MAMA liệu có phải một “đối trọng” giải thưởng quan trọng và danh giá với các nghệ sĩ của Việt Nam đến nỗi chúng ta sẵn sàng “hội đồng” người nhà vì một hành động không đúng?
Nhìn vào “đại cảnh” Vpop 2020 - dù bị ảnh hưởng nhiều bởi “cơn hạn” chung Covid-19 như bao nền giải trí khác, khán giả vẫn có thể dễ dàng gọi tên Binz như một cái tên nổi bật. Mang nét trầm và kín tiếng như đại đa số các nghệ sĩ xuất thân từ Underground nhưng Binz luôn là một nhân tố ẩn chứa bao sự thu hút và là “thỏi nam châm” content dồi dào. Và đây cũng chính là căn cứ để âm nhạc của anh trở thành những thứ âm thanh, câu từ thời thượng xu hướng đối với giới trẻ Việt Nam.
Về cả mặt con số, thành tích và thu hút truyền thông, Binz hiện đã là một cái tên thuộc top đầu. Việc nam rapper được BTC MAMA 2020 (Mnet Asian Music Awards) gọi tên cho giải thưởng Nghệ Sĩ Việt Nam Xuất Sắc Nhất là kết quả bất ngờ nhưng xứng đáng. Đáng kể hơn, anh cũng trở thành rapper đầu tiên của Việt Nam nhận được danh hiệu này từ MAMA.
Niềm vui đáng lẽ đã trọn vẹn hơn khi Binz không cao hứng… post ảnh chiếc cúp vàng trên Instagram cá nhân 2 tuần trước lễ trao giải. Thay vì những lời chúc tụng sẻ chia, Binz phải nhận cơn dèm pha phẫn nộ từ công chúng bởi hành động được nhiều người cho là cực kỳ kém tinh tế. Anh xóa bài post ngay sau đó. Chuyện sai đúng không có gì phải bàn cãi vì dù có vui và hạnh phúc đến mấy, Binz cũng lỡ làm chuyện không nên làm.
Tuy nhiên, MAMA liệu có phải một “đối trọng” giải thưởng quan trọng và danh giá với các nghệ sĩ của Việt Nam đến nỗi chúng ta sẵn sàng “hội đồng” người nhà vì một hành động không đúng?
Vinh danh nghệ sĩ châu Á, hay “cỗ máy” bành trướng Kpop
Năm 2017, khi MAMA lần đầu cập bến Việt Nam và tổ chức thêm 2 đêm trao giải khác ở HongKong, Nhật Bản, NPR - một trong những hãng tin lớn nhất của Mỹ đã không ngần ngại gọi sự kiện này là “cỗ máy quảng bá Kpop” ngay trên tiêu đề của bài viết.
Được “khai sinh” từ năm 1999 với tên gọi Mnet Video Music Awards, đến năm 2009, Mnet cho thấy tham vọng của mình khi đổi tên lễ trao giải thành MAMA như hiện tại. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, tinh thần phủ sóng văn hóa, duy trì cơn sốt Hallyu của những ông lớn Hàn Quốc như càng được thể bộc lộ. “Chúng ta phải nâng cao vị thế của thị trường âm nhạc châu Á, cũng là để đảm bảo rằng làn sóng Hàn Quốc sẽ không chỉ chảy xuôi về một hướng rồi kết thúc luôn ở đó”, cựu CEO Park Kwangwon của Mnet chia sẻ khi lần đầu tiên MAMA “xuất ngoại” trên đất Macau năm 2010.
"Cần phải có sự giao thoa giữa các nền văn hóa để phát triển làn sóng châu Á. Giống như cách người Mỹ tạo ra tầm ảnh hưởng to lớn của Grammy với toàn bộ châu Âu, chúng tôi kỳ vọng MAMA sẽ là tiền đề để âm nhạc châu Á trở nên phổ biến trên toàn cầu”.
