So với sản phẩm âm nhạc tiền nhiệm của Hòa Minzy là "Không thể cùng nhau suốt kiếp", "Thị Mầu" rõ ràng là một bước "đi lùi" về mặt ý tưởng lẫn hình ảnh thể hiện.
Tối 5/3, Hòa Minzy đã chính thức phát hành sản phẩm Thị Mầu, đánh dấu mà trở lại đường đua Vpop sau 3 năm kể từ MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp. MV được ấp ủ trong vòng 7 năm, sử dụng chất liệu dân gian Việt Nam như câu chuyện về nhân vật Thị Mầu, các nhạc cụ cổ truyền đến hình ảnh sân khấu chèo, trang phục chèo.
Sau khi ra mắt, MV nhận được nhiều sự quan tâm, trong đó có cả những ý kiến trái chiều về chất nhạc dân gian đương đại của ca khúc Thị Mầu cũng như phong cách thời trang của Hòa Minzy trong sản phẩm. Ở đây, khoan nói về yếu tố âm nhạc hay việc bị đặt lên bàn cân so sánh với Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy và Thị Mầu cũng có vài "gạch đầu dòng" lấn cấn trong lòng khán giả về chất lượng của riêng sản phẩm trong vòng xoay của thị trường âm nhạc hiện nay.
Nội dung liên quan
Hòa Minzy có "chậm" khi chọn làm MV theo văn hóa - truyền thống?
Trong vòng 3 năm từ 2017 - 2020, thị trường âm nhạc ghi nhận hàng loạt những MV được lấy chất liệu và cảm hứng từ văn học. Ý tưởng đã trở thành một "làn sóng" riêng của thị trường, được công chúng yêu thích và mang lại thành công đáng kể cho các nghệ sĩ, có thể kể tới như MV Để Mị Nói Cho Mà Nghe của Hoàng Thùy Linh (Vợ Chồng A Phủ), MV Hết Thương Cạn Nhớ của Đức Phúc (Chí Phèo), MV Anh Ơi Ở Lại của Chi Pu (Tấm Cám), MV Mặt Trăng của Bùi Lan Hương (Mị Châu - Trọng Thủy),...
Bản thân Hòa Minzy ở thời điểm đó cũng có một sản phẩm được đánh giá cao là Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử có thật là chuyện tình giữa vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Thậm chí, sản phẩm này còn tạo một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Hòa Minzy, giúp cô xóa tan lời thề "sẽ gác mọi hoạt động nghệ thuật 1 năm nếu 2018 không có bài hit".
Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của 3 năm trước. Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, các MV drama hay kể chuyện "dài dòng" đã dần không còn chiếm thế, thay vào đó là các MV có nội dung ngắn gọn, xúc tích, đánh thẳng vào yếu tố âm nhạc. Bằng chứng là những MV trong năm 2022 có nội dung tương tự như "Đôi Mi Em Đang U Sầu" của Đông Nhi (Mị Châu - Trọng Thủy), MV Chuyện Thần Tiên của Bùi Lan Hương (Tiên Dung - Chử Đồng Tử),... đã không còn đạt hiệu ứng như những MV của làn sóng trước đó.
Hòa Minzy không bê nguyên tác Thị Mầu vào MV mà chọn kể gián kiếp, tức miêu tả về một sân khấu chèo, nơi một cô diễn viên trẻ đang kể về Thị Mầu theo ý hiểu của mình: hết mình theo đuổi tình yêu, hạnh phúc, có cá tính riêng và dám vượt qua những khuôn khổ vốn có.
Mong muốn truyền tải những giá trị văn hóa - dân tộc thông qua sản phẩm lần này của Hòa Minzy, xét về phương diện ý nghĩa thì rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, xét về hiệu ứng, yếu tố văn hóa ở đây không còn là thứ gì đó mới mẻ khiến người ta phải trầm trồ vỗ tay hay tò mò tìm hiểu để đẩy từ khóa "Nam Phương", "Bảo Đại" lên hàng Top từ khóa tìm kiếm trên Google như cách cô thể hiện cách đây 3 năm.
