Nếu tìm kiếm từ khóa "ứng xử kém văn minh" thì kết quả trả về trên Google là 17.400.000 trong vòng 0,36 giây. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).
Chiều 19/4, buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ" đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia, người nổi tiếng, KOLs và các bạn sinh viên, học sinh.
Tọa đàm này nêu rõ thông điệp nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội thì sẽ có tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước.
"Có những nghệ sĩ bằng mọi cách quảng bá bản thân"
Theo báo Nhân Dân, GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - cho rằng tọa đàm đã rất "đúng và trúng" khi lựa chọn hai đối tượng nghệ sĩ và giới trẻ để trao đổi.
Bởi với độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng, những phát ngôn, hình ảnh, hành động của nghệ sĩ luôn thu hút được sự chú ý cũng như tạo tác động lớn tới đông đảo người dùng mạng. Trong khi đó, giới trẻ với thế mạnh về công nghệ cũng đang là lực lượng chủ đạo sử dụng mạng xã hội, tạo ra sự lan tỏa, tương tác thông tin rất lớn trên không gian mạng.
Theo bà Từ Thị Loan, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới. Nhưng việc Việt Nam nằm trong số năm quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng theo khảo sát mới của Microsoft là hồi chuông báo động cho văn hóa ứng xử của người Việt trên mạng xã hội.
Bà Loan gọi mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”. Bởi có nhiều nghệ sĩ cống hiến tốt, lan tỏa tác phẩm nhanh qua mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa. Họ có trách nhiệm với xã hội, đi đầu về hoạt động từ thiện, chương trình có ý nghĩa nhân văn, tình nghệ sĩ cao đẹp, chia sẻ nhau những lúc khó khăn….lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội.
Tuy nhiên, có những nghệ sĩ bất chấp bằng mọi cách quảng bá bản thân, luôn nghĩ là người công chúng, thu hút sự chú ý của mọi người. Việc họ ngày nào cũng đưa tin ăn mặc, đi du lịch, con cái thậm chí đi đám tang cũng đưa lên trở nên phản cảm, phản tác dụng.
Bà Từ Thị Loan nêu ra vấn đề nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, cho rằng quảng cáo là quyền của nghệ sĩ nhưng một số vô tình hoặc cố ý thông tin sai trái về chức năng của sản phẩm.
GS.TS Từ Thị Loan chỉ ra một thực tế sử dụng mạng xã hội, nếu diễn viên, nghệ sĩ đưa 1 câu cảm thán vô thưởng vô phạt cũng có rất nhiều người "bấm like". Trong khi đó, nhiều người nghiên cứu – công trình nghiên cứu lớn như của GS Trần Quốc Vượng thì chỉ có vài trăm tương tác.
"Không chỉ nghệ sĩ mà cả người bình thường, có thể dùng những ngôn ngữ rất chợ búa. Đó là một hiện trạng ứng xử"
Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty LeBros chia sẻ: "Mạng xã hội mang lại nhiều điều thú vị, giúp tôi tìm lại những người bạn đã mất liên lạc nhiều năm, kết bạn với nhiều người bạn mới. Nhiều người tôi ngưỡng mộ nhưng không có cơ hội gặp gỡ, qua mạng xã hội được cơ hội làm bạn, nghe họ nói, học được nhiều điều, sử dụng mạng xã hội để làm truyền thông hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên, mạng xã hội có nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhiều người bị "ném đá". Tôi cũng từng là nạn nhân. Thời kỳ đẩy mạnh chống tin giả trong đại dịch Covid-19, tôi là một trong những nạn nhân. Nhiều người không liên quan như mẹ tôi cũng bị cư dân mạng xông thẳng vào trang cá nhân để chửi".
Ông nói thêm về ứng xử trên mạng: "Tôi nói với họ về công việc, nhưng họ lại lấy vóc dáng của tôi ra để nói. Những chuyện đó ở Việt Nam rất phổ biến. Trên mạng, những người sử dụng ngôn từ, không chỉ nghệ sĩ mà cả người bình thường, có thể dùng những ngôn ngữ rất chợ búa. Đó là một hiện trạng ứng xử".
Một hiện trạng nữa có thể nhìn thấy là những con người bình thường bỗng nhiên trở thành người phán xét, ông Vinh nói: "Họ tham gia phán xét bất cứ vấn đề gì, bất cứ cuộc sống của con người nào. Người ta phải thế này, người ta phải thế kia, tóm lại là phải sống theo cách mà các anh chị phán xét muốn. Sự phán xét này có tác động tâm lý rất lớn vào những người liên quan. Khi đó những bàn phím có thể trở thành vũ khí chết người, đã có người tự sát vì bị tấn công trên mạng, đã có những gia đình tan đàn xẻ nghé vì thông tin bịa đặt trên mạng…", ông Vinh nói.
Sẽ có biện pháp xử lý quyết liệt
Theo báo Tổ Quốc, để ứng xử trên mạng văn minh hơn cũng như chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân nghệ sĩ, KOLs và giới trẻ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025”. Bộ VHTTDL cũng ban hành quyết định 3196 về việc ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ông Trần Hướng Dương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết Cục đang làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ TT-TT để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của việc các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. "Biện pháp quản lý nhà nước chắc chắn có. Chúng tôi đang xin ý kiến, phối hợp các bộ, ngành khác, sau đó sẽ trình lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt", ông Trần Hướng Dương nói.
Ở góc độ của người hoạt động nghệ thuật, người mẫu Hạ Vy cho rằng cơ quan chức năng có thể nghiên cứu để có những chế tài mạnh mẽ hơn như khóa tài khoản Facebook, YouTube, TikTok của các cá nhân vi phạm để cảnh báo.
"Họ có thể lập tài khoản mới để sử dụng nhưng tôi tin sau vài lần bị xử lý, họ sẽ buộc phải có ý thức chấn chỉnh", Hạ Vy chia sẻ. Cô cho rằng các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn nữa, trở thành những người bạn trên mạng của các con để kịp thời đưa ra lời khuyên, sự uốn nắn nếu phát hiện thấy con có ứng xử lệch chuẩn trên môi trường mạng.
Nguồn: TH&PL