Bạn có đang học ngoại ngữ và dần quên đi tiếng mẹ đẻ?
Từ lâu, ngoại ngữ (cụ thể và hầu hết là tiếng Anh) đã trở thành một môn học bắt buộc đối với học sinh, sinh viên Việt Nam dù ở bất kỳ cấp bậc trường học nào. Dần dần, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì nhu cầu hội nhập với thế giới, giao tiếp với người nước ngoài và tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ cũng ngày một tăng lên.
Và một hiện tượng xảy ra với nhu cầu thực tế này là nhiều người trẻ lại chỉ "mải mê" học tiếng nước ngoài mà quên rằng tiếng mẹ đẻ cũng cần được trau dồi.
Việc Gen Z học thêm ngoại ngữ đã được bình thường hóa
Dạo gần đây, trên các diễn đàn và nhóm cộng đồng trên mạng xã hội xuất hiện không ít những bài đăng chia sẻ và xin kinh nghiệm học một lúc nhiều ngoại ngữ. Đồng thời, cũng có rất nhiều bạn trẻ nổi tiếng đang làm điều đó và lan tỏa năng lượng tích cực ấy đến mọi người, chẳng hạn như Công Dương hay Khánh Vy.
Người ta vẫn thường nói: "Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời". Bởi vì học ngoại ngữ không chỉ đơn giản là về việc học thuộc lòng bảng chữ cái và hệ thống ngữ pháp cùng lý thuyết khô khan. Mà học ngoại ngữ còn là quá trình tìm hiểu về văn hóa, con người, về phong tục tập quán, lịch sử... của đất nước đó để hiểu họ hơn và giao tiếp dễ dàng hơn.
Một hành trình chưa bao giờ là nhanh chóng và dễ dàng này đã và vẫn đang là một thử thách mà Gen Z sẵn sàng "hành động" và thu hút những người trẻ ham học hỏi.
Nhưng chúng ta lại vô tình quên đi một điều rằng: Tiếng mẹ đẻ cũng cần được trau dồi
Hiện tượng một bạn trẻ học nhiều ngoại ngữ nhưng lại vẫn còn viết sai nhiều chính tả hay dấu câu tiếng Việt hẳn là không còn xa lạ.
Những ngày này, Gen Z thể hiện bạn thân khá nhiều trên mạng xã hội, từ việc đăng trạng trái, chia sẻ hay bình luận vào những bài đăng khác cũng có thể thể hiện rõ "năng lực" tiếng Việt của họ. Trong khi nhiều người viết sai chính tả "cho vui" thì nhiều người lại sai chính tả thực sự.
Thậm chí, trên Facebook, trang "Bộ Kiểm Soát Chính Tả" do một bộ phận những người "không thể chịu nổi" sự sai chính tả mà lập nên. Gen Z còn đặt cho nhau cái tên "cảnh sát chính tả" để chỉ những người có "sở thích" bắt lỗi chính tả của người khác.
Có lẽ, nhiều người trong số họ đã quên một điều rằng: Để thực hành và học hỏi tiếng nước ngoài tốt thì một yếu tố không thể thiếu chính là tiếng mẹ đẻ cũng phải tốt.
Học ngoại ngữ thực chất là quá trình trao đổi thông tin và thông dịch hai chiều, từ tiếng mẹ đẻ sang ngôn ngữ đích và ngược lại.
Không chỉ vậy, nếu khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ kém thì khả năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài có thể cũng sẽ như vậy, suy cho cùng, chính là khả năng sử dụng ngôn ngữ của chúng ta chưa đủ thuần thục và do chính chúng ta chưa đủ hiểu ngôn ngữ mà bản thân nói.
Và hiện tượng "byelingual" không những có thật mà còn diễn ra "như cơm bữa".
Trong lúc dịch một đoạn văn tiếng nước ngoài hay trong lúc giao tiếp với người nước mình, bạn có tự dưng quên mất một từ nào đó trong ngôn ngữ còn lại là gì không? Nếu có thì đó chính là một biểu hiện của "byelingual".
"Byelingual" là hiện tượng khi bạn sử dụng hai ngôn ngữ nhưng lại dần quên đi từ vựng của hai ngôn ngữ đó. "Mình chỉ biết từ này trong tiếng Anh chứ không biết diễn đạt trong tiếng Việt như nào", đây là câu nói mà "dân ngoại ngữ" thường xuyên nghe thấy. Nếu không cẩn thận thì càng là "dân ngoại ngữ" sẽ lại càng dễ mắc phải hiện tượng này vì quá mải mê đào sâu một ngoại ngữ khác.
