Từ việc "Đất rừng phương Nam" bị nói "sai lệch lịch sử", giới chuyên môn cho rằng các nhà làm phim cần hiểu rõ biên độ sáng tạo ở thể loại này.
Đất rừng phương Nam đã gây tranh cãi với các tình tiết bị cho sai lệch lịch sử khi nâng tầm vai trò của một số hội nhóm kháng Pháp đầu thế kỷ 20.
Ông Phi Tiến Sơn - đạo diễn Đào, phở và piano, nhận định với Vnexpress rằng có lẽ nhà sản xuất Đất rừng phương Nam đã chủ quan, chưa tìm hiểu kỹ mốc thời gian.
Nếu cẩn thận hơn, đoàn phim có thể sử dụng tên khác để gọi hội nhóm hư cấu, hoặc không cần nêu rõ tên. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá nếu việc đổi tên được thực hiện từ đầu, đã không có tranh cãi.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng với phim dòng phim này, khán giả thường chia thành hai hướng.
Với người coi trọng chất nghệ thuật, lịch sử chỉ được xem là cái cớ, sự kiện, là "cái đinh để móc chiếc áo nghệ thuật". Ngược lại, có những người đề cao tính chân thực, muốn nhà làm phim phải tôn trọng tối đa dữ kiện, bối cảnh.
"Cả hai quan điểm đều có lý lẽ riêng. Nhà làm phim tốt nhất nên kết hợp cả yếu tố nghệ thuật và lịch sử để tác phẩm hài hòa, chân thực", ông Sơn nói.
Theo các chuyên gia, trước khi thực hiện dự án điện ảnh liên quan yếu tố lịch sử, nhà làm phim cần trả lời được câu hỏi: Mục đích lựa chọn bối cảnh này để làm gì? Vì sao cần hư cấu? Liệu việc đó có ảnh hưởng đến ký ức tập thể về bối cảnh hay không?
Tiến sĩ lý luận văn học và biên kịch Đào Lê Na nhận xét ở Đất rừng phương Nam, khán giả thấy sự nổi bật của người Hoa trong vai trò dẫn dắt các phong trào yêu nước - điều này xung đột với ký ức và thông tin họ biết được về vùng Nam bộ giai đoạn đó.
"Nếu nhà làm phim muốn truyền tải tinh thần yêu nước của người Nam bộ từ tác phẩm văn học và phim truyền hình, thì phải đẩy mạnh những yếu tố có màu sắc này trong phim", bà Đào Lê Na nói.
Ngoài ra, người làm phim cần đặt cái tâm khi tìm hiểu, lựa chọn thông tin phù hợp trên cơ sở thông điệp muốn truyền tải. "Nếu đoàn phim nhận thấy đó là chi tiết dễ gây ra những cách hiểu khác về lịch sử thì nên tránh", Phi Tiến Sơn nêu quan điểm.
Biên kịch có thể tận dụng những chất liệu mà các sử gia không ghi chép, hoặc ghi lại dựa trên những ý kiến khác nhau, để sáng tạo chi tiết mới, theo đạo diễn Phi Tiến Sơn. Những tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra trong quá khứ, sự hư cấu xuất phát từ thực tế nhưng không cần chính xác tuyệt đối.
Tương tự, ông Bùi Hoài Sơn nhận xét nhiều góc khuất lịch sử có thể trở thành không gian để nhà làm phim sáng tạo.
Trong tác phẩm điện ảnh, mọi chi tiết thể hiện văn hóa, lịch sử đều cần được tham khảo ý kiến đội ngũ chuyên môn. Kể cả chi tiết như phục trang của nhân vật cũng sẽ thể hiện sự chăm chút và đầu tư.
"Nếu muốn bộ phim đậm chất Việt hơn, nhà làm phim có thể cải biên những yếu tố đó cho phù hợp với câu chuyện", theo bà Đào Lê Na.
Nguồn: TH&PL