Hòa Minzy tự "đi lùi" với chính mình
Ngoài phần nội dung, hình ảnh là câu chuyện đáng bàn tiếp theo khi theo dõi Thị Mầu của Hòa Minzy. Trong buổi họp báo, cô từng chia sẻ, thời điểm trước do cô chưa đủ kinh phí nên chưa thực hiện được MV Thị Mầu sớm hơn. Rõ ràng, sự thành công của Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, về tổng thể nội dung kịch bản lẫn bối cảnh, hình ảnh có thể được coi là cái bóng lớn với Hòa Minzy khi thực hiện Thị Mầu.
Thị Mầu được thực hiện với công nghệ Mapping, không phải chiếu trên phông trắng đơn thuần như các MV của thị trường trước đó mà chiếu thẳng lên bối cảnh như tường, cửa xếp, xe đẩy,... Nếu nhìn sơ qua, chi phí để thực hiện MV khoảng xấp xỉ 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, công nghệ mapping đắt đỏ cũng không thực sự gây ấn tượng với khán giả như kì vọng, càng không bổ trợ nhiều cho chủ đề về "Thị Mầu" mà nữ ca sĩ đưa ra từ ban đầu.
Bối cảnh chọn lựa để quay MV lần này khá đơn giản, là đường phố, ngõ ngách và cây cầu vượt ở thủ đô Hà Nội, sau đó lắp thêm đèn hay chiếu mapping lên. Điều này khác xa với Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp khi Hòa Minzy cực kì chỉn chu về độ đầu tư bối cảnh, đồ vật trong từng khung hình, tỉ mẩn mượn từng bộ trang phục, tìm cả nhân vật sao cho giống với nguyên tác nhất. Rõ ràng, Hòa Minzy có thể thuyết phục khán giả bằng những yếu tố thật, bám sát nội dung câu chuyện một cách rõ ràng thay vì dùng kĩ xảo xịn nhất hiện nay cho bối cảnh sơ sài.
Trang phục cũng là một điểm đáng tiếc khi xem MV Thị Mầu khi khá dườm dà và có phần hơi quê cũ. Hòa Minzy chia sẻ về sự cố trang phục trong buổi họp báo rằng: Dù cô có tổ chức cả một cuộc thi thiết kế trước đó cho nhân vật Thị Mầu thì tới sát ngày lại không thể sử dụng được, thay vào đó phải nhờ hai nhà thiết kế tại Hà Nội may gấp trong vòng... 2 ngày.
Về mặt thành tích, nhớ lại, MV tiền nhiệm của Hòa Minzy sau 2 ngày ra mắt đã chạm Top 1 Trending với hơn 10 triệu view, viral khắp nơi với hàng loạt từ khóa, thậm chí còn góp phần thúc đẩy du lịch Huế. Còn Thị Mầu, sau 1 ngày lên sóng hiện đạt 1,1 triệu lượt xem và đang nằm trong Top 10 Trending YouTube.
Đây không phải là con số thấp với mặt bằng chung của Vpop, nhưng cũng không như kì vọng mà Hòa Minzy từng chia sẻ rằng cô muốn có Top 1 Trending trong vài tiếng đồng đồ.
Với các yếu tố trên, rõ ràng chưa cần đặt lên bàn cân với ai, chỉ cần quay lại chính mình, với MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, rõ ràng Thị Mầu đã là một bước lùi đáng tiếc mà Hòa Minzy nên cân nhắc. Bởi rõ ràng, khán giả kì vọng nhiều hơn ở Hòa Minzy khi cô đã quá thành công về yếu tố văn hóa - lịch sử mà MV tiền nhiệm đạt được.
Nguồn: TH&PL