"Dân Chơi Không Sợ Con Rơi" - Tiến Luật đóng chính, Thu Trang sản xuất - ăn điểm nhờ tương tác đáng yêu giữa nam chính và bé Bảo Thi. Song, kịch bản phim hơi loạn, nhiều nhân vật xuất hiện chỉ làm nền.
Đây là lần đầu Tiến Luật đóng vai chính một phim điện ảnh, chưa kể còn là sản phẩm của bà xã Thu Trang. Nam diễn viên từng trả lời báo chí ban đầu anh từ chối dù vợ đích thân mời, với lý do không hợp hình tượng. Tiến Luật còn đùa rằng anh chỉ nhận vai, sau khi Thu Trang hứa mua cho mình chiếc motor, còn tiền đóng phim thì "phờ - ri" cũng được!
Trên thực tế, đây cũng là lý do khiến chất lượng phim là dấu hỏi lớn trước ngày ra mắt. Khán giả quá quen Tiến Luật với các vai diễn "hậu phương" cho Chị Mười Ba, chưa kể tạo hình dân chơi của anh khá "miệt vườn", với mái tóc dài không hợp khuôn mặt.
Vậy, Tiến Luật khi không đứng chung khung hình với Thu Trang thì sẽ như thế nào?
Bài học đắt giá nhất cho gã dân chơi là... có con gái
Trong phim, Quân (Tiến Luật) là tay sát gái có hạng, dùng lời đường mật để "giao lưu tình cảm" với nhiều cô nàng nhẹ dạ. Trong quá khứ, tuổi thơ của Quân gắn liền với nhiều nỗi sợ, và anh chỉ tìm thấy sự dũng cảm khi... ở gần phụ nữ. Tai bay vạ gió, Quân bị tình cũ Linh (Vân Trang) "bàn giao" bé Thỏ (Bảo Thi) rồi bỏ chạy. Ban đầu, anh cùng bạn nhậu Tám Mánh (Huỳnh Phương) tìm cách vượt biên giới để trả con, nhưng bất thành. Dần dà, gã dân chơi mến tay mến chân và quyết định nuôi đứa nhỏ.
Bẵng đi 8 năm, Thỏ lúc này đã lớn và rất khắng khít với cha. Quân làm đủ nghề, cốt dành dụm đủ tiền mua nhà mới cho hai cha con. Oái oăm bắt đầu ập đến khi Linh trở về đòi lại bé Thỏ.
Chi tiết Quân trút bỏ lớp vỏ bọc dân chơi để vào vai người cha gương mẫu dễ khiến khán giả liên tưởng đến cái kết của những gã trăng hoa trên màn ảnh, mà cụ thể là Barney Stinson trong loạt phim How I Met Your Mother. Cả Quân và Barney đều tìm cách qua đêm với những cô gái nhẹ dạ, vì họ mất niềm tin vào tình yêu qua những tổn thương quá khứ. Ở hồi kết của How I Met Your Mother, khán giả rưng rưng nước mắt khi Barney cảnh trước còn có ý chối bỏ trách nhiệm, cảnh sau nhìn thấy sự đáng yêu của hình hài máu mủ mà tự nguyện ôm bé vào lòng.
Với thời lượng phim điện ảnh, Dân Chơi Không Sợ Con Rơi khó thuyết phục khán giả về bản ngã dân chơi của Quân. Hành trình tán gái của nam chính chỉ được diễn giải bằng một chuỗi tiểu phân đoạn (montage), khi Quân dùng một câu "thả thính" học trên mạng để quyến rũ cả 4-5 cô. Gương mặt Tiến Luật, cùng bộ tóc giả hơi "thật trân", không phù hợp, không thuyết phục được người xem đây là kẻ mỗi đêm ăn nằm với một cô.
Tiến Luật chỉ từ sau dòng chữ "8 năm sau" mới có thể gọi là tròn vai. Anh trở về với chiếc đầu hói thương hiệu, cùng những cử chỉ lành tính, hơi bốc đồng, giống anh ngoài đời. Cả đạo diễn Huỳnh Đông và ông xã Thu Trang đều có con ngoài đời, nên các chất liệu tình cảm giữa Quân và bé Thỏ được cài cắm hợp lý. Hai cha con trên màn ảnh thể hiện được những khoảnh khắc ngọt ngào, xen lẫn là các giận hờn không tránh khỏi, khi bé Thỏ biết được quá khứ thực sự của mẹ Linh.
Trước khi nhân vật của Vân Trang xuất hiện, phim tập trung vào những lát cắt ngọt ngào, xen lẫn cay đắng, trong hành trình làm cha và trưởng thành của Quân. Sao nhí Bảo Thi trong vai bé Thỏ 8 tuổi diễn ăn ý, hai chú cháu có nhiều phân đoạn tung hứng vừa vặn, nhả thoại đối đáp ăn ý, dù đôi lúc thoại phim còn bị lặp, giống truyền hình hơn điện ảnh.
Dàn sao xịn nhưng nhạt nhòa
Nếu nói chỉ Tiến Luật và Bảo Thi là vai chính, còn lại chỉ có vai... cameo (khách mời) thì cũng không sai. Nhà sản xuất Thu Trang mời nhiều "người quen" xuất hiện trong phim mình, với dàn diễn viên gồm những cái tên thân thuộc với màn ảnh Việt như Khương Ngọc, Ngô Kiến Huy, Lê Khánh, Lâm Vỹ Dạ,...
Tuy nhiên, ngoài Huỳnh Phương còn có chút đất diễn do xuất hiện cùng Tiến Luật trong nhiều phân đoạn, còn các tuyến vai khác khá mơ hồ về động cơ và nhạt nhòa về cá tính. Gần hết diễn viên nữ vào vai "tình hờ" của Quân, đến và đi chớp nhoáng.
Vân Trang, Lê Khánh có sự chuyên nghiệp và tạo điểm nhấn trước mái quay, song các vai đều dưới tầm họ. Ngô Kiến Huy đậm tính trào phúng, tuy nhiên vai của anh không phục vụ mạch truyện chính mà chủ yếu tấu hài.
Khó hiểu hơn cả là Khương Ngọc, khi nam diễn viên vào một vai tưởng là phản diện, nhưng thực chất... chẳng làm gì. Biểu cảm nguy hiểm, đôi mắt có phần biến thái của nhân vật Phát - Khương Ngọc đóng - không thực sự cần thiết cho mạch truyện, dù công bằng mà nói tài tử tạo được điểm nhấn trong cảnh xuất hiện đầu tiên. Cùng với Khương Ngọc, nhiều diễn viên có vai trò gây khó hiểu trong phim, dễ khiến khán giả nghĩ có khi nào nhà sản xuất Thu Trang đang bị tổ dựng, cắt cảnh phim ... hờn dỗi hay không?
Kịch bản không tệ, nhưng...
So với những nghi ngại ban đầu của khán giả, Dân Chơi Không Sợ Con Rơi là phim hài - tình cảm gia đình có nội dung ở mức dễ xem, các diễn biến được xâu chuỗi ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, câu chuyện trong phim còn nhỏ hẹp, kịch bản chưa có độ dày nhất định.
Ở 1/3 còn lại, tác phẩm chuyển hướng thiên về cảm xúc hơn hài hước, với cái kết bất ngờ không được cài cắm từ trước. Cái kết cho mối quan hệ cha - con của Quân - bé Thỏ dễ "cướp" nước mắt của người xem, nhưng đó là nhờ diễn xuất của bộ đôi. Còn về phía kịch bản, khán giả có quyền mong đợi một hồi kết được cài cắm lớp lang, thỏa đáng hơn.
Ngoài ra, phim gây tiếc nuối khi chọn bối cảnh An Giang - nơi giáp biên giới Việt Nam và Cambodia - nhưng chưa làm nổi bật nét đặc trưng văn hóa khu vực này. Các cảnh quay chủ yếu là cảnh nội, với cảnh ngoại như hồ Tà Pạ, chợ Châu Đốc,... chỉ thoáng qua. Còn nhớ trong Lật Mặt: 48H của Lý Hải, dù thực hiện phim hành động nghẹt thở, song nhà làm phim vẫn tìm được cách đan cài các văn hóa lễ hội, ăn uống, sinh hoạt của người bản địa - mang đến bức tranh đa màu sắc cho tác phẩm.
Nguồn: TH&PL