Trở lại sân khấu cải lương với tuồng cổ Hoàn Châu cách cách, Hoài Linh vẫn giữ được nét duyên vốn có, được nhiều khán giả yêu thương, tuy nhiên vẫn "lộ vết" diễn viên hài.
Đoàn cải lương Huỳnh Long vừa công diễn vở tuồng cổ Hoàn Châu cách cách tại sân khấu Trịnh Kim Chi. Đây là vở diễn đặc biệt ghi dấu sự trở lại của cải lương tuồng cổ, có sự xuất hiện của các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Thoại Mỹ, Hoài Linh, Ngân Tuấn và đạo diễn Hữu Quốc...
Trưởng đoàn cải lương này - Bình Tinh cho biết, cô muốn dựng lại vở Hoàn Châu cách cách vì nó do mẹ mình - soạn giả Bạch Mai viết. Sinh thời, bà cũng muốn dựng nó nhưng chưa kịp, nay con gái làm để hoàn thành tâm nguyện của bà.
Nội dung liên quan
Dàn nghệ sĩ gạo cội - Vẫn là hồn của vở
Tuồng Hoàn Châu cách cách do Hữu Quốc làm đạo diễn, Bình Tinh vào vai chính Tiểu Yến Tử, hát cặp cùng Thái Vinh (vai Ngũ A Ka Vĩnh Kỳ). Các khách mời đặc biệt như Ngân Tuấn (vai vua Càn Long), Thoại Mỹ (vai Hoàng hậu) và Hoài Linh (vai Dung Ma Ma)... đã góp phần giúp vở diễn tăng thêm sức hút.
Trở lại với cải lương tuồng cổ, Hoài Linh chọn vai giả gái dù trước đó tuyên bố ít nhận những dạng vai này vì thấy mình có tuổi, nhan sắc không còn như xưa. Tuy nhiên, để ủng hộ lớp nghệ sĩ trẻ và môn nghệ thuật cải lương, nam danh hài đã đồng ý tham gia. Anh chia sẻ phần muốn hỗ trợ đoàn, phần vì thương Bình Tinh như em gái và rất trọng nghệ sĩ Bạch Mai.
Hoàn Châu cách cách được soạn giả viết dựa trên cốt truyện của bộ phim Trung Quốc cùng tên. Thời điểm trước, bà viết theo kịch bản để quay video cải lương. Nay dựng lại, nghệ sĩ Hữu Quốc đã "chế biến" để nó phù hợp trình diễn sân khấu. Ngoài "hồn cốt" đặc trưng từng được lớp nghệ sĩ trước diễn, bản dựng sân khấu này thêm thắt những tình tiết mới, trendy và phá cách hơn.
Hơn 4 giờ liền, sân khấu chạy, chuyển liên tục, các nghệ sĩ luân phiên tạo nên những màn, cảnh đặc sắc, ấn tượng. Tuy nhiên, lớp nghệ sĩ trẻ vẫn không thể hiện được nhiều dấu ấn riêng. Điểm sáng, thu hút của vở vẫn đa số nằm trên vai Hoài Linh và Thoại Mỹ, hai nghệ sĩ "lão làng".
Tái hiện tuồng cổ, đoàn đã lồng ghép khéo léo những màn vũ đạo, múa võ, đi bằng gối - nét đặc trưng làm nên thương hiệu của tuồng cổ, cải lương Hồ Quảng (từng rất thịnh hành một thời). Những cảnh này được đầu tư kỹ lưỡng, phần múa của Hữu Quốc tốt, tạo được hiệu ứng sân khấu khiến khán giả vỗ tay.
Nội dung liên quan
Về phần hát, các giọng ca quen thuộc như Thoại Mỹ, Ngân Tuấn mỗi khi cất lên luôn làm người xem thổn thức. Ngân Tuấn từng đảm nhận vai Nhĩ Thái trong tuồng này bản video (đóng cùng Ngọc Huyền, Vũ Linh, Kim Tử Long). Lần này, vào vai vua Càn Long - nhân vật từng được cố nghệ sĩ Thanh Tòng thể hiện, Ngân Tuấn đã có màn thể hiện thành công, về diễn xuất, thần thái lẫn giọng hát.
Phần điệu bộ, kịch, nói hay ca cổ, Ngân Tuấn đều thể hiện tốt. Tuy nhiên, một phần nhỏ đoạn tân nhạc trong tuồng vẫn bị "lạc quẻ", giọng ca của nam nghệ sĩ hợp ca cổ hơn nhạc tân, nên khi cất giọng hơi cứng, chưa mượt mà.
Nghệ sĩ mới - Có điểm nhấn nhưng chưa nhiều
Từng đảm nhận một vai trong Hoàn Châu cách cách bản video, Bình Tinh cho biết ngày nhỏ cô mơ ước được đóng vai Tiểu Yến Tử. Vào vai chính trong vở này, Bình Tinh đã làm ổn về mặt tinh thần và giọng hát. Hơn 4 giờ liên trên sân khấu, cô tròn vai, duyên dáng, thể hiện được sự đáng yêu, lém lỉnh của Tiểu Yến Tử, thu hút tiếng cười.
Dù đôi khi quên thoại nhưng lỗi này chỉ là một phần nhỏ, có thể bỏ qua. Vì vở diễn hơn 4 giờ liền, sai một vài câu thoại nhỏ cũng không làm giảm quá nhiều chất lượng. Mặt khác, bằng kinh nghiệm sân khấu, cô cũng đã kịp thời "cứu cảnh" duyên dáng.
Chất giọng Bình Tinh khỏe, vào ra mượt mà, thoại ổn và duyên dáng. Tuy nhiên, chưa có nhiều nét bứt phá. Đối với ai từng xem vai Tiểu Yến Tử do Ngọc Huyền đóng, hẳn sẽ khó thoát ra được sự duyên dáng, đáng yêu của cô đào chánh từng oanh tạc màn ảnh nhỏ một thời.
Về các vai diễn phụ như Vĩnh Kỳ, Hạ Tử Vi, Kim Tỏa, Nhĩ Khang, Nhĩ Thái... các nhân vật vào vai ở mức ổn chứ chưa có sự đột phá. Tuồng này chia thành 2 phần, phần đầu chủ yếu thoại kịch nói, phần sau ca hát nhiều hơn. Bởi thế, đạo diễn cũng chọn giải pháp thay vai cho nhân vật Tử Vi và Nhĩ Khang. Các nghệ sĩ trẻ đóng vai này ở phần hai có giọng tốt, ca hay, diễn ổn.
Dù diễn chính xuyên suốt cùng Bình Tinh nhưng Thái Vinh (vai Vĩnh Kỳ) làm chỗ tròn chỗ méo. Ngũ A Ka trong vở này phong độ không đều, đôi khi quên thoại, quên tên nhân vật (nhầm Tử Vi thành Tiểu Yến Tử dù đang nói chuyện với nàng Én).
Nhìn chung, các nghệ sĩ trẻ cũng đã cố gắng nhiều cho vai diễn. Việc người trẻ bỏ công, bỏ sức cho vở này là tín hiệu đáng mừng cho cải lương Việt Nam, đặc biệt là tuồng cổ.
Hoài Linh: Xuất hiện là khán giả rần rần, nhưng còn mang nét diễn hài
Tuy chỉ vào vai khách mời nhưng phần thể hiện của Hoài Linh lại vô cùng ấn tượng, được đầu tư về cảnh, đạo cụ, phục trang và cả những mảng miếng hài. Vào vai Dung Ma Ma, dù giả gái nhưng phải thừa nhận khó ai có thể làm tròn vai này trên sân khấu hơn nam danh hài.
Anh diễn lại một vai từng rất thành công của nghệ sĩ Hồng Nga nhưng theo một lối diễn hài hước, nó nét duyên dáng, phá cách riêng. Mỗi lần xuất hiện, Hoài Linh khiến khán giả vỗ tay không ngớt. Từ điệu bộ, dáng dấp, cử chỉ đến thoại của nam nghệ sĩ đều gây cười, làm Dung Ma Ma ác nhưng khán giả không ghét nổi.
Vốn nổi danh từ hài kịch, Hoài Linh tung hứng trên sân khấu cùng các bạn diễn, tạo nên tràng cười cho khán giả. NSƯT Thoại Mỹ cho biết, Hoài Linh rất duyên, trong quá trình tập tuồng cũng tung nhiều mảng miếng hướng dẫn cho các bạn trẻ, góp phần giúp vở diễn thành công.
Nhiều lần Hoài Linh "thả miếng", bạn diễn trên sân khấu dù đang khóc cũng phải bật cười, vì anh quá duyên. Tuy nhiên, những điểm này vô tình lại để "lộ dấu vết" anh xuất thân từ hài kịch. Mảng miếng này khi đem lên sân khấu làm khán giả vỗ tay không ngừng, nhưng lại thiên về hài nhiều hơn diễn tuồng cải lương.
Ở một vài đoạn, Hoài Linh tương tác với khán giả và cả ban nhạc. Không phủ nhận việc "thả miếng bất chợt" này mang lại tính giải trí cao, nhưng nó phù hợp hơn khi diễn hài trên sân khấu.
Bên cạnh điểm mạnh là thoại, kịch, phần hát của Hoài Linh cũng được đánh giá cao. Dù không xuất thân cải lương những nam nghệ sĩ có sự am hiểu về môn nghệ thuật này, giọng ca cũng ở mức tốt.
Kết
Nhìn chung, tuồng Hoàn Châu cách cách khá thành công khi hút khán giả yêu cải lương ra rạp. Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng thể hiện tròn trịa, không thiếu sót nhiều, điểm nhấn là sự xuất hiện của các nghệ sĩ lớn dù họ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Dù nguyên vở có thời lượng dài hơn 4 tiếng, đôi khi hơi lê thê nhưng những mảng hài, bắt trend được lồng ghép tạo hiệu ứng tốt, giúp khán giả không cảm thấy chán hay nhàm. Dàn nhạc chơi ổn, dù khúc đầu hơi chói nhưng khúc sau đã nhịp nhàng, êm tai hơn.
Ở phần 1 thoại nhiều, ít hát, sang phần 2 nhạc nhiều, tình tiết cũng gay cấn, hút hơn. Điểm cộng của vở này là phần phục trang được đầu tư kỹ lưỡng, đẹp mắt. Dù đóng tuồng cổ, đồ sẽ không dùng lại được cho những vở sau nhưng đoàn vẫn đầu tư hoành tráng. Xiêm y, trang sức, mão nón và phụ kiện đều được chăm chút, cho người xem cảm giác quý tộc, hoàng cung.
Với những khán giả ngồi gần sân khấu, đôi khi nhân viên nhắc tuồng lộ liễu, rõ giọng vang ra ngoài làm hơi sượng. Tuy nhiên, những lỗi nhỏ này có thể bỏ qua, vì vở diễn quá dài, sợ nhân vật quên tuồng là điều không thể tránh.
Vở này sẽ được tái diễn vào tháng 7 tới, cũng với những gương mặt này tại sân khấu Trịnh Kim Chi.
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc xưa cổ.
Nguồn: TH&PL