Kịch bản "Thor" ơi, mình đi đâu thế?

"Thor: Love and Thunder" dõi theo hành trình tự chữa lành của Thần Sấm, sau những mất mát của anh hồi "Avengers: Endgame".

Thor: Love and Thunder là phần bốn trong loạt phim riêng về siêu anh hùng Thor, cũng là phim điện ảnh thứ 29 trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel.

kich ban thor oi minh di dau the - anh 0

Trong lúc đang chu du ngoài vũ trụ, Thor (Chris Hemsworth) buộc phải trở về Trái Đất, khi một thực thể mang quyền năng tiêu diệt thần thánh - Gorr the God Butcher (Christian Bale) xuất hiện, đe dọa sự tồn vong của Tân Asgard và cả vũ trụ. Một bất ngờ chờ đón chàng Thor, khi bạn gái cũ anh - Jane Foster (Natalie Portman) - giờ đã sở hữu sức mạnh của búa Mjölnir và trở thành Mighty Thor.

Hành trình cuối của một vị thần là trở về với nhân tính

Sau trận đại chiến với Thanos, mỗi anh hùng đều phải đối mặt và tìm cách vượt qua nỗi khủng hoảng hiện sinh theo cách riêng. Đây là thông điệp lớn được Marvel khéo léo cài cắm trong Giai đoạn 4, khi khán giả có dịp chứng kiến Spider-Man "xa nhà" để vượt qua cái bóng quá lớn của chú Tony Stark, Doctor Strange quyền lực vô song nhưng phải bỏ chấp niệm "yêu em ở mọi vũ trụ", hay Scarlet Witch trở nên sa ngã trên hành trình tìm kiếm mái ấm gia đình. 

kich ban thor oi minh di dau the - anh 0

Thor cũng không ngoại lệ. Chính xác hơn, anh là người hùng bi kịch nhất khi mất dân tộc, mất gia đình, quê nhà hay danh hiệu Thần Sấm liên tục bị kẻ xấu xâm hại. Thay vì chọn cách phá đa vũ trụ như "ai kia", Thần Sấm gia nhập Đội Vệ binh Giải Ngân hà, làm quen với thiền định, dùng tiếng cười hào sảng đặc trưng để xoa dịu nỗi buồn. 

Thor vì thế mà trở nên vĩ đại, từ những điều giản đơn nhất. Hành trình của một vị anh hùng thường kết thúc khi anh ta được phong thần, song hành trình của một vị thần như Thor lại bắt đầu khi anh tiến gần hơn với nhân tính. Từ vị Chúa tể Sấm sét quyền uy, vạn năm chìm đắm trong những chiến công, chàng Thor nay đã học được cách vượt qua nỗi đau, cách bảo vệ kẻ yếu bằng tình yêu thương chứ không phải nắm đấm. 

Điều này cũng giải thích cho việc Gorr cùng thanh kiếm Necrosword dễ dàng lấy đầu các thần, nhưng lại gặp khó khăn khi đối mặt với hoàng tử Asgard. Thần thánh trong phim của đạo diễn Taika Waititi được xây dựng đầy trào phúng - nếu không lạm quyền, thì cũng vô dụng. Thor tiến gần đến nhân loại hơn vì anh từng gặm nhắm nỗi mất mát và khao khát tình yêu, vì thế anh trở thành phản đề hoàn hảo với Gorr. 

Hành trình của những vị thần song tính và sự ủng hộ của Disney dành cho cộng đồng LGBTQ+

Ngay từ Doctor Strange in the Multiverse of Madness, Disney không ngại hướng sự đồng cảm vào cộng đồng đang chịu nhiều tổn thương.

Trong Thor 4, đến các vị thần và người ngoài hành tinh cũng song tính. Valkyrie (Tessa Thompson) hay người đá Korg (Taika Waititi lồng tiếng) đều có cách "come out" sáng tạo và giàu cảm xúc. Dù chỉ ở tuyến thứ chính, song câu chuyện riêng của họ đủ thú vị để khán giả mong chờ những phần phim riêng về các nhân vật này. 

kich ban thor oi minh di dau the - anh 0

Taika Waititi chủ trương dùng thoại hài hước, các biểu cảm tếu táo để truyền tải những thông điệp quan trọng về giới. Khi nhân vật bày tỏ tình yêu đồng giới của mình, đó là những lời lẽ rất tự nhiên từ trái tim - đúng với thông điệp "Love" của phim - và hoàn toàn không có sự lê thê, giáo điều.

Tình yêu trong phim được khắc họa trẻ trung, sinh động, được điểm tô bởi các trường đoạn chiến đấu đậm chất sử thi cùng tông màu bắt mắt. 

Không ngạc nhiên nếu khán giả xem Thor 4 và thấy phim khá "lạc trôi" với mạch truyện chính của Vũ trụ Marvel. Nếu để ý, trong khi các anh hùng khác thường đối mặt với kẻ thù có tầm ảnh hưởng chung đến cả Vũ trụ Marvel, thì đối thủ của Thor luôn mang "giá trị riêng tư" với Thần Sấm. Đây cũng là lý do phần Thor: The Dark World bị đánh giá tệ, vì sở hữu kịch bản quá đen tối.

kich ban thor oi minh di dau the - anh 0

Chỉ đến Taika Waititi, Thor: Ragnarok và sau đó là Love and Thunder mới có dịp mang màu sắc tươi trẻ hơn, nhiều câu pha trò hơn. Công bằng mà nói, mảng miếng pha trò trong phần bốn dày đặc, các nhân vật cứ 5 phút lại "bắn joke", bất kể tình thế hay tình hình trận địa. Vì thế, hai phần Thor của Waititi cũng mang màu sắc lạ so với các phim siêu anh hùng chuẩn mực khác.

Khó có thể gọi đây là chi tiết đáng khen hay đáng chê, bởi Thor là kiểu nhân vật nếu nghiêm túc quá thì chán, mà hài quá thì đâm ra "lố". Có thể xem yếu tố hài là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của phim là vì thế. Nhìn chung, Thor: Love and Thunder vẫn là một phim Marvel đúng chuẩn, khi pha trộn đủ yếu tố hài hước và giá trị nhân văn. 

Marvel gọi tên phim hay nhất Phase 4 - “Thor: Love And Thunder”

Doctor Strange 2: Đủ gây cấn, thừa giải trí nhưng bị chỉ ra vô số lỗi?

Không có phép thuật Marvel nào ở đây cả nhưng ngọn nến Mỹ Tâm thổi thực sự không thể tắt

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