Cuộc sống của bạn đã "thay đổi" như thế nào sau khi Hà Nội nới giãn cách?
Trải qua ba đợt liên tiếp giãn cách theo Chỉ thị số 16 thì từ 06h00 ngày 21/9/2021, Hà Nội đã điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 15, cho phép mở lại hoạt động nhiều dịch vụ, người dân "vùng xanh" được phép ra ngoài mà không cần giấy đi đường.
Tuy chỉ khác nhau ở một con số, nhưng với Chỉ thị 15, cuộc sống của người Hà Nội đã chuyển sang trạng thái "bình thường mới". Và vui vẻ hơn ai hết chính là những người trẻ Hà Thành - những người dễ bị "cuồng chân, cuồng tay" hơn bất cứ thế hệ nào.
"Không thể ở nhà thêm được nữa, phải đến công ty làm việc ngay thôi"
Hà Nội một lần nữa "trở lại". Các công ty cũng "rục rịch" cho nhân viên quay lại văn phòng làm việc. Quãng thời gian làm việc tại nhà, thoải mái có, tiện lợi có nhưng rốt cuộc vẫn còn thiếu quá nhiều so với môi trường làm việc sôi nổi thường ngày. Vì thế mà không ít người khi mong ngóng ngày được tụ họp cùng đồng nghiệp.
"Hôm nay là ngày đầu tiên mình quay trở lại làm việc. Cảm giác sáng sớm lại được hoà mình vào dòng xe vội vã của Hà Nội thật quen thuộc. Các anh chị cùng công ty đi làm cũng vui vẻ nữa. Mọi người bảo là dù hôm qua tiêm xong sốt 'vật vã' nhưng cũng không thể ở phòng thêm được nữa, phải đến công ty làm việc ngay thôi.
Khoe với mọi người góc nghỉ ngơi của công ty mình. Một góc 'chill' sau cả ