Điểm chuẩn các trường đại học đã được công bố, trong niềm vui vỡ oà vẫn có đâu đó những bạn đang tổn thương và thất vọng về bản thân…vì đã trượt đại học.
Chuyện đỗ hay trượt Đại học đã tồn tại từ rất xa xưa, và nó vẫn luôn là một đề tài hot những lần mùa thi Đại học trở lại. Đỗ thì ăn mừng và bước tiếp sang một trang mới cuộc đời, còn trượt cũng không là lý do để chúng ta dừng lại. Vẫn còn cơ hội và nhiều con đường khác mà chúng ta có để nắm lấy.
Cùng lắng nghe chia sẻ của Khánh Vy, Sunhuyn và Mai Trang - những cô gái có tầm ảnh hưởng đến Gen Z - về việc trượt Đại học như thế nào nhé!
Khánh Vy: Đừng nghiêm trọng quá việc trượt đại học, chỉ khiến tình trạng hiện tại tệ hơn thôi!
Khánh Vy chia sẻ trên trang cá nhân:
Trượt Đại học có phải là vấn đề nghiêm trọng?
Mình khẳng định luôn là Không. Người ta nói khi một cánh cửa này đóng, thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng mở ra kiểu gì, thì chỉ có bản thân mình cầm được chìa khoá.
Nếu mình thực sự khao khát được học Đại học, thì sẽ luôn luôn có cách để mình đặt chân vào giảng đường, chính thức trở thành một sinh viên: học và thi lại; tham gia xét tuyển đợt bổ sung hoặc học bạ, học cao đẳng, trung cấp,... sau này có thể liên thông, đi du học,... Cô chủ nhiệm cấp 2 của mình hay bảo là kỳ thi lên cấp 3 chính ra lại căng nhất vì được thi mỗi một lần để quyết định môi trường 3 năm quan trọng, còn thi đại học, luôn có cơ hội làm lại.
Nếu không, cuộc đời mình còn vô vàn thứ để học và trải nghiệm. Chúng mình đều như nhau, dù học đại học hay không học đại học, thì vẫn phải liên tục học, từ trong sách ra ngoài đời, từ cuộc sống thường nhật tới công việc bộn bề.
Thế nên, việc đỗ đại học chưa thể đảm bảo được cho thành công sau này và việc trượt đại học cũng không có nghĩa là tương lai mình không biết đi về đâu.
Cùng một đất nước, nhưng "múi giờ của New York nhanh hơn California 3 tiếng, nhưng điều đó không làm cho California chậm hơn. Có người tốt nghiệp năm 22 tuổi và đợi 5 năm để tìm được một công việc ổn định. Có người trở thành CEO ở tuổi 25 và rời cõi đời ở tuổi 50. Có người 50 tuổi mới thành CEO nhưng sống tới 90 tuổi. Có người nghỉ hưu năm 55 tuổi nhưng có người 70 tuổi mới tìm ra được con đường sự nghiệp. Mỗi người trên thế giới này đều có một khung thời gian riêng, lộ trình riêng. Có người trước ta cũng có người phía sau ta rất nhiều" (dịch từ Time Zone)
Đúng là mình không thể quay trở lại và thay đổi quá khứ, nhưng mình có thể bắt đầu ngay tại vị trí hiện tại và thay đổi tương lai. Mọi toà nhà đều có cửa thoát hiểm. Bài hát hay phải có khúc bổng khúc trầm. Thành công sau va vấp là thành công ngọt ngào, huy hoàng, hoành tráng và truyền cảm hứng nhất, so với con đường trải hoa hồng từ đầu chí cuối.
Thời điểm này, cảm xúc thật khó nói. Cứ buồn cứ khóc cứ cảm nhận các bạn ạ.
Nên mình muốn nói rằng: mình tự hào về các bạn vì đã cố gắng hết sức mình. Và mình đợi một trang mới xứng đáng, tỏa sáng mà bạn viết nên.
Đây là nút thắt tâm lý mà chúng ta cần tháo gỡ, buông bỏ để bước tiếp hay cố giam bản thân vào những cảm xúc tiêu cực để rồi mệt mỏi với chính mình. Làm mọi thứ để giải tỏa nó, có thể khóc thật to, hét thật lớn, dành cả một ngày để xả hơi mà làm điều mình thích. Để làm gì? Để quên đi và lu mờ vết nứt tâm lý ấy. Sau đó đấu tranh tinh thần, vực dậy bản thân, nỗ lực vì những mục tiêu mới, dù chọn thi lại hay làm một công việc khác như mong muốn ngoài cánh cửa đại học, hãy lên kế hoạch và bắt đầu ngay khi có thể.
Sunhuyn: Mỗi chuyện xảy ra chúng ta đều có thêm những bài học
Ai trong chúng ta mà không một lần vấp ngã, quan trọng là chúng ta ngồi đó đợi người dìu dắt hay tự mình đứng dậy và bước tiếp. Rớt đại học ư… bạn có gì? Có tuổi trẻ, có thời gian, có sức khoẻ, nếu mong muốn gửi gắm một phần thanh xuân nơi giảng đường thì vẫn còn đấy rất nhiều cơ hội chờ bạn năm lấy.
MC, BTV Mai Trang: Hãy ngồi lại, lên kế hoạch và vạch ra những mục tiêu cho tương lai
Hãy thừa nhận thẳng thắn rằng thực sự chúng ta đã làm chưa đủ tốt, chưa đủ nỗ lực và cố gắng. Ngoài kia là những sự cạnh tranh khốc liệt, năng lực chúng ta chưa đủ mạnh mẽ để đương đầu và trượt đại học cho chúng ta nhận thức rõ hơn.
Hẳn là bạn đang nghĩ "mình chỉ thiếu 0.25 thôi, nếu đúng một câu trắc nghiệm nữa thì..., có lẽ mọi chuyện sẽ khác nếu mình không quá chủ quan,…" nhưng đừng vì quá tiếc nuối mà dày vò bản thân như thế. Hãy chỉ nghĩ đó là một bài học và rút kinh nghiệm rồi thôi. Cũng đừng nhìn vào chuẩn mực của người khác, nhìn vào chuẩn mực của bản thân và hãy tự tin vào những quyết định của chính mình.
Đại học không là con đường duy nhất đưa bạn đến thành công. Lên kế hoạch và tập trung cho mục tiêu nếu bạn có hướng đi mới, trượt đại học không quyết định bạn là ai mà nỗ lực trong thời gian tới sẽ chứng minh bạn là người như thế nào.
Trượt đại học thực sự không là vấn đề gì nghiêm trọng cả, chỉ thực sự là một cú ngã đau nếu bạn cứ suy nghĩ khắc nghiệt với nó. Nếu buồn xin hãy cứ buồn, khóc xin hãy cứ khóc, nhưng thời gian suy sụp ấy nên ngắn bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu vì nhiều cơ hội phía trước đang chờ bạn đón lấy.
Nguồn: TH&PL