Sản phẩm âm nhạc có rap và cải lương gặp ý kiến trái chiều, nhiều khán giả đặt câu hỏi về "nhạc kết hợp".
Trái chiều quanh "nhạc kết hợp"
Khán giả Nguyễn Gia Việt nêu quan điểm cho rằng cách làm của NSND Bạch Tuyết ở sản phẩm Tia Sáng Cuối Cùng là không hợp lý. Chủ nhân bài viết đưa ra những phân tích về cách ông Viễn Châu làm "tân cổ giao duyên", sau đó phản đối quan điểm của NSND Bạch Tuyết.
Một khán giả để lại bình luận: "Mình hỏi các bạn yêu thích cải lương, làm sao kết hợp rap với cải lương như một? Vô tuồng lớp lang bài bản, cung bậc cảm xúc đang hát vào lớp nam ai, văn thiên tường, đọc rap vô nghe như thế nào đây? Bà Phùng Há và ông Năm Châu còn sống cũng bỏ tay với cô ba này luôn".
NSND Bạch Tuyết nói trong bài phỏng vấn: "Dĩ nhiên, cái gì mới thì sẽ cần nhiều thời gian để mọi người có thể làm quen, và vượt qua được những kiểu suy nghĩ cũ. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nhưng chúng ta vẫn cần một cánh én báo tin, đúng không nào?".
NSND Thanh Hải - cố vấn âm nhạc của Tia Sáng Cuối Cùng - nêu quan điểm: "Nói hai thể loại âm nhạc trong Tia Sáng Cuối Cùng không liên quan đến nhau là vội vàng và chủ quan, thậm chí là bảo thủ. Âm nhạc thế giới và Việt Nam đều thụ hưởng sáng tạo âm nhạc với 7 nốt nhạc".
Tứ Phủ của ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng gây tranh cãi. Đây là sản phẩm có sự kết hợp giữa nhạc điện tử với âm hưởng dân gian và được nhiều khán giả đánh giá cầu kỳ, có sự mới lạ, đầu tư về cả âm nhạc lẫn hình ảnh. Tuy vậy, nữ ca sĩ sinh năm 1988 nhận nhiều trái chiều liên quan đến hình ảnh lẫn ca từ. Nhiều người cho rằng ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã hiểu không đúng về đạo Mẫu.
Nội dung liên quan
Cách kết hợp Đông - Tây
Là người đầu tiên dám kết hợp xẩm với rap và nhạc hiện đại (EDM), Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo) là cái tên ít nhiều ghi được dấu ấn của bản thân trong làng nhạc Việt. Từ bài xẩm kết hợp rap và nhạc điện tử (EDM) mang tên Xẩm Chợ Đồng Xuân, nữ ca sĩ bắt đầu được chú ý như một cơn gió lạ của làng nhạc Việt.
"Đối với xẩm, cách hát, cách lấy hơi, nhả chữ, cách thể hiện hoàn toàn khác với nhạc nhẹ. Tuy nhiên, thử thách luôn đi kèm với cơ hội, Hà nghĩ nó cũng là một yếu tố giúp mình trở nên đặc biệt trong làng nhạc Việt", ca sĩ Hà Myo chia sẻ.
Trẻ hơn một chút, ca sĩ Phương Mỹ Chi là một ví dụ. Phân đoạn mang âm hưởng quan họ trong Đẩy Xe Bò của ca sĩ sinh năm 2003 nhận về nhiều sự quan tâm của khán giả.
Đây là câu hát do nữ ca sĩ viết. Nhóm sản xuất âm nhạc DTAP nói: "Việc đặt để yếu tố mang âm hưởng quan họ Bắc Ninh ở cuối bài đều là sự tính toán kỹ lưỡng, vì chúng tôi muốn thể hiện rõ nét giá trị văn hóa của ca khúc này".
Điểm chung dễ nhận thấy của những sản phẩm thành công, thu hút sự quan tâm và lời khen của khán giả đại chúng là việc tôn trọng những giá trị nguyên bản của cả hai dòng nhạc, đồng thời có sự kết hợp ý nhị, không "thô bạo".
Tại Rap Việt mùa 1, bản rap kết hợp với opera của rapper GDucky - ca sĩ Lưu Hiền Trinh từng gây sốt mạng xã hội trong nhiều tháng liền. Một ví dụ khác là ca khúc Về Nghe Mẹ Ru của chính NSND Bạch Tuyết. Đây đều là những ví dụ cho thấy "nhạc kết hợp" hoàn toàn có thể đạt được những thành công.
Báo Nhân Dân trích chia sẻ của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Trong đó, đa số ca khúc thành công khi có nội dung đương đại, nhưng giai điệu mang âm hưởng dân gian, hoặc đẩy tiết tấu hiện đại, đang thịnh hành như R&B, pop, rock sôi nổi vào những đề tài lịch sử, truyền thống… Cùng với đó là những ca khúc pop ballad mang hơi thở cuộc sống, gần với giới trẻ.