Minh Trang là một diễn viên trẻ đã có màn hóa thân ấn tượng trong nhân vật Trúc của bộ phim đình đám Cây Táo Nở Hoa.
Minh Trang xuất thân là một diễn viên được đào tạo bài bản từ Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cô tốt nghiệp với số điểm cao và thậm chí từng có ước mơ ở lại trường, trở thành giáo viên dạy diễn xuất. Tuy vậy, cô Trúc của bộ phim Cây Táo Nở Hoa vẫn không tránh khỏi cảm giác hoài nghi năng khiếu của mình thuở mới vào Nam lập nghiệp.
Là diễn viên người Bắc hiếm hoi "lọt" giữa dàn diễn viên miền Nam đình đám trong Cây Táo Nở Hoa, Minh Trang thừa nhận ban đầu mình gặp khó khăn chưa hòa nhập được với ngữ điệu phương Nam. Thế nhưng bằng sự chân thành, khiêm tốn, chịu khó học hỏi và ghi nhận góp ý từ khán giả, lẫn các anh chị đồng nghiệp, cô nàng dần dần lấy được thiện cảm của mọi người. Những khán giả nào theo dõi câu chuyện của anh em nhà Táo, chắc chắn sẽ nhận ra nỗ lực "nở hoa" của Minh Trang cũng như những dấu ấn mà vai diễn Trúc để lại trên màn ảnh nhỏ.
Sợ nhất là mọi người chỉ khen xinh mà không quan tâm mình diễn gì
Sau 2 năm làm việc tại Sài Gòn, bạn nghĩ mình nhận được gì từ quyết định Nam tiến?
Khi vào Nam tôi thấy mọi người làm việc gì cũng hoành tráng, sự kiện ra mắt phim ai cũng ăn mặc sang trọng. Đó như một thế giới mới vậy, làm tôi rất tò mò. Thời gian đầu tôi từng bơ vơ và lạc lõng. Tôi thấy mình chậm và yếu kém hơn xung quanh. Nhiều người đẹp và giỏi quá, ai cũng học thêm nhiều kỹ năng ca hát, nhảy múa,...
Thỉnh thoảng tôi suy nghĩ không biết mình có năng khiếu trong nghề không nữa. Mặt tôi không phải kiểu đẹp khiến người khác "wow" lên đâu! Cũng kiểu xinh xắn bình thường thôi. Đã không đẹp xuất sắc mà còn hơi thiếu năng khiếu diễn xuất thì phải cố gắng nhiều.
Thế còn cơ hội công việc thì sao, có bao giờ bạn cảm thấy quá khó khăn vì sự cách biệt giữa môi trường làm việc Bắc - Nam?
Cơ hội việc làm trong Nam nhiều hơn, nhưng cũng cạnh tranh và nhiều thử thách hơn. Từ lúc vào Sài Gòn thấy nhịp sống nhanh, ai làm gì cũng cởi mở, thoải mái, tôi cũng bị cuốn. Ngày xưa ở Hà Nội tôi "chill" lắm, rụt rè và ít nói. Tôi thấy bây giờ mình sống thoải mái hơn, tự tin hơn, muốn học nhiều thứ và muốn thử nhiều cái hơn.
Đối tượng khán giả giữa hai miền Nam - Bắc cũng khác nhau, nhưng tôi không thấy có gì phân biệt hay kỳ thị. Bây giờ không hiếm nghệ sĩ Nam tiến, ngày càng các vùng miền gần nhau hơn và được đón nhận hơn. Chỉ là khán giả hơi "khớp" một chút vì chưa quen với ngữ điệu. Nhưng tôi thấy đó cũng là một điều hay, diễn viên người Bắc đóng phim trong Nam sẽ khiến khán giả miền Bắc tò mò và chiều ngược lại cũng vậy, nghĩa là sẽ thu hút được đối tượng khán giả ở nhiều nơi.
Để ý thì có khá nhiều bình luận trong những tập đầu của Cây Táo Nở Hoa rằng vai Trúc hơi… nhàm chán. Minh Trang cảm thấy như thế nào?
Tôi có xem phim, nhưng chưa hài lòng lắm nên không biết đánh giá vai của mình ra sao. Có lúc tôi thấy dễ thương, có lúc tôi thấy hơi mệt vì cứ khóc hoài. Nhưng tôi không hối hận, vì sự ngô nghê và yếu đuối của Trúc là điều mà tôi và đạo diễn Võ Thạch Thảo đã trao đổi và thống nhất xây dựng nhân vật như vậy. Lúc phim mới chiếu, tôi từng buồn khi đọc những bình luận nói giọng tôi "lạc quẻ" với dàn diễn viên Cây Táo Nở Hoa.
