Nghiên cứu cho thấy kinh nguyệt của phụ nữ có thể đến muộn sau khi tiêm vaccine Covid-19.
Một nghiên cứu được công bố ngày 6/1, với sự tham gia của gần 4.000 phụ nữ theo dõi sát sao kỳ kinh nguyệt của mình (bao gồm khoảng 2.400 người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 và khoảng 1.550 người không được tiêm, tất cả đều là cư dân Hoa Kỳ từ 18 đến 45 tuổi đã cung cấp thông tin kinh nguyệt ít nhất trong 6 tháng gần đây nhất) cho thấy những người được tiêm chủng có chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm vaccine dài hơn một chút so với những người chưa được tiêm vaccine.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các cá nhân được tiêm chủng có độ dài chu kỳ trung bình tăng 0,64 ngày sau khi tiêm vaccine mũi 1 và ở mức 0,79 ngày đối với những người được chủng ngừa mũi 2 khi so sánh với những người không được chủng ngừa.
Mối quan hệ giữa vắc xin Covid-19 và chu kỳ kinh nguyệt
Một số cho biết kỳ kinh của họ bị trễ, một số khác thì có dung lượng kinh nguyệt nhiều hơn hoặc có triệu chứng đau bụng kinh nặng hơn. Một số phụ nữ sau mãn kinh không có kinh trong nhiều năm thậm chí còn cho biết rằng họ đã có kinh trở lại. Sự chậm kinh diễn ra rõ rệt hơn ở những phụ nữ được tiêm cả hai liều vaccine trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, tình trạng kinh nguyệt của họ đến muộn hơn do ảnh hưởng sau tiêm vaccine sẽ không kéo dài, độ dài chu kỳ sẽ trở lại bình thường trong vòng 1 đến 2 tháng. Tiến sĩ Hugh Taylor, chủ nhiệm khoa sản, phụ khoa và khoa học sinh sản tại Trường Yale cho biết: "Một hoặc hai chu kỳ mà kinh nguyệt bị gián đoạn có thể gây khó chịu, nhưng nó sẽ không có hại về mặt y tế".
Giáo sư Alison Edelman tại khoa sản phụ Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon ở Portland, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu nói với MNT: "Nghiên cứu bổ sung là cần thiết để xác định mối liên hệ ảnh hưởng giữa vaccine Covid-19 và những thay đổi đối với độ dài chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, dựa trên nghiên cứu trước đây và các xác nhận mối liên hệ sinh học giữa hệ thống miễn dịch và hệ thống sinh sản, chúng tôi có thể đưa ra giả thuyết rằng rối loạn kinh nguyệt liên quan đến vaccine có thể liên quan đến phản ứng miễn dịch cấp tính của cơ thể đối với vaccine".
Theo lời giáo sư Alison Edelman thì vaccine Covid-19 hiện có hiệu quả trong việc kích hoạt hệ thống miễn dịch. Phản ứng miễn dịch này tạo ra sự gia tăng tạm thời các protein nhỏ được gọi là cytokine có thể tác động trong thời gian ngắn tới khả năng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của một người, có khả năng dẫn đến những thay đổi tạm thời đối với độ dài của chu kỳ.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng vaccine không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Phó giáo sư, Tiến sĩ Taraneh Shirazian tại khoa sản và phụ khoa tại NYU Langone Health cho biết: "Theo các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số gián đoạn nhẹ trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ gặp phải đối với một số phụ nữ sau khi tiêm vaccine Covid-19. Đây là một thay đổi ngắn trong chu kỳ kinh nguyệt và không dẫn đến bất kỳ thay đổi lâu dài hoặc gián đoạn nào về khả năng sinh sản".
Ngay cả những người có chu kỳ đều đặn cũng có thể có những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của họ theo thời gian, đặc biệt là theo tuổi tác và những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày. Theo một nghiên cứu trích dẫn từ Liên đoàn Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế thì độ dài chu kỳ vẫn là bình thường nếu chậm kinh đến 8 ngày. Sau 6 tuần mà không xuất hiện máu kinh thì có thể coi bị trễ kinh. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng không có người tham gia nào bị mất kinh, tắt kinh.
Trên thực tế, Covid-19 có thể sẽ làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn so với vaccine chủng ngừa: "Vaccine là cách tốt nhất để tránh nhập viện và tử vong do Covid-19 và vaccine sẽ không làm gián đoạn khả năng sinh sản của bạn" - PGS.TS. Shirazian nói.
Nguồn: TH&PL