Từ cột mốc 2010, MAMA luôn được Mnet tổ chức tại các quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Hàn Quốc. Như một minh chứng cho tham vọng của mình, năm 2017, MAMA “xoay trục” tại Việt Nam - thị trường Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, Nhật Bản - thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới và HongKong - cửa ngõ sát bên Trung Quốc đại lục. Tuy vậy, yếu tố châu Á vẫn chỉ là hàng thứ yếu so với Kpop. Chữ Asian (châu Á) rõ ràng trong tên gọi không khiến Mnet thêm tận lực với việc tôn vinh “văn hóa châu Á” như tuyên bố của mình.
Bộ ba danh hiệu danh giá nhất của MAMA gồm Nghệ Sĩ Của Năm, Album Của Năm, Bài Hát Của Năm hoàn toàn là cuộc chơi riêng của các nghệ sĩ Kpop. Nhiều nghệ sĩ đến từ các nước châu Á khác đã đến MAMA rồi trở về với những giải thưởng dường như được nghĩ ra để hợp thức hóa lý do xuất hiện. Việc các nhánh giải phụ được “ban bố” đều tay cho nghệ sĩ ngoài Kpop như một bước đi “làm thương hiệu” cho vị trí trung tâm của Kpop trong nền âm nhạc châu Á. Một khi “bản hòa ca” châu lục này càng ngân vang, vị thế dẫn dắt của Kpop ngày càng được tô rõ in đậm.
Mnet rất biết cách nương theo sự phát triển của làn sóng Hallyu để thay đổi cơ cấu trao giải của mình cho hợp thị hiếu. Từ khởi đầu tương tự MTV’s Video Music Awards, với hai giải thưởng lớn nhất dành cho video, qua nhiều sự biến động và đến hiện tại, MAMA cũng có một hệ thống đủ đầy, trao cúp cho những nghệ sĩ có thành tích album, nhạc số xuất sắc nhất. Tuy nhiên, việc “đi tour” tổ chức ở nhiều nước châu Á không làm cho MAMA trở nên… châu Á hay mang tính đại diện, có sức nặng cho cả châu Á.
Vị cựu CEO từng lấy Grammy làm “kim chỉ nam” cho MAMA. Nhưng không giống MAMA, trong suốt hơn 60 năm hình thành và phát triển của mình, Grammy không cần đi du ngoạn bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ để thể hiện tầm ảnh hưởng số một trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới. Chưa kể, có giai đoạn từ năm 2003 đến 2017, Grammy chỉ diễn ra ở Staples Center, ngôi nhà vĩnh cửu - nơi Bảo tàng Grammy được xây dựng để gìn giữ những giá trị nguyên bản của lễ trao giải này.
Vpop và MAMA
Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trong “bản đồ” trao giải của MAMA với giải thưởng có tên Nghệ Sĩ Việt Nam xuất sắc nhất (Best Asian Artist in Vietnam). Nghệ sĩ từ nhiều quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Indonesia,... cũng được Mnet dành tặng những danh hiệu “vùng miền” tương tự. Sau 8 năm, bắt đầu với tên tuổi quốc dân Mỹ Tâm, các ngôi sao Vpop như Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Hương Tràm, Hoàng Thùy Linh và năm nay là Binz cũng lần lượt xuất hiện trên bảng vàng này.
Sau khi bắt đầu “xuất ngoại” MAMA ra ngoài lãnh thổ Hàn Quốc vào năm 2010, việc Mnet chọn thị trường Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng để “đánh” mạnh hơn với các giải thưởng mang tính địa phương là một bước đi vô cùng thức thời và khôn ngoan. Giai đoạn từ 2009 đến 2012 là khoảng thời gian làn sóng Hallyu gây sóng gió trên toàn châu Á cùng dàn thần tượng thế hệ thứ hai như TVXQ, Super Junior, SNSD, Wonder Girls, T-ara, 2NE1,...