Giọng miền Nam rất dễ thương, sinh động. Còn giọng miền Bắc sẽ theo kiểu chính kịch nên phim ngoài Bắc dễ có nhiều khoảnh khắc căng thẳng. Nhưng tôi vẫn muốn giữ giọng nói này và sửa đổi thêm về ngữ điệu. Tôi cũng sợ nhất mình chỉ được khen xinh chứ diễn xuất thì khán giả không quan tâm. Đôi khi nhận về hai luồng ý kiến tranh luận khen chê, tôi lại thấy an tâm hơn.
Chuyện có "tiểu tam" cũng… bình thường thôi, mà Trúc chưa giác ngộ ra được!
Sự xuất hiện của "tiểu tam" trong cuộc tình giữa Trúc và Dư cũng khiến khán giả bực mình. Mọi người nói rằng phim Việt Nam nào rồi cũng sẽ có "tiểu tam", liệu đó có là yếu tố bắt buộc để phim trở nên thu hút hơn?
Thực ra trong kịch bản gốc của Hàn Quốc đã có sự xuất hiện của nhân vật "tiểu tam", nên kịch bản Cây Táo Nở Hoa cũng có. Nếu tôi là khán giả xem Cây Táo Nở Hoa, tôi cũng hơi bực mình vì rõ ràng có những chuyện Dư, Trúc giải quyết rõ ràng với nhau được mà cứ không nói rồi lảng tránh. Trúc gây mệt mỏi bởi sự yếu đuối, nhu nhược sau mỗi lần quay lại với Dư.
Thế nhưng, tôi từng trải qua hoàn cảnh tương tự một lần, tôi hiểu sự "nhu nhược" đó của Trúc. Trong nhiều bộ phim hay MV thường miêu tả "tiểu tam" là bỗng nhiên xuất hiện một bạn gái giật bồ. Nhưng tôi thấy bên ngoài có nhiều trường hợp, như người đàn ông chủ động tán tỉnh và cô gái ấy không biết đó là người đang có một mối quan hệ khác. Tôi thấy cô gái bị mang tiếng cũng đáng thương. Đâu ai lắng nghe lý do của họ đâu mà cứ quy chụp họ.
Bạn nói mình đồng cảm một phần với nhân vật Trúc vì từng trải qua tình yêu tương tự vậy, thế trong kịch bản có khía cạnh nào mà bạn thấy nó rất là mình hay chưa?
Tôi bây giờ đã khác hoàn toàn, nhưng ngày xưa lúc còn học đại học thì tôi rất giống Trúc: sống một mình, xa gia đình, cô đơn nên vô cùng yếu đuối, luôn mong có một người ở bên cạnh. Thậm chí bất kỳ người đàn ông nào xuất hiện trong đời là mình cũng nghĩ sẽ yêu thật lòng và có kết quả xa với họ.
Cũng giống như Trúc trong phim biết Dư sai mà vẫn cho người ta cơ hội, tôi cũng từng tha thứ cho bạn trai mình, rồi cuối cùng bạn đó vẫn phản bội và quen một bạn gái khác. Bởi vì trong đầu mình mặc định nếu người ta yêu mình thật lòng, mình cứ để bạn ấy đi, bạn ấy trải nghiệm rồi chắc chắn họ sẽ trở về. Đó là người bạn trai cũ của tôi hồi ở Hà Nội và đây cũng là một lý do khiến tôi không muốn trở lại Hà Nội nữa.
Chuyện có "tiểu tam" cũng… bình thường thôi, mà Trúc chưa giác ngộ ra được. Sau này tôi nhận thấy không phải mình cứ tốt với một người thì mình xứng đáng được người đó yêu thương và hạnh phúc bên nhau đâu. Có khi quen người mới một tháng cũng bằng ngần ấy kỷ niệm mình có trong 2 năm thì sao?
Có nhiều bình luận khen ngợi Minh Trang và Song Luân là cặp đôi đáng yêu nhất Cây Táo Nở Hoa. Để tạo được những phản ứng tốt với nhau trên màn ảnh như vậy, câu chuyện phía sau hậu trường giữa hai bạn như thế nào?
Anh Song Luân rất thân thiện. Gặp nhau thì hai anh em thoải mái ngồi bệt xuống, lót đôi dép tông, lấy đồ ăn ra ăn nhồm nhoàm. Đến nỗi mà chị Thảo đạo diễn phải "than": "Chết rồi, hai đứa không được nói chuyện như hai thằng đàn ông thế, đây là tình yêu nha, không phải tình đồng chí." Trong công việc, tôi thấy anh Luân nỗ lực nhiều, có những cảnh khóc anh cứ quay đi quay lại. Anh Luân cũng chia sẻ với tôi thời gian đầu đóng phim anh cũng buồn vì gặp nhiều vấn đề, nhưng sau đó anh mặc kệ và cố gắng. Đến bây giờ anh đã được công nhận, tâm sự ấy cho tôi động lực là mình có thể.
