Ninh đã liên tục đăng tải bài viết với nội dung "Địa long (cách gọi khác của giun đất) ngăn ngừa và trị dứt bệnh SARS-CoV-2". Sau đó, Công an tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt hành chính hai chủ tài khoản tung tin thiếu căn cứ này. Mỗi đối tượng bị phạt 5 triệu đồng.
Các chuyên gia nói gì về cách chữa bệnh này?
Trước thông tin này, PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền, Bộ Y tế đã từng khẳng định trước các phương tiện báo đài rằng: "Người dân không được tự dùng giun đất để điều trị Covid-19 vì có thể gây nguy hiểm nếu dùng sai".
Theo PGS.TS Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền, Bộ Y tế: "Giun đất có tính hàn, có tác dụng hoạt huyết. Giun đất thường dùng để chữa các trường hợp bị ứ huyết như chữa di chứng, tai biến mạch máu não do đông máu hoặc phối hợp các vị khác chữa sốt rét. Tuy nhiên, để đưa một bài thuốc vào phác đồ điều trị Covid-19 cần qua giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm nghiêm ngặt. Cho đến nay, bài thuốc từ địa long không có trong hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bộ Y tế".
Nội dung liên quan
GS.TS.Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, Covid-19 là bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, chưa có thuốc đặc trị ở thời điểm này. Các loại thuốc được dùng trong phác đồ mang tính chất điều trị triệu chứng và nâng cao đề kháng để chống đỡ virus. Ông cũng khẳng định: "Do đó, thuốc làm từ địa long hay giun đất không có tác dụng điều trị Covid-19".
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đến nay không có bằng chứng khoa học nào về tác dụng của địa long (giun đất) trong điều trị COVID-19, chúng tôi cũng không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng.
Hiện nay, Covid-19 vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì thế, người dân không nên nghe theo các bài thuốc được lan truyền trên mạng. Nhiều đối tượng lợi dụng thời điểm nhạy cảm để chia sẻ những phương thuốc chữa bệnh thiếu căn cứ. Vì thế, người dân cần tỉnh táo để tránh tiền mất, tật mang.
mới nghe nói là tuyến bài mới của , tập trung vào lời đồn thổi đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nơi này thuật lại mọi lời đồn một cách trung lập. Mỗi tin tức chia sẻ đều thể hiện đầy đủ góc nhìn từ những ý kiến về "lời đồn".
Nguồn: TH&PL