Sự giống nhau ngày càng nhiều của các nhóm nhạc mới ra mắt trong thời gian gần đây khiến Kpop mất đi tính đa dạng.
VTV đưa tin, ngành công nghiệp Kpop đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: hướng tới sự sáng tạo, trau dồi khả năng hát live và giảm bớt sự phụ thuộc vào cộng đồng người hâm mộ. Đây là những yếu tố cơ bản để tạo nên sự độc đáo, tính nghệ thuật cũng như sự minh bạch trong ngành.
Khi các nhóm nhạc thần tượng xuất hiện càng nhiều thì sự giống nhau càng trở nên rõ ràng hơn. Điều này hoàn toàn đi ngược với công thức thành công toàn cầu của BTS và BLACPINK là nhắm tới sự đa dạng về văn hóa và sản phẩm âm nhạc.
Mặc dù việc phát hành Magnetic ban đầu được xem là để bày tỏ sự ngưỡng mộ với New Jeans, nhưng Giám đốc điều hành ADOR không đồng ý với cách làm này.
Cô cho rằng, Chủ tịch HYBE Bang Si Hyuk, đang sao chép những thành tựu của New Jeans qua vũ đạo và trang phục. Theo Min Hee Jin, khi các công thức sản xuất trở nên rập khuôn chỉ có thể tạo ra một loại hàng hóa đơn thuần, dẫn đến sự cạnh tranh mang tính hủy diệt trong cùng một công ty.
Cuộc xung đột tại HYBE về các cáo buộc sao chép đã cho thấy nhận thức ngày càng tăng của các nhà sản xuất về các vấn đề mang tính hệ thống và khủng hoảng trong ngảnh. Các chuyên gia tin rằng, khi các công ty Kpop ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường chứng khoán thì việc tạo được bản sắc riêng sẽ càng mang lại lợi nhuận cao.
Khi các nhóm nhạc thần tượng ngày càng trở nên khó phân biệt thì người hâm mộ lại càng mong chờ những giọng ca đích thực. Mới đây nhất, màn trình diễn của Le Sserafim tại Lễ hội Âm nhạc Coachella, Hoa Kỳ, vào ngày 13/4 đã khiến người hâm mộ "choáng váng" vì khả năng hát live tệ hại.
"Khi việc phân biệt phong cách cá nhân trong âm nhạc trong âm nhạc ngày càng trở nên khó khăn, các cộng đồng fan hâm mộ Kpop phải tìm cách khẳng định bản sắc của một nhóm nhạc thần tượng thông qua khả năng thanh nhạc" - nhà phê bình văn hóa Sung Min Seong nhận định.
Tuy nhiên, thay vì tập trung trau dồi kỹ năng cho "gà cưng", các công ty Kpop hiện nay lại lợi dụng tối đa cộng đồng fan hâm mộ để kiếm tiền. Việc tăng cường các hoạt động kinh doanh trên Weverse của HYBE và Bubble của SM, các nền tảng giao tiếp có tính phí giữa người hâm mộ và nghệ sĩ, là một ví dụ điển hình.
Việc giao tiếp dựa trên tình cảm thay vì tài năng đã khiến người hâm mộ tự cho mình quyền can thiệp vào đời tư của các thần tượng. Thành viên Karina của aespa sau khi thừa nhận mối quan hệ với nam diễn viên Lee Jae Wook đã phải đăng tải một bức thư xin lỗi viết tay lên mạng xã hội. Một người trưởng thành không có ràng buộc hôn nhân phải công khai xin lỗi vì chuyện yêu đương là minh chứng cho những áp lực mà người hâm mộ tạo ra với các thần tượng.
Nguồn: TH&PL