Ngày 1/4, mọi người thường thoải mái trêu đùa nhau mà không sợ bị giận dỗi. Nhưng nguồn gốc của ngày này vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Trong 365 ngày, có một ngày khá thú vị bởi vào ngày này mọi người thường thích chọc phá lẫn nhau bằng những lời nói dối mà không sợ bị trách móc, giận dỗi. Đó là ngày Cá tháng Tư.
Nội dung liên quan
Ngày cá tháng tư hay còn gọi là ngày nói dối (tiếng Anh là: April Fool's Day). Từ trước đến nay ngày này được mọi người coi là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước.
Tuy nhiên rất ít người biết vì sao ngày cá tháng tư lại là ngày nói dối, vì sao ngày này lại được nói dối? Nguồn gốc và ý nghĩa của nó như thế nào?
Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư
Ngày Cá tháng Tư - được tổ chức vào ngày 1 tháng Tư hàng năm - đã được các nền văn hoá khác nhau tổ chức trong vài thế kỷ, mặc dù nguồn gốc chính xác của nó vẫn còn là một bí ẩn.
Một số nhà sử học suy đoán rằng Ngày Cá tháng Tư có từ năm 1582, khi Pháp chuyển từ lịch Julian sang lịch Gregorian. Trong Lịch Julian, cũng như trong lịch Hindu, năm mới bắt đầu với điểm xuân phân vào khoảng ngày 1 tháng 4.
Những người chậm nhận được tin tức hoặc không nhận ra rằng thời điểm bắt đầu năm mới đã chuyển sang ngày 1 tháng 1 và tiếp tục ăn mừng nó trong suốt tuần cuối cùng của tháng 3 đến hết ngày 1 tháng 4 đã trở thành trò lừa bịp và được gọi là "tháng 4 những kẻ ngu ngốc".
Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 đã trở thành truyền thống và được lan rộng từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18), sau này là các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Ngày nay, ngày Cá tháng Tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều quốc gia khác nhau.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều truyền thuyết khác nói về sự xuất hiện của ngày Cá tháng Tư, chẳng hạn như có người cho rằng, việc "chơi khăm" trong ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ nội dung trong cuốn truyện "The Canterbury Tales" (Những câu chuyện cổ tích) của nhà văn người Anh Geoffrey Chaucer.
Trong câu chuyện có một tình tiết chơi chữ khiến độc giả nhầm lẫn. Chaucer ý muốn nói 32 ngày sau tháng Ba (tức ngày 2/5) nhưng độc giả lại hiểu nhầm thành ngày 32 tháng Ba hoặc ngày 1/4. Vì vậy, ngày này trở thành ngày để người dân nói đùa hoặc nói những câu nói dối vô hại.
Thêm nữa, tháng Tư cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, "Cá tháng Tư" trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ.
Không biết giả thiết nào nói về nguồn gốc ngày cá tháng tư là đúng nhưng có một thực tế cho thấy rằng, đến nay, ngày cá tháng tư vẫn được coi là một ngày lễ đặc biệt trong năm tại nhiều quốc gia như Ba Lan, Scotland hay Iran. Và những trò đùa nghịch và chơi khăm bạn bè vẫn được diễn ra, mà không ai phàn nàn về chúng.
Nội dung liên quan
Ngày Cá tháng Tư tại Việt Nam như thế nào?
Ngày Cá tháng Tư du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Tuy nhiên, người Việt Nam lại quen gọi ngày này là ngày nói dối. Vậy nên ngày 1/4 sẽ là "ngày nói dối" tại Việt Nam thay vì tên gọi "Cá tháng Tư".
Nhưng không hiểu từ lúc nào giới trẻ Việt Nam đã biến "ngày nói dối" này thành ngày lễ tỏ tình và còn trêu nhau rằng: "Nếu hôm nay không có ai tỏ tình bạn dù đó chỉ là một lời nói dối... thì bạn thua rồi!".
Bao nhiêu lời tỏ tình, yêu thương đều được các chàng trai cô gái mang ra thổ lộ với người mình thầm thương trộm nhớ. Và lý do của sự trớ trêu này là bởi nếu "lời tỏ tình" đó có bị từ chối thì hôm ấy chỉ là ngày Cá tháng Tư thôi, đỡ phải ngượng ngùng cho cả hai.
Nhưng cũng có không ít lời khuyên cho rằng không nên tỏ tình vào ngày này vì lời tỏ tình sẽ kém phần chân thành, hay nói đúng hơn là... giống đem chuyện tình cảm ra đùa giỡn.
Nguồn: TH&PL