Biện pháp nào để phim Việt thành công “chuyển mình” trên hành trình tới?
Thách thức của ngành điện ảnh Việt Nam lâu nay luôn là việc đưa những bộ phim có giá trị nghệ thuật đến gần hơn với khán giả. Thế nhưng, đây vẫn là vấn đề nan giải khi quá khó để cân bằng suất chiếu của các bộ phim thương mại và phim nghệ thuật. Việc tìm chỗ đứng cho các tác phẩm mang nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật của nước nhà chưa bao giờ là điều dễ dàng cho các nhà làm phim Việt Nam.
Gần đây nhất, Những đứa trẻ trong sương - bộ phim đạt nhiều giải thưởng danh giá tại các hạng mục quốc tế cũng từng phải chật vật tìm rạp chiếu để được nhiều khán giả tiếp cận hơn.
Được biết, ekip phải tự bỏ tiền ra thuê rạp vì chưa có nhà phát hành, cho đến khi được Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) giúp đỡ, lan tỏa những thước phim mang đậm giá trị văn hóa, dân tộc này đến với nhiều người hơn.
Trước đó, Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên cũng không thu hút được nhiều khán giả Việt Nam, trong khi đây là tác phẩm vinh dự giành giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa và nhận được nhiều đánh giá khách quan của các chuyên gia trong ngành.
"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng; "Lửa thiện nhân"; "Đêm tối rực rỡ" cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm đơn vị phát hành mặc dù đều là những bộ phim đạt được nhiều giải thưởng vinh dự, danh giá ở các liên hoan phim quốc tế.
Dù muốn đưa nền điện ảnh nước nhà phát triển, nhưng trong nước lại đang thiếu sự hệ thống trong cách làm phim. Tại Việt Nam, có đến 60% chiếu phim là do các công ty nước ngoài quản lý, khiến các công ty sản xuất và làm phim trong nước chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi mỗi khi tranh suất chiếu.
Trung bình, cứ 40 bộ phim Việt ra mắt trong một năm phải đối đầu với 200 bộ phim nước ngoài, đó cũng là lý do nền điện ảnh nước nhà khó để cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Thiếu các gian hàng quốc gia về phim ảnh tại Việt Nam cũng khiến Việt Nam gặp nhiều yếu thế trong hành trình xây dựng nền điện ảnh.
Ngoài ra, thị hiếu xem phim của người Việt Nam chủ yếu là các bộ phim thị trường, xem để giải trí là chính. Nên những tác phẩm nghệ thuật lại khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận khán giả.
Thế nên, để ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam phát triển, cần hiện thực hóa những biện pháp cụ thể vào đời sống. Ngành điện ảnh nên được Nhà nước hỗ trợ để phát huy những tiềm lực, sức sáng tạo của các nhà sản xuất, nhà làm phim và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước để có kinh phí cho việc vận hành, đầu tư. Đây là một bài toán tương đối khó cho ngành điện ảnh Việt vì có rất nhiều thách thức, khó khăn trên chặng đường sắp tới.
Nguồn: TH&PL