Có điều một tháng tôi chỉ quay có vài ngày nên khi gặp lại nhau dễ mất cảm xúc, thành ra chúng tôi phải chịu khó gọi điện, hỏi han nhau trong thời gian "đứt quãng" ấy. Có một cảnh hôn đầu tiên phải quay ngay ngày mới bắt đầu luôn, hai đứa lúc đó vẫn chưa cởi mở được. Chị Thảo đạo diễn mới cho uống bia thật để bớt ngại, hơn nữa nhân vật của tôi cũng say. Với những cảnh hôn sợ nhất là bị quen, khi mà quen rồi sẽ dễ mất đi sự bồi hồi. Còn những lúc mới hôn, tuy ngại ngùng vậy chứ nhìn nụ hôn có cảm xúc hơn.
Nếu kịch bản phim có cảnh "nóng" và "giường chiếu" quá, tôi sẽ không nhận
Khi nhận kịch bản, bạn có đặt ra giới hạn hay nguyên tắc nào cho những cảnh nhạy cảm không?
Nếu kịch bản phim có cảnh "nóng" và "giường chiếu" quá, tôi sẽ không nhận, dù tôi rất thích công việc này. Nghe có vẻ ích kỷ và hơi cá nhân một chút, nhưng tôi nghĩ đến người sẽ lấy mình sau này không muốn xem thì sao? Biết đâu nhận một cảnh quá "nóng" rồi ảnh hưởng đến gia đình tương lai. Ngoài ra, tôi cũng không đóng được những cảnh giết người, máu me,... vì sẽ bị ám ảnh.
Bạn có nghĩ vẻ đẹp tiểu thư, hiền dịu của mình sẽ giới hạn khả năng nhận vai, là rào cản trong việc hóa thân vào các vai diễn đột phá hơn?
Những vai hiền, nhu mì, chỉ có thể cam chịu và khóc lóc thì tôi phải thừa nhận ngày xưa tôi đúng hợp với kiểu vai này luôn. Nhưng ngoại hình xinh đẹp không làm nên toàn bộ sự nghiệp, hiện tại tôi 26 tuổi rồi, có nhiều trải nghiệm hơn nên cũng muốn thử sức qua nhiều vai cá tính hơn, chỉ mỗi một "màu" nhẹ nhàng cũng nhàm chán. Tôi cũng muốn đóng những vai đơn giản, thậm chí không cần make-up cũng được, nhưng nó phải "đời" hơn thì tôi sẽ có nhiều chất liệu để thể hiện ra hơn.
Khi gặp biên kịch của Cây Táo Nở Hoa, tôi bảo không nhận phim này vì nhân vật Trúc khác gì những nhân vật khác tôi từng đóng đâu? Nhưng tôi được thuyết phục bởi câu chuyện sâu sắc phía sau tính cách yếu đuối của Trúc. Chị Thảo đạo diễn phân tích cho tôi nhiều góc trong kịch bản để tôi hiểu sâu hơn về nhân vật. Chị nói cần tôi vào vai này vì sẽ là cặp đôi đẹp với anh Luân. Tôi tin tưởng và rất cảm kích vì sự chân thành cùng những kỳ vọng của chị Thảo nên đã quyết định tham gia.
Vậy còn "tham vọng" một vai diễn trong phim điện ảnh, Trang có không?
Hồi mới đi học, phim điện ảnh nào thích là tôi nhận luôn, không cần biết vai gì, cuối cùng lại làm chưa tốt, phim cũng không có kết quả mấy. Tôi nghĩ phim điện ảnh là cái duyên, sau này nếu có vai diễn phù hợp tôi sẽ sống chết với nó! Còn hiện tại tôi vẫn thích đóng phim truyền hình. Bởi vì ở nhà ông bà, bố mẹ sẽ xem được phim tôi đóng. Đóng phim điện ảnh thì nếu hàng xóm có hỏi người nhà là tôi đóng phim gì, họ cũng không đón xem được.
Tôi thấy gia đình là điều quan trọng nhất giúp mình yêu nghề và là động lực để tôi gắn bó với công việc này. Tôi có thể kiếm tiền, tự lập và giúp đỡ bố mẹ. Tôi nghĩ mấu chốt quan trọng trong cuộc đời mình vẫn là gia đình. Thế nhưng, nếu sau này tôi lớn tuổi và có "buông bỏ" nghề diễn, thì trước đó, tôi phải tìm được một vai diễn thỏa mãn được mình và sống chết vì nó đã. Giống ca sĩ đi hát cần bài hit, tôi cũng đang chờ đợi một hit diễn xuất để đời của mình.
Cảm ơn Trang vì buổi phỏng vấn ngày hôm nay!
Nguồn: TH&PL