Vụ việc nam thanh niên tự ý mở cửa thoát hiểm trên chuyến bay của Vietnam Airlines gần đây đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc, bởi hành động vô tư này có thể làm hãng hàng không "đi tong" vài chục nghìn đô.
Hàng Không Việt Nam thi thoảng phải đối đầu với một vấn đề quái đản, mà năm nào cũng xảy ra đến dăm ba lần: hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm, với các lý do "trời ơi đất hỡi" như mở cho thoáng, nhầm lẫn với cửa nhà vệ sinh, vì tò mò, hay thậm chí là mở để ngắm cảnh.
Mới đây nhất là câu chuyện về một nam hành khách trên chuyến bay của Vietnam Airlines vô tư mở cửa thoát hiểm để… đi vệ sinh, khiến nhiều người không khỏi băn khoăn vì "lớn lắm rồi sao mà như là em bé"?
Trước mỗi chuyến bay, các hãng hàng không luôn hướng dẫn hành khách về vị trí cửa thoát hiểm, cũng như các trường hợp khẩn cấp cần mở cửa. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có không ít người "hồn nhiên" làm sai qui định mà không biết nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng ra sao.
Mỗi lần "mở lối" trị giá... chục nghìn đô
Việc hành khách "táy máy tay chân", tự ý mở cửa thoát hiểm có thể khiến hãng hàng không "đi tong" vài chục nghìn đô để khắc phục sửa chữa, chưa kể đến vô số thiệt hại kinh tế khác do phải ngừng bay, cắt khách...
Theo các hãng hàng không, mỗi khi gặp phải tình huống máy bay bung phao trượt, chi phí cho việc sang nước ngoài cuộn lại thuyền phao cứu sinh, bơm áp suất và lắp đặt cửa thoát hiểm có thể lên đến 300 triệu đồng.
Năm 2012, máy bay của Vietnam Airlines phải sang Singapore gắn lại cầu phao, tiêu tốn khoảng 10.000 USD, do hành khách tự ý "thoát hiểm" để xuống cho nhanh. Ba năm sau, cũng trong tình huống tương tự, Vietjet mất khoảng 300-400 triệu đồng để sửa chữa kỹ thuật máng trượt bị bung.
Và chỉ mới trong năm nay thôi, có đến hai chuyến bay của Bamboo Airways gặp sự cố vì hành khách vô ý mở cửa thoát hiểm. Tất nhiên, một khoản phí sửa chữa khổng lồ ập xuống hãng, trong tình cảnh một năm hàng không lao đao vì dịch bệnh, như dân gian thường nói "đã nghèo còn mắc cái eo".
Bên cạnh chi phí khổng lồ tiêu tốn cho mỗi lần tự ý "mở lối", hãng còn phải chịu vô số những thiệt hại nặng nề khác do máy bay tạm ngưng hoạt động, lịch trình bay bị xáo trộn, cắt khách và bồi thường...
Theo đại diện Vietnam Airlines, mỗi lần sửa chữa, bảo trì buộc máy bay phải dừng khai thác trong nhiều giờ, gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như thiệt hại về kinh tế cho hãng bay, đặc biệt trong những mùa cao điểm.
Chuyến bay VN 227 của Vietnam Airlines trong năm 2016 đã phải hoãn lại do hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm, gây tình trạng chậm dây chuyền hàng loạt chuyến bay khác trong ngày. Tuy đội ngũ kĩ thuật của VNA đã tự sửa chữa được tàu bay, giảm đáng kể chi phí khắc phục, vụ việc vẫn gây ra thiệt hại lớn cho hãng, ước tính khoảng 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng), bao gồm các chi phí khai thác như tiền thuê máy bay, chậm giờ của những chuyến bị ảnh hưởng, giảm số lượng khách theo tỉ lệ tương ứng để đảm bảo an toàn chuyến bay và phòng ngừa trường hợp khẩn cấp...
Sự cố tương tự cũng từng xảy ra với chuyến bay VJ175 của hãng hàng không Vietjet. Sau vụ việc, hãng đã phải cắt lại 51 khách, tương ứng với cửa thoát hiểm không thể sử dụng để đảm bảo an toàn bay. Ngoài ra, hãng phải bồi thường 300.000 đồng cho mỗi hành khách bị cắt lại và bố trí chuyến bay khác trong ngày.
Phạt sao cho "đủ"?
Trong mỗi vụ tự ý mở cửa thoát hiểm, làm bung xuồng phao cứu sinh, khách nộp phạt một thì hãng bay thiệt hại đến mười.
Theo quy định của Nghị định 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay bị phạt 10-20 triệu đồng. Mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với khoản chi phí 300, hay 400 triệu đồng mà các hãng bay phải tiêu tốn cho mỗi lần xảy ra sự cố.
Tại Việt Nam, năm nào các hãng bay cũng gặp phải vài vụ hành khách vô tư mở của thoát hiểm. Tái phạm không dứt, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu phạt tiền thôi đã là đủ?
Ngoài mức phạt răn đe do gây thiệt hại cho hãng, cùng chế tài cấm bay trong khoảng thời gian nhất định, thiết nghĩ, các hãng hàng không nên có thêm những biện pháp khác nhằm nâng cao hiểu biết của hành khách trước khi lên máy bay, giảm bớt số vụ "vô ý" mở cửa.
Máy bay là phương tiện luôn sử dụng công nghệ tân tiến nhất, kèm theo đó là những bộ quy chế an toàn tương ứng, đòi hỏi người dùng dịch vụ phải trang bị lượng kiến thức nhất định cùng ý thức tuân thủ cao.
Do đó, sự thiếu hiểu biết hay căn bệnh "lùn ý thức" của một số người, ngoài việc khiến bản thân họ bị liên đới trách nhiệm, còn đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng bay.
Nguồn: TH&PL