Từ người tình trở thành bạn tình, liệu có đơn giản như thế?
Trở thành FWB (Friends With Benefits) với người yêu cũ là một vấn đề tương đối nhạy cảm, nhưng cũng rất thú vị. Không phải ai cũng có đủ khả năng quản lý cảm xúc và suy nghĩ của mình, cũng như đủ can đảm để trở thành "bạn tình" với người tình cũ. Việc biến đổi tính chất của mối quan hệ từ "tình yêu" trở thành "tình dục" rõ ràng là điều không hề đơn giản.
Chuyện tình dục sau đổ vỡ
Như đã biết, Friends With Benefits là tên của một mối quan hệ đơn thuần về xác thịt giữa hai người "bạn", đồng thời sẽ không có bất kỳ gắn kết đặc biệt nào về cảm xúc, trách nhiệm cũng như những cam kết về tương lai của mối quan hệ. Về cơ bản, mối quan hệ FWB hoàn toàn có cơ sở, dựa trên nhu cầu của nhiều người trẻ ở xã hội hiện tại, vốn dĩ đã phóng khoáng và cởi mở hơn ngày xưa. Tuy nhiên, khi đối tượng/partner của bạn là người yêu cũ, mọi chuyện bỗng trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Nếu nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, sau khi đổ vỡ và không thể cùng nhau xây dựng một mối quan hệ, việc trở thành FWB nếu cả hai còn hấp dẫn nhau về mặt thể xác là hoàn toàn hợp lý và khả thi. Tuy nhiên, việc biến "tình yêu" thành "tình dục" đơn thuần trong thực tế không dễ dàng như thế.
Theo đó, phần lớn các mối quan hệ đổ vỡ vì những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa cả hai. Vậy liệu bạn đã sẵn sàng để gạt bỏ trái tim và bước vào một guồng quay tình dục đơn thuần, với người bạn đã từng yêu thương hết mực? Cảm xúc, đó vẫn luôn là rào cản khó vượt qua nhất.
Sau đổ vỡ, trái tim và tinh thần chính là những thứ chịu nhiều tổn thương nhất. Dùng tình dục để tạm vượt qua những vết thương trong tâm hồn, đó là điều hoàn toàn hợp lý. Đó cũng là lý do khiến nhiều người chủ động tìm ONS sau khi kết thúc một mối quan hệ.
Dù vậy, sự hợp lý đó có thể được "củng cố" hơn khi đối phương là người đã quá hiểu bạn về tình dục, về fetish (sở thích tình dục) của bạn lúc chăn gối. Chuyện mây mưa sau đổ vỡ nghe chừng có vẻ dễ dàng, tuy nhiên, một trong những điều "tối kị" trong mối quan hệ FWB đó chính là có cảm xúc với partner của mình. Sự hoà hợp về thể xác có thể đem lại cảm giác thăng hoa, nhưng những cảm xúc còn sót lại có thể khiến vết thương tâm hồn bạn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ranh giới nào cho cả hai?
Trong thực tế, điều quan trọng nhất để trở thành bạn tình với người yêu cũ chính là việc quản lý cảm xúc và ranh giới trong mối quan hệ giữa hai người, vốn đã không còn như trước. Do đó, điều này cần được thoả thuận một cách rõ ràng giữa hai người, trước khi trở thành FWB của nhau.
Cả hai cần phải thống nhất được những ranh giới phù hợp giữa 2 người trong những lúc gần nhau. Những hành động thân mật quá mức, những cử chỉ mang tính gợi nhắc quá khứ sẽ rất dễ làm tổn thương đến cảm xúc và trải nghiệm của một trong hai người, tạo ra những nốt trầm cảm xúc không đáng có.
Ngoài ra, sự kiểm soát trong cuộc sống hàng ngày cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Trước đó, khi cả hai còn ở trong một mối quan hệ yêu đương, hoặc đã có thể sống cùng nhau, việc kiểm soát đối phương hoặc niềm tin trong mối quan hệ sẽ cho bạn cảm giác an toàn.
Còn đối với FWB, bạn hầu như không có quyền để kiểm soát đối phương và điều đó có thể làm cả hai không cảm thấy thoải mái. Việc chứng kiến người vẫn chung chăn gối nhưng lại không còn là người tình yêu của mình ắt hẳn là một cảm giác không hề dễ chịu.
Những ranh giới phù hợp cho cả hai chắc chắn sẽ là điều quan trọng nhất để có thể vận hành mối quan hệ này một cách trơn tru hơn cả. Việc trở thành FWB có thể khiến cảm xúc cũ nảy sinh mạnh mẽ hơn, thậm chí gắn kết sâu sắc hơn trước. Tất nhiên, việc này sẽ không hề tốt cho một mối quan hệ chỉ còn thuộc về quá khứ.
Tiếp xúc thân mật với người cũ lâu ngày sẽ tiếp tục thói quen của bạn, khiến bạn vẫn giữ cảm giác như đang ở trong mối quan hệ của cả hai lúc chưa đổ vỡ. Vậy nên, không chỉ đặt ranh giới rõ ràng giữa hai người, bản thân mỗi người cũng phải đặt cho mình những giới hạn, nhằm tránh những trường hợp cảm xúc đi quá tầm kiểm soát.
Đừng để tổn thương chồng tổn thương
Như đã đề cập, việc kết thúc một mối quan hệ thường để lại ít nhiều tổn thương cho cả hai phía. Do đó, nếu việc "lao vào nhau" sau chia tay không quá quan trọng, cả hai có lẽ nên kiềm chế nhu cầu của bản thân mình.
Theo đó, khi tiếp xúc với nhau về thể xác, đặc biệt là đối với những cặp đôi đã có sự gắn kết cao về tình dục, sẽ dễ gợi lại những cảm xúc và kỷ niệm, khiến họ tạm "quên" những đổ vỡ và sa đà vào suy nghĩ quay trở lại với những gì quen thuộc và gắn bó với họ trong quá khứ. Để rồi sau đó, vết thương chồng chất vết thương khi quay trở lại với thực tại rằng mọi thứ đã không còn như ngày xưa.
Do đó, điều này trở nên mâu thuẫn với mục đích bạn tìm đến FWB, nhằm giải quyết những nhu cầu về tình dục, từ đó giảm áp lực hay căng thẳng trong những vấn đề khác. Mặc dù trên lý thuyết, việc nằm cạnh một người đã quá quen thuộc sẽ khiến trải nghiệm và cảm giác tốt hơn, nhưng cảm xúc của một trong hai, hoặc cả hai, sẽ nhận nhiều hơn những tổn thương khi cuộc vui kết thúc.
Vì vậy, việc cân nhắc kỹ lưỡng những ưu và nhược, giới hạn và khả năng rạch ròi giữa cảm xúc và nhu cầu của bạn sẽ giúp bạn có quyết định tốt hơn trong việc lựa chọn partner của mình. Quan trọng hơn, không lấy tình dục làm một công cụ để níu kéo một mối quan hệ, vì thứ bạn nhận lại có thể sẽ chỉ là những vết thương to hơn, sâu hơn và đau hơn mà thôi.
FWB với người yêu cũ là điều khả thi và hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc này sẽ dễ đặt cả hai vào những tình huống, cảm xúc phức tạp và nhạy cảm, dễ tổn thương cảm xúc của mỗi người. Do đó, cần phải cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng, đồng thời phải có những thỏa thuận và thống nhất rõ ràng, trước khi chọn người yêu cũ làm partner của mình. Nếu mối quan hệ này chỉ gây thêm tổn thương cho bản thân, tốt nhất chúng ta đừng nên khởi động nó.
Nguồn: TH&PL