Dù Thương Ngày Nắng Về mang đến cái kết trọn vẹn, nhưng tập cuối vẫn xuất hiện một số “hạt sạn” không đáng có khiến dân tình tranh cãi trên các diễn đàn phim ảnh.
Thương Ngày Nắng Về là một trong những bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm lớn từ khán giả truyền hình với vô vàn phản hồi tích cực. Xuyên suốt 87 tập phim với các tình tiết hấp dẫn nhưng cũng không kém phần cảm động được thể hiện bởi dàn diễn viên chất lượng bất kể mọi lứa tuổi. Tuy vậy, tập cuối vẫn xuất hiện những tình tiết vô lý khiến dân tình ngán ngẩm.
Khâu cấp cứu bà Nga sơ sài
Hầu hết khán giả đều cho rằng tình huống gây nghẹt thở nhất tập cuối chính là phân đoạn bà Nga (NSƯT Thanh Quý) bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, cho đến hiện tại đây vẫn là chi tiết gây khá nhiều tranh cãi sau khi bộ phim kết thúc.
Nhiều ý kiến từ cư dân mạng cho rằng, căn phòng cấp cứu được trang bị sơ sài, chỉ có một số dụng cụ sơ cứu. Thậm chí, thao tác cấp cứu bệnh nhân nguy kịch của bác sĩ chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, người xem còn phát hiện phòng cấp cứu được lắp cửa kính trong suốt để người thân ở bên ngoài quan sát. Thực tế, tại các bệnh viện ở Việt Nam, phòng cấp cứu đều rất kín đáo để giúp các y bác sĩ tập trung cấp cứu hơn, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người thân bệnh nhân.
Câu thoại “thừa” của mợ Mơ
Ngay sau cảnh cấp cứu của bà Nga, phim đột nhột chuyển dòng thời gian một năm sau với phân cảnh cậu Vượng (Bá Anh) và mợ Mơ (Lưu Huyền Trang) đang bán bún riêu. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cuộc trò chuyện giữa mợ Mơ và ông hàng xóm không diễn ra.
Khi nghe Mơ kể về những biến cố gia đình, ông hàng xóm tỏ vẻ buồn rầu: "Nhanh nhỉ, mới đấy mà đã tới giỗ rồi". Mợ Mơ cũng xúc động trả lời: "Thời gian trôi nhanh thật đấy ạ".
Tuy nhiên, sự thật lại chẳng phải như vậy. Nhiều khán giả cho rằng, câu thoại nói về đám giỗ ấy là thừa thãi. Một tài khoản bình luận: "Vậy câu thoại của mợ Mơ và ông hàng xóm có ý nghĩa gì?".
Công khai xét nghiệm ADN của con gái mợ Mơ
Chi tiết mợ Mơ làm xét nghiệm ADN của con gái để xác định huyết thống với cậu Vượng cũng gây tranh cãi không kém. Sau đó, các thành viên trong gia đình đã cùng nhau chúc mừng và tung hô bản xét nghiệm này như một kỳ tích.
Cư dân mạng cho rằng phân đoạn tung hô chuyện xác nhận huyết thống này không cần thiết vì đây là chuyện tế nhị giữa hai vợ chồng Vượng - Mơ. Hơn nữa, ngay từ đầu, gia đình bà Nga luôn coi bé Vân Thơ là con cháu trong nhà.
Chú rể Duy đeo kính màu trong ngày trọng đại
Điểm trừ lớn nhất ở tập cuối chính là tạo hình của chú rể Hoàng Duy (Đình Tú) trong ngày cưới. Trong khi Trang (Huyền Lizzie) nước mắt rưng rưng, nói những lời xúc động với chú rể thì Hoàng Duy lại không bộc lộ rõ được cảm xúc của mình qua đôi mắt.
Bà Nga không đứng trên sân khấu đám cưới Trang
Chi tiết khiến khán giả tiếc nuối nhất chính là việc bà Nga không đứng trên sân khấu trong ngày cưới của Vân Trang. Xuyên suốt bộ phim, bà Nga là người có nhiều công lao dưỡng dục con gái thành người hơn cả mẹ đẻ.
Một tài khoản chia sẻ: "Tuy hiện tại không còn minh mẫn nhưng bà Nga cũng không có những hành động mất kiểm soát nên tại sao lại không để bà xuất hiện trên sân khấu cùng Trang - Duy?".
Nhìn chung, dù có những "hạt sạn" không đáng có cùng loạt pha "bẻ lái" của biên kịch, nhưng không thể phủ nhận rằng Thương Ngày Nắng Về vẫn là bộ phim mang đề tài gia đình xuất sắc của thị trường phim Việt.
Thương Ngày Nắng Về là một bộ phim truyền hình do NSƯT Vũ Trường Khoa và Bùi Tiến Huy làm đạo diễn. Với sự góp mặt của các diễn viên: NSƯT Thanh Quý, Lan Phương, Hồng Đăng, Huyền Lizzie, Đình Tú... Phim được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim Hàn Quốc Con Gái Xinh Đẹp Của Mẹ.