Trong khi các "bom tấn" lần lượt thành công ở nhiều quốc gia nhưng giờ lại đứng trước nguy cơ "vỡ mộng" doanh thu tại thị trường Việt Nam.
Năm 2020 và 2021 là giai đoạn tuy ngắn nhưng chứng kiến sự thay đổi chóng mặt chưa từng có trong lịch sử điện ảnh. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hàng loạt các quốc gia đã buộc phải đóng cửa rạp chiếu phim khiến doanh thu và kế hoạch ra mắt bị hoãn lại trong thời gian dài. Nhiều "bom tấn" vốn được khán giả mong chờ cũng phải "đắp chiếu" dù đã cận ngày lên kệ, nhất là dòng phim do Marvel Studios hay Sony sản xuất.
"Khủng hoảng" với lịch ra mắt các ''bom tấn'' trên thế giới
Cho đến giai đoạn hiện tại, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ở một số quốc gia đã tạo điều kiện để các rạp phim mở cửa hoạt động. Khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu là những quốc gia mở lại khá sớm, giúp những bom tấn vốn ngủ yên đã lâu được dịp càn quét phòng vé. Mở đầu phong trào khuấy đảo phòng vé phải kể để Fast & Furious 9, Black Widow, Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings, Dune, Venom 2...liên tiếp xô đổ kỷ lục của nhau, dù thị trường chưa được thông thoáng hết mức.
Dẫu là một tín hiệu lạc quan cho các nhà làm phim và là "liều thuốc tinh thần" đối với khán giả, nhưng việc khác biệt thời điểm "lên kệ" dường như đang trở thành mối nguy hiểm thầm lặng hơn bao giờ hết. Cụ thể, vì tình hình mở cửa rạp phim khác nhau giữa các quốc gia dẫn đến lịch công chiếu phim mỗi nơi mỗi khác. Cũng vì thế mà nhiều bom tấn đã bị tiết lộ nội dung hay các tình tiết trên nhiều trang mạng khác nhau, khiến trải nghiệm người xem giảm sút.
Đơn cử là thời điểm ra mắt Black Widow đã phải dời lịch đến 5 lần từ 5/2020 sang đến tháng 7/2021, hay Shang-Chi cũng "nối gót" đến tận tháng 9/2021 mới được công chiếu. Dù phim đã được chiếu trên nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam đây vẫn còn là ao ước của phần đông khán giả, bởi hiện các rạp vẫn chưa được mở cửa. Sắp tới đây, Eternals và Spider-Man: No Way Home cũng đã được ấn định lịch nhưng cơ hội để khán giả Việt thưởng thức tại rạp vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Spoil là thử thách khắc nghiệt nhất cho mỗi tác phẩm điện ảnh
Xuất phát từ sự khác nhau vào thời điểm công chiếu phim ở các quốc gia đã khiến vấn nạn spoil phim trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Cụ thể, spoil ở đây chính là việc người xem tiết lộ nội dung hoặc các tình tiết quan trọng làm giảm sự hứng thú, yêu thích của khán giả về bộ phim đó. Trong khi "review" lại chỉ hành động mà người xem thể hiện quan điểm, cảm nhận chủ quan của mình về bộ phim mà không tiết lộ những tình tiết quan trọng có trong tác phẩm đó.
Trên thực tế đây là hai khái niệm nghe qua có vẻ khác biệt nhưng không phải lúc nào khán giả cũng phân biệt được, vì ranh giới giữa chúng rất mong manh. Đôi khi trong lúc review, người xem có thể vô tình tiết lộ chi tiết quan trọng nào đấy để làm tăng sức hấp dẫn, hay dẫn chứng cho đánh giá của mình mà không nhận ra. Qua đó, một người được nghe kể lại có thể truyền lại cho người khác và nhìn ở quy mô lớn như thị trường khán giả tại Việt Nam thì ảnh hưởng của nó là không hề nhỏ.
Nguyễn Hữu Phước - khán giả yêu thích các bộ phim kinh dị và khoa học viễn tưởng thẳng thắn bày tỏ: "Thật ra mình thấy việc tiết lộ nội dung phim trước cũng phổ biến nhiều ở Việt Nam do mọi người cũng còn vô tư. Mình cũng gặp tình trạng này ở trên lớp khi đang muốn đi coi phim đó thì mấy đứa bạn đã xem lại tụ tập bàn tán nội dung, dù không muốn nhưng cũng phải nghe nên vô tình làm giảm sự hào hứng của mình khi đến xem. Tóm lại chuyện này nó phụ thuộc vào ý thức của người đã xem mà thôi".
