Tại vòng Bứt phá Rap Việt mùa 1, Thành Draw đã thể hiện khả năng thôi miên của mình cũng như mang cả kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam vào trong bản rap.
Mượn hình tượng con rắn trong trò chơi dân gian Rồng rắn lên mây cùng với hàng loạt những câu ca dao tục ngữ khiến các ban giám khảo, HLV cùng khán giả hào hứng.
"Anh em nhà họ rắn
Bề ngoài không đứng đắn
Tóc xanh mỏ đỏ
Mồm năm miệng mười tay trắng
Tự nhận mình không may mắn
Ăn lấy cả đời, chơi cả thời
Trách đời cay đắng
Vẫn còn tưởng mình hay lắm".
Trước khi bước vào chương trình Rap Việt, Thành Draw liên tưởng mình chỉ là một con rắn dù đã có kinh nghiệm hoạt động trong giới Underground nhưng nếu so với ban giám khảo các HLV anh cảm thấy mình chưa đủ "Vẫn còn tưởng mình hay lắm". Anh sử dụng gieo vần đôi "đứng đắn" - "tay trắng" và "may mắn" - "hay lắm" ngầm nhấn mạnh mình chưa là gì.
"Chọn đá thử vàng ngạo mạn tự cao háo thắng
Bước ra ngoài đời
Phận con nhà lính trời sinh tính nhà quan
Túm năm tụm ba
Đạp số rồi nhảy ga
Lả lướt bước lang thang thành hàng".
Thành Draw sử dụng câu ca dao "Chọn đá thử vàng" nhấn mạnh tính cách "ngạo mạn", "tự cao", "háo thắng" của mình trước đây. Anh tiếp tục mượn ý nghĩa của câu thành ngữ "Con nhà lính, tính nhà quan" nhằm ám chỉ người người không biết vị trí của mình ở đâu vốn con "nhà lính" nhưng lại học đòi "nhà quan". Thành Draw hết sức tinh tế khi đặt để hợp lý những câu ca dao thành ngữ trong lyric của mình.
Vì... Một con ngựa đau
Hay bao con ngựa đau
Cũng là lúc cả tàu bỏ cỏ
Mà rắn cứng đầu theo ngược chiều gió
Rắn cứng đầu không ngại nắng mưa
Rắn dùng lời rap thay cho những độc tấu
Để làm được điều đó
Chứ đâu ngại thắng thua
Rắn biết mình cần học ăn học nói
Uốn mình ngay ngắn khăn gói tìm thầy".
Có lẽ Thành Draw như muốn mang cả kho tàng ca dao tục ngữ và thành ngữ của Việt Nam vào trong bản rap này. Mượn ý nghĩa đoàn kết của câu tục ngữ "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" để thể hiện hình ảnh đối lập với "rắn" luôn đi theo chiều ngược lại "cứng đầu". Dù nắng hay mưa "rắn" vẫn luôn muốn tự mình thể hiện tự mình làm những điều mình muốn.
Anh như thể hiện một quan điểm cá nhân muốn tự bản thân làm những điều mình thích và không màng "thắng thua". Thành Draw cũng nói lên khi tham gia vào Rap Việt là lúc "rắn" muốn "khăn gói tìm thầy" để chuyển mình thành "rồng".
"Vẫn còn khoác vai vui chung 1 bầy
Thì thua keo này ta sẽ bày keo khác
Chỉ cần RỒNG RẮN LÊN MÂY
Nên là RỒNG RẮN LÊN MÂY
Nên là rồng rắn thì lên mây
Nối đuôi nhau thành bầy
Mình cùng đi tìm thầy
Nên là rồng rắn thì lên mây
Ờ bắc thang lên mình đi hỏi ông trời
Nên là rồng rắn thì lên mây
Anh em sum vầy
Mình chia nhau họa này
Nên là RỒNG RẮN LÊN MÂY".
Đến với Rap Việt, Thành Draw muốn cùng với những người động đội anh em "khoác vai vui chung một bầy" học hỏi hoàn thiện bản thân và bứt phá chuyển mình thành "rồng" "Mình cùng đi tìm thầy". Thành Draw tiếp tục dùng câu thành ngư "thua keo này ta bày keo khác" như nói với chính mình và đồng đội hãy cứ cháy hết mình kiên trì không bỏ cuộc, không đặt nặng vấn đề thắng thua.
Câu "rồng rắn lên mây" được Thành Draw lặp đi lặp lại cùng với flow nhạc cuốn hut bắt tai người nghe. Anh sử dụng gieo vần đôi "thành bầy" - "tìm thầy".
"Giờ rắn hóa rồng
Bảnh như đóa hoa hồng
Sống trong nhung lụa
Không so đo từng đồng
Tiền trôi thành dòng
Hào sang phú quý
Càng làm ta đề phòng
Không muốn thay đổi lòng
Lời qua tiếng lại ta sẵn sàng phản bác
Đừng nhìn mặt người khác
Đã vội bắt hình dong
Khẩu phật tâm xà
Bằng mặt bằng lòng".
Sau vòng 1, vòng 2 Thành Draw nhận được những bài học kinh nghiệm đã chuyển mình thành "rồng" như anh mong muốn tại vòng Bứt phá. Nhưng khi đã thành "rồng" sẽ đối mặt với những thử thách khó khăn khác. Sự chuyển mình đã giúp Thành Draw hoàn thiện bản thân hơn "không so đo", đề phòng với "hào quang phú quý".
Anh sử dụng gieo vần đôi "từng đồng" - "thành dòng" - "đề phòng" nhấn mạnh những giá trị tinh thần mà anh học hỏi được. Thành Draw tiếp tục dùng ý nghĩa câu tục ngữ "đừng trông mặt mà bắt hình dong" như muốn khẳng định đừng chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá vội năng lực của anh.
"Mặc ai nói ngả nói nghiêng
Mặc ai nói xỏ nói xiên về mình
Mặc ai nói bóng nói mây
Mặc ai nói ta mơ giữa ban ngày
Mặc ai nói dở nói hay
Mặc ai nói ta đổi thay thế này
Mặc lời ai nói bằng tiền
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân".
Với cách lặp từ "mặc ai nói" khiến khán giả khá thích thú với cách anh kết hợp cùng giai điệu bắt tai. Chuyển mình thành "rồng" thì thử thách của Thành Draw là đối mặt với những lời nói, lời phán xét cũng như những ý kiến người khác đánh giá về mình.
Thành Draw vô cùng tinh tế khi khai thác đoạn lời này dựa vào câu ca dao "dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân" như nhấn mạnh anh luôn luôn kiên định với những gì mà anh làm, anh theo đuổi mặc ai nói gì về mình.
"Con mắt là mặt đồng cân
Nhìn thấu tâm can ai đang
Lòng lang dạ sói
Kiến thức là sức mạnh!
Vạn sự khởi đầu nan
Nên gian nan chớ có vội nản".
Với Thành Draw "con mắt" chính là "mặt đồng cân" giúp anh có thể nhìn thấu được những người đang không thích và có ý xấu với mình. Anh sử dụng câu thành ngữ "lòng lang dạ sói" để chỉ những người có lòng dạ độc ác luôn suy nghĩ tiêu cực về một ai đó.
Tiếp tục Thành Draw sử dụng câu tục ngữ "vạn sự khởi đầu nan" như muốn dặn với bản thân tất cả mọi việc khi bắt đầu đều gian nan không có con đường nào bằng phẳng trải đầy hoa hồng chính vì thế không được nản chí và cố gắng vượt qua khó khăn.
"Có người khen và có người chê
Gừng càng già càng cay
Mình cây ngay không sợ chết đứng
NAM NHI ...
Đầu đội trời chân đạp đất
Một khi mà mình hiphop
Thì đầu đội đất chân đạp trời
LET'S GO!!!".
Câu tục ngữ "gừng càng già càng cay" và "cây ngay không sợ chết đứng" được Thành Draw đưa vào đoạn như muốn khẳng định dư luận luôn có hai chiều "người khen", "người chê". Đối với những ý kiến tiêu cực nếu thiện chí anh sẽ tiếp thu hoàn thiện bản thân nhưng nếu là để hạ bệ anh sẵn sàng bỏ qua và tiếp tục cố gắng.
Chốt hạ phần trình diễn Thành Draw khiến ban giám khảo, các HLV cũng như khán giả bùng nổ với câu punchline đắt giá "đầu đội trời chân đạp đất, một khi mà mình hip hop thì đầu đội đất chân đạp trời". Câu punchline khiến giám khảo Rhymastic thích thú và HLV Suboi phải công nhận: "Hôm nay Thành Draw đúng là hóa thành rồng".
Phần trình diễn mang đậm chất ma mị cùng kho tàng ca dao thành ngữ, tục ngữ Việt Nam đã để lại ấn tượng rất lớn trong lòng khán giả cũng như ban giám khảo và các HLV. Thành Draw đã chứng minh được anh đã thật sự chuyển mình thành "rồng" và sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Rồng rắn lên mây thật sự là bản rap "để đời" của Thành Draw tại Rap Việt mùa 1
Nguồn: TH&PL