Những chiến thắng liệu có thực sự ấn tượng như những gì fan của các nhóm nhạc Kpop vẫn nghĩ?
Nghệ sĩ Hàn "bít cửa" hạng mục quan trọng?
Kpop và làn sóng hallyu rõ ràng là một ngành công nghiệp tỷ đô. Những nhóm nhạc như BTS và BLACKPINK đều đang bán sạch vé tại Mỹ, Anh và các sân vận động lớn trên toàn thế giới trong vài phút.
Và các đại diện của Hàn Quốc cũng dần len lỏi vào các giải thưởng âm nhạc lớn, thậm chí là Big 4 như Grammy, Billboard Music Awards, MTV VMAs và American Music Awards.
Thế nhưng, sau những "lần đầu tiên", "lịch sử" khi các nhóm nhạc, các thành viên solo lọt vào top đề cử của những hạng mục lớn và liên tiếp trắng tay, fan của họ đã bắt đầu cảm thấy chán nản.
Dường như, các giải thưởng lớn luôn quay lưng với những tài năng âm nhạc từ châu Á trong những danh hiệu như "Bài hát của năm", "Album của năm" hay thậm chí là "Trình diễn song tấu hoặc nhóm nhạc pop xuất sắc nhất".
Nói như Lee Gyu Tag - giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc - sau khi lễ trao giải Grammy diễn ra: "Trong lịch sử, các nhóm nhạc nam hay nữ luôn gặp khó khăn trong việc nhận được đề cử Grammy bất chấp sự nổi tiếng, bởi hầu hết nhà tổ chức không thích phong cách âm nhạc của họ.
Thiên hướng '"nghệ thuật toàn vẹn'" trong các lễ trao giải dường như mạnh mẽ đến mức ngay cả BTS, nhóm có tầm ảnh hưởng lớn về xã hội và văn hóa, không thể vượt qua điều đó. Có vẻ quan điểm của họ về Kpop và các ngôi sao thần tượng vẫn chưa thay đổi. Giải Grammy vẫn đóng cửa với các nghệ sĩ châu Á".
Đáp trả điều này trong một cuộc phỏng vấn, ông Bill Freimuth - Giám đốc Giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Mỹ - cho rằng thứ âm nhạc từ các nghệ sĩ Kpop dường như không thực sự chuẩn với những định nghĩa về Pop của giải thưởng này.
"Những gì chúng tôi đã nghe được từ cộng đồng là các nghệ sĩ Kpop coi những gì họ đang tạo ra là nhạc pop. Chúng tôi biết ơn vì sự mong đợi của khán giả trong việc tạo ra một hạng mục mới dành cho Kpop. Chúng tôi sẽ xem xét thêm", Bill Freimuth chia sẻ.
Có thể thấy rõ, với một giải thưởng theo hình thức bầu chọn từ hội đồng như Grammy, các nhóm nhạc Hàn gần như "bít cửa" trong việc sở hữu một giải thưởng của một hạng mục lớn.
Nội dung liên quan
Nước cờ từ các giải thưởng âm nhạc
Nhưng với một lượng fan khủng khiếp và trung thành, việc không khai thác sự tương tác từ những nhóm người này có lẽ sẽ là một sự lãng phí khủng khiếp. Chính vì thế, các giải thưởng âm nhạc từ nước Mỹ bắt đầu có những "chiến dịch: nhằm mở ra những hạng mục mới theo kiểu chỉ-dành-cho-Kpop.
Tại Billboard Music Awards 2022, BTS chiến thắng ở những hạng mục như: "Nghệ sĩ có doanh số bài hát cao nhất", "Bài hát bán chạy nhất" và "Bộ đôi/nhóm nhạc hàng đầu". Nhưng một điều ít ai để ý, BBMAs là những giải thưởng theo hình thức fan vote và đo lường những con số thống kê.
Chính xác hơn, đây đúng là một giải thưởng theo hướng "ai hot người đó thắng". Và những hạng mục như này đang liên tục xuất hiện tại các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ tại Hoa Kỳ, để khai thác sự quan tâm khổng lồ của các Kpop fan.
Mới đây nhất, chiến thắng của LISA vào buổi sáng ngày 29/8 đã tạo nên một sự quan tâm khủng khiếp trên toàn cầu từ các BLINK (tên fanclub của BLACKPINK) đối với VMAs. Và hạng mục cô giành chiến thắng là Best Kpop - nơi không có sự xuất hiện của bất kỳ nghệ sĩ quốc tế nào.
Vậy thì, giá trị của danh hiệu này có khác gì những giải thưởng trong nước như Golden Disc Awards hay Gaon Award - thứ vốn không hề thiếu trong bảng thành tích của các nhóm nhạc Hàn?
BTS, BLACKPINK,... chỉ là những ví dụ tiêu biểu cho việc khai thác văn hóa hallyu từ các giải thưởng âm nhạc lớn trên thế giới. Dường như, các ngôi sao đình đám đến từ Hàn Quốc chỉ đơn thuần là một công cụ để thu hút sự quan tâm từ fan châu Á của các giải thưởng Mỹ.
Có thể tự hào nhưng cũng nên băn khoăn.
Nguồn: TH&PL