Thực trạng trên vốn đã không còn xa lạ gì mỗi khi bất kỳ bộ phim bom tấn nào ra đời, bởi tâm lý số đông đều không muốn mình là người bị bỏ lỡ bất kỳ điều quan trọng nào. Chính vì thế, những bài "spoil" phim hay "review" phim nhưng thực chất là kể lại tình tiết phim đã trở thành một thách thức lớn cho các tác phẩm điện ảnh. Phải làm sao để khán giả vẫn đến rạp thưởng thức bất chấp nội dung đã bị "spoil" trên mạng trở thành câu hỏi mà các nhà làm phim luôn tìm kiếm lời giải.
Hạnh phúc không chỉ là đích đến mà còn là hành trình bởi giá trị mỗi bộ phim không nằm lại chỉ ở chi tiết hay tình huống bí ẩn và bất ngờ. Bởi nếu phim hay và có chiều sâu về nội dung thì dẫu bị spoil, khán giả vẫn tìm đến xem tại rạp. Ngoài ra, mỗi bộ phim nhất là bom tấn đều được đầu tư kỹ lưỡng về âm thanh, hình ảnh, tạo hình nhân vật và thông điệp qua từng phân cảnh. Vì thế, thưởng thức điện ảnh là cách mỗi khán giả được hoá thân vào từng nhân vật để cảm nhận và tự rút ra đánh giá, trải nghiệm cho riêng mình.
Liên quan đến vấn đề này, Trần Ngọc Minh Đức - Sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông cũng bày tỏ quan điểm rằng: "Mình là fan cuồng của các dòng phim hành động và khoa học viễn tưởng, cá nhân mình thấy các bộ phim này đọc spoil thì không thể thoả mãn được, bởi thể loại phim không chỉ có nội dung mà còn là âm thanh, kỹ xảo, sự thể hiện của các nhân vật. Nên dù mình đã biết phần nào nội dung từ các bài spoil thì vẫn sẽ ra rạp xem thôi, mình đi xem phim chứ mình đâu đi đọc kịch bản phim".
Cụ thể hơn về nhận định trên thì bạn Hải Dương cũng có chia sẻ rõ qua các bom tấn Marvel: "Thật ra mình nghĩ Marvel đã vượt qua được thử thách về spoil phim rồi, vì khán giả yêu thích phim này dù đọc spoil như thế nào thì phần đông vẫn lựa chọn ra rạp.
Nguyên nhân do nội dung chính của các bộ phim thường không quá phức tạp và dễ đoán, nên yếu tố khiến mình ra rạp nằm ở sự thể hiện của các nhân vật, cũng như là dịp để tụ tập với bạn bè. Ngoài ra, Easter Eggs cũng là điều tạo nên sức hút và dấu ấn riêng cho thể loại phim Marvel khiến dù có đọc được trước cũng không thể thoả mãn bằng ra đến rạp xem".
Black Widow hay Shang-Chi là 2 "minh chứng sống" rõ ràng nhất cho việc spoil phim vừa là rào cản cũng vừa là động lực để các nhà làm phim bứt phá. Được biết Shang-Chi ra mắt vào ngày 3/11 tại Mỹ, sau khi công chiếu cũng đã có loạt bài phân tích và tiết lộ nhiều chi tiết, câu hỏi trước đó trên các trang mạng. Thế nhưng điều này vẫn không làm giảm đi sức nóng của bom tấn khi thu về hơn 71 triệu USD tại Bắc Mỹ sau tuần đầu công chiếu.
FOMO: Khán giả sợ bỏ lỡ phim, phim sợ bỏ lỡ thời điểm?
Tâm lý "sợ quê" khi mọi người cùng nói về chủ đề mà mình không biết dường như là nguyên nhân khiến spoil phim trở nên thịnh hành, gây ảnh hưởng lớn cho các nhà sản xuất phim. Đặc biệt trong thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến khoản thời gian dài khán giả không được ra rạp lại càng làm tính tò mò trở nên lớn hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với , NSX Hoàng Quân cũng chia sẻ rằng những khán giả trẻ hiện nay gặp phải hội chứng FOMO (fear of missing out - sợ bị bỏ lỡ) khá nhiều. Các bạn không muốn mình bỏ lỡ những thông tin mới về một bộ phim đang "hot", nên có thể phim chiếu trễ sẽ không còn "sốt dẻo" nữa.
Đây được xem là tính thời điểm của một bom tấn, vì khi gắn mác như thế có nghĩa trong mắt khán giả họ sẽ cho rằng đây là một bộ phim rất hay và phải xem cho bằng được. Tâm lý ấy vấp phải giãn cách xã hội khiến họ không thể ra rạp được, lúc đấy con người ta sẽ bất giác tìm đến các bài viết spoil nội dung.
Câu trả lời có lẽ đến từ cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người, nhưng bạn Đặng Nguyễn Kiều Vy - sinh viên ngành Giáo Dục bày tỏ: "Mình không phải là người hiểu biết sâu rộng về các bộ phim, chỉ đơn giản là thấy cái nào hay thì mình đi coi hoặc bạn bè rủ theo chẳng hạn.
Nhưng đứng từ góc độ của mình thì đúng là việc phim chiếu chậm như vậy cũng làm người xem tụt cảm xúc, tại lúc đó thì trên mạng cũng có nhiều bài viết phân tích, đánh giá hoặc bình luận bàn tán về nội dung hết rồi. Nếu chỉ là khán giả bình thường thì mình nghĩ ra rạp không phải là lựa chọn được đặt lên hàng đầu".
Hiện ở Việt Nam thì đối tượng trong "tầm ngắm" chính là anh hùng Châu Á Shang-Chi. Câu hỏi đặt ra là liệu Shang-Chi có còn giữ nguyên được sức "nóng" của mình khi ra rạp tại Việt Nam không khi đã được chiếu sớm ở những quốc gia khác. Không chỉ các bài spoil nội dung mà nhiều trang web đã xuất hiện bản phim lậu, bản quay lén tại rạp luôn hiện top đầu mỗi khi tìm kiếm. Vậy khán giả đặc biệt là người trẻ, những fan Marvel chân chính có kìm lòng được trước cám dỗ hấp dẫn này hay không?
Dù nhận định với Marvel thì việc biết trước tình tiết phim cũng không có ảnh hưởng lớn, nhưng với bối cảnh đại dịch covid-19 như hiện nay thì Hải Dương băn khoăn: "Nếu trước đó có thể spoil không ảnh hưởng nhiều, nhưng ở tình hình dịch bệnh hiện tại thì đây là điều khó nói trước nhất là ở Việt Nam thời gian sắp tới.
Vì hết dịch mọi người đều quay trở lại guồng công việc nên không thể ra rạp xem phim nhất là phim đã ra mắt khá lâu ở những quốc gia khác. Tuy nhiên nếu rạp được mở cửa thì mình vẫn sẽ lựa chọn đến xem vì muốn trải nghiệm trọn vẹn nhất từng bộ phim của Marvel".
Có thể nói rằng mỗi khi khán giả ra rạp và thưởng thức một bộ phim nào đó thì cũng là hành trình trải nghiệm ảo nhưng cảm xúc thật. Tuy vẫn thường nói: "Hạnh phúc là hành trình chứ không phải đích đến", nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta luôn gặp "kẻ phá đám" suốt hành trình ấy. Và ở đây, "spoiler" chính là "kẻ cản đường" khán giả đến với trải nghiệm điện ảnh trọn vẹn nhất. Còn tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) chính là "liều thuốc" thúc đẩy hành động xem các bản "spoil" hay bản lậu tràn lan.
Tạm kết
Spoil phim dường như đã trở thành một thói quen xấu khó bỏ trong văn hoá cộng đồng, nhất là với người trẻ khi thời gian dành cho công việc ngày càng gia tăng. Chính vì thế, chúng ta thường dễ dàng lựa chọn con đường ngắn nhất, nhanh nhất để đạt được kết quả mà trong trường hợp này chính là xem bản spoil, dẫn đến trải nghiệm phim sau này không được trọn vẹn và ảnh hưởng đến nhà làm phim.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở các quốc gia trên thế giới thì vấn nạn spoil và đọc spoil phim càng trở nên phổ biến vì lịch ra rạp của những bộ phim nói chung hay bom tấn nói riêng không đồng đều. Đây chính là thách thức ở thời điểm hiện tại nhưng rất khó để tìm được giải pháp xử lý bởi đến từ nguyên nhân khách quan do đại dịch, điều mà không có bất kỳ nhà đầu tư sản xuất hay khán giả nào mong muốn.
Tất nhiên khán giả vẫn là người quyết định trong "cuộc chơi" này, chỉ cần bạn nói không với phim lậu thì việc đến rạp phim để thưởng thức hay nằm ở nhà và đọc spoil đều không quan trọng. Trước thềm ra mắt những bom tấn sắp tới tại Việt Nam, liệu phim chiếu trễ có phải là phim cũ và spoil ảnh hưởng lớn đến đâu sẽ được kiểm chứng bằng những thể hiện về mặt doanh thu.
Nguồn: TH&PL