Khán giả Penthouse lại một lần nữa chứng tỏ IQ của mình không thua kém gì biên kịch Kim Soon Ok.
Mới đây nhiều bài phân tích về câu chuyện thực sự mà đoàn làm phim Penthouse muốn truyền tải đã rộ lên trong cộng đồng người hâm mộ phim Penthouse lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, những "thám tử" tài năng này cho rằng tên của Joo Dan Tae được đặt theo nhà thơ Dante Alighieri và nội dung của Penthouse có liên quan đến tác phẩm Thần Khúc vĩ đại của ông.
Tên của Joo Dan Tae được lấy cảm hứng từ nhà thơ Dante Alighieri?
Tài khoản Đặng Phương Thùy Linh đưa ra một giả thuyết cho rằng biên kịch đã đặt tên Joo Dan Tae theo nhà thơ người Ý Dante Alighieri. Chi tiết này thực ra đã được nhà đài SBS đề cập đến trong tập đặc biệt ở đầu phần 2.
Thi sĩ Dante Alighieri được coi là cha đẻ của ngôn ngữ Ý, đồng thời cũng là tác giả của thiên hùng ca La Divina Commedia hay được gọi với tên Thần Khúc mà mọi người ca tụng là tác phẩm vĩ đại nhất bằng tiếng Ý và là "Kinh Thánh của thời Trung cổ".
Dante mất mẹ từ sớm khi nhà thơ chỉ mới 7 tuổi. Năm 12 tuổi, Dante được hứa hôn với tiểu thư Gemma di Manetto Donati (được cho là Shim Soo Ryeon) thuộc gia tộc Donati quyền lực nhất thời bấy giờ. Nhưng trước đó, trái tim của nhà thơ tương lai đã phải lòng một cô bé khác tên là Beatrice (được cho là Na Ae Kyo) khi nàng mới 9 tuổi.
Sau đó Beatrice đi lấy chồng nhưng tình yêu của Dante đối với nàng vẫn không hề suy giảm. Ngược lại, tình yêu này là nguồn cảm hứng cho Dante viết ra hai kiệt tác La Vita Nuova (Cuộc Đời Mới) và La Divina Commedia (Thần Khúc).
Penthouse lấy cảm hứng từ tác phẩm Thần Khúc, Hera Palace tượng trưng cho Luyện ngục và Hỏa ngục?
Thần Khúc là một tác phẩm bằng thơ đồ sộ kể về cuộc du hành kỳ lạ của Dante qua địa ngục rồi trở về với ánh sáng màu nhiệm gồm ba phần: Hỏa ngục, Luyện ngục, Thiên đường. Dante dẫn người đọc đi hết các tầng ngục, chứng kiến hết những nỗi kinh hoàng của Địa ngục.
Theo Dante thì Hỏa ngục không phải là một địa điểm hay nơi chốn mà Hỏa ngục là một "trạng thái của lòng người". Người nào sống trong lầm lỗi sẽ rơi vào trạng thái đó. Ngay cả lầm lỗi của lòng thù hận – cả người trả thù và nạn nhân của sự trả thù đều bị đày xuống Hỏa ngục, và một khi nạn nhân còn căm thù kẻ đã hành hạ mình thì vẫn chưa thể thoát ra khỏi Hỏa ngục.
Dựa vào giả thuyết trên thì mô hình Hera Palace có thể đã được tạo ra với ý tưởng về những tầng ngục mà Dante đi qua. Như vậy, người nào ở vị trí càng cao trong tòa nhà thì càng có địa vị và tội ác càng nhiều.
Hỏa ngục, phần đầu tiên trong tác phẩm Thần Khúc, bắt đầu với tình tiết nhà thơ đang bị lạc trong một khu rừng và bị ba con quái vật tấn công. Ông được nhà thơ La Mã Virgil giải cứu, họ cùng nhau bắt đầu hành trình vượt qua Chín tầng Hỏa ngục.
Chín tầng Hỏa ngục theo thứ tự từ 1 đến 9 là Limbo (U Minh), Lust (Nhục Dục), Gluttony (Phàm Ăn), Greed (Tham Lam), Wrath (Thịnh Nộ), Heresy (Dị giáo), Violence (Bạo Lực), Fraud (Gian trá) và Traitor (Phản bội). Dante đi qua 9 tầng từ trên xuống dưới theo một hình phễu với các vòng tròn đồng tâm.
Trong đó, tầng đầu tiên là tội nhẹ nhất và tăng dần đến tầng cuối cùng. Tên phạm nhân mắc tội phản bội nghiêm trọng nhất bị nhốt ở tầng cuối cùng là Satan – kẻ phản Chúa.
Ở phần thứ hai của tác phẩm, Luyện ngục được miêu tả là một thế giới sau cái chết, nơi các linh hồn được thanh tẩy, rửa sạch tội lỗi. Luyện Ngục Sơn nằm giữa biển nước mênh mông, cũng bao gồm chín tầng (hai tầng Tiền Luyện ngục và bảy tầng Luyện ngục), là nơi mà các linh hồn mang những tư tưởng tội lỗi mà bị trừng phạt, nhưng nếu biết sám hối họ sẽ từng bước vượt qua Luyện ngục và lên Thiên đàng với Chúa.
Hai tầng Tiền Luyện ngục theo thứ tự là nơi của những kẻ tuyệt giao với nhà thờ và nơi phạt những vị vua lãnh đạm với vương quốc, những kẻ không sám hối, hoặc chỉ biết sám hối vào khoảnh khắc cuối cùng trước khi chết. Dante và Virgil tiếp tục tới bảy tầng chính của Luyện ngục, được đặt tên theo Thất Đại Tội. 7 tội lỗi này cũng từng được nhắc đến trong tập phim Thất hình đại tội của Mouse (Kẻ Săn Người).
Bảy tầng Luyện ngục theo thứ tự từ nhẹ đến nặng là Pride (Kiêu ngạo), Envy (Ghen tị), Wrath (Thịnh nộ), Sloth (Lười biếng), Avarice (Lòng tham), Gluttony (Phàm ăn) và Lust (Dục vọng).
Từ hai mô hình trên và kết cấu hình chóp của tòa nhà Hera Palace, suy luận rằng tòa nhà này "cùng chiều" với Luyện ngục và "ngược chiều" với Hỏa ngục trở nên khá hợp lý. Nếu vậy, điều đó cũng trùng khớp với ẩn ý "Người nào ở càng cao thì tội ác càng nhiều" mà biên kịch đặt ra.
Cùng với những "cú lội ngược dòng" thót tim vốn đã trở thành thương hiệu, có thể nói Penthouse là một tác phẩm được đầu tư vô cùng chỉn chu trong khâu hoàn thiện kịch bản dựa trên quá trình nghiên cứu tỉ mỉ của biên kịch Kim Soon Ok.
Tiếp tục đón xem Penthouse III phát sóng vào lúc 22g00 thứ sáu hằng tuần trên siêu ứng dụng giải trí VieON.
Nguồn: TH&PL