Những cộng đồng về nguồn gốc tiếng Việt khiến "cảnh sát chính tả" cũng phải nghi ngờ về tiếng mẹ đẻ của mình
Tuy nhiên, thực tế, song song với những người thích học ngoại ngữ là sự tồn tại của những người thích học tiếng mẹ đẻ. Một ngôn ngữ không bao giờ chỉ gồm bảng chữ cái và ngữ pháp đủ để giao tiếp hằng ngày. Có những sự thật mà chỉ khi chúng ta đào sâu nghiên cứu mới có thể biết. Chẳng hạn như phiên âm âm vị học tiếng Việt, nguồn gốc xa xưa của một từ hay cổ mỹ từ (từ cổ hoặc có sắc thái cổ nom rất đẹp), v.v.. là những ví dụ điển hình của việc nếu chúng ta không tìm hiểu thì chúng ta sẽ không thể biết.
Dựa trên nhu cầu tiếp thu tiếng mẹ đẻ của nhiều người và nhu cầu lan tỏa sự giàu đẹp của tiếng Việt mà nhiều người và tập thể đã tạo các trang, nhóm Facebook để chia sẻ với mọi người những kiến thức về chính ngôn ngữ gốc của mình.
Dưới đây là những cộng đồng nổi bật và được yêu thích nhất:
#1 Ngày ngày viết chữ (Facebook Page)
"Ngôn ngữ vi chỉ. Chúng tôi kể những câu chuyện giản dị be bé về tiếng Việt và nỗ lực giúp mọi người viết tốt hơn đôi chút", lời giới thiệu tuy ngắn gọn nhưng lại khiến người xem thấy "dễ thương vô cùng". Sự dễ thương đến từ tâm ý của người sáng tạo đến sự "dễ thương" của tiếng Việt.
Các bài đăng của "Ngày ngày viết chữ" được phân ra thành các album cùng tiêu đề rất rõ ràng, chẳng hạn như: Tiếng Việt ngày cũ, Cổ mỹ từ, Chuyện chữ chuyện nghĩa, v.v..
Link Fanpage tại đây.
#2 Tiếng Việt giàu đẹp (Facebook Page)
Tiếng Việt giàu đẹp là một trong những cộng đồng được khen ngợi là "có tâm" với tiếng Việt nhất hiện nay với mục đích "giải chữ, giữ đời". Các bài đăng của Tiếng Việt giàu đẹp cũng được phân ra thành các album ảnh dễ xem, dễ đọc và rất dễ nắm bắt thông tin chính.
Một trong những bình luận mà mọi người có thể dễ bắt gặp nhất dưới các bài đăng của cộng đồng này là: "Từ lúc theo dõi page, tôi hoài nghi về tiếng mẹ đẻ của mình". Bởi vì những bài phân tích nguồn gốc chính tả của từ nhiều khi khiến chúng ta "bật ngửa" vì vốn từ mà chúng ta coi là sai chính tả đôi khi lại chính là từ gốc. Còn từ mà chúng ta đang dùng chỉ là chúng ta sử dụng quá nhiều nên mặc định là nó "đúng chính tả" mà thôi.
Truy cập Fanpage tại đây.
#3 Nguồn Gốc Từ Vựng Tiếng Việt (Facebook Group)
Nguồn Gốc Từ Vựng Tiếng Việt là một "sân chơi" khác mà không chỉ có sự tương tác một chiều từ quản trị viên mà các thành viên tham gia vào nhóm cũng chia sẻ kiến thức mà bản thân có rất sôi động.
Từ nguồn gốc từ vựng tiếng Việt, nhiều bài viết còn mở rộng sang so sánh, phân biệt với tiếng Trung hay tiếng Anh. Để học và hiểu thêm về tiếng Việt thì đây là một cộng đồng khá lành mạnh để mọi người có thể giao lưu và tìm bạn đồng hành.
Truy cập group tại đây.
Học ngoại ngữ là một điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta trau dồi cả tiếng mẹ đẻ song song với quá trình khám phá một "vùng đất" mới.
Nguồn: TH&PL