Đây chính là một thời kỳ hoàng kim của âm nhạc xứ sở kim chi, có tầm ảnh hưởng phủ sóng rộng khắp đối với giới trẻ châu lục và là tiền đề vững chắc cho sự phổ biến toàn cầu được tiếp nối bởi thế hệ thần tượng hiện tại của Kpop như BTS, BlackPink,... Thời điểm ấy, văn hóa hâm mộ của những bạn trẻ Việt Nam dành cho thần tượng Hàn Quốc cũng bước vào thời kỳ “nhiệt” nhất. Sức nóng được thể hiện rõ qua những concert kín chỗ nằm trong tour châu Á của JYJ tại TP HCM, Super Junior tại Bình Dương, siêu sự kiện Kpop Festival với dàn lineup khủng tại Mỹ Đình,...
Có thể nói, sau nhiều năm “thẩm thấu” âm nhạc, phim ảnh xứ kim chi từ xa thì đây là giai đoạn mà đôi tai, đôi mắt khán giả Việt được “đền đáp” hậu hĩnh nhất với vô số sự kiện, chương trình có sự xuất hiện của những ngôi sao Hàn Quốc. Tính riêng trong năm 2012, đã có đến hơn 100 nghệ sĩ xứ củ sâm đến Việt Nam để biểu diễn, ghi hình show thực tế, giao lưu văn hóa, tổ chức concert, fanmeeting,... - một con số đầy sức nặng. Và theo dòng chảy ấy, MAMA đánh dấu mạnh mẽ hơn sự tồn tại của mình với công chúng Việt Nam bằng một giải thưởng riêng rơi đúng vào “đỉnh điểm tăng trưởng”.
Sự có mặt kịp thời, đúng lúc đi cùng với sự duy trì và chọn lọc đều đặn những gương mặt nổi bật nhất trong năm của Vpop âm thầm khiến chiếc cúp Nghệ Sĩ Việt Nam Xuất Sắc Nhất của MAMA trở nên có giá trị công nhận và độ nhận diện hơn. Không thể phủ nhận sự chắc tay của Mnet trong việc chọn mặt gửi vàng vào các nghệ sĩ Việt. Bởi nhìn vào người chiến thắng ở hạng mục này từng năm, họ đều là những cá nhân để lại dấu ấn rõ ràng nhất, như Hương Tràm với siêu hit Em Gái Mưa (2017) hay Hoàng Thùy Linh cùng một album bứt phá ngoạn mục (2019).
Mặc dù vậy, sau tất cả, Nghệ Sĩ Việt Nam Xuất Sắc Nhất vẫn chỉ là nhánh giải phụ trong cuộc chơi tham vọng của người Hàn Quốc. Chọn và trao đúng người là điều căn bản phải làm của BTC ở mọi lễ trao giải. Chúng ta trân trọng sự ghi nhận thiện chí ấy từ những người bạn xa xôi, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta xếp giải thưởng ấy vào thế tối thượng, để chiếu xuống mà phản ứng gay gắt, như thể hành động “lỡ làng” kia (của Binz) là… phạm thượng. Đặt vào một tình huống khác, nếu như Binz khoe chiến thắng ở một lễ trao giải trong nước trước ngày sự kiện diễn ra, liệu số đông có giữ nguyên sự khắt khe đến vậy?
Sau cùng thì, dù MAMA có mở ra danh hiệu ấy cho nghệ sĩ Việt hay không, chúng ta vẫn, đã và đang có những cá nhân, tập thể xuất sắc, một nền âm nhạc với bản sắc riêng ngày càng rõ ràng, sự phát triển “tự thân vận động” đầy bản lĩnh. Từ trong sâu thẳm, hãy bồi đắp niềm tự hào với những giá trị nội tại đẹp đẽ của nền âm nhạc này, thay vì quá nóng nảy, phía sau một lăng kính bên ngoài.
Nguồn: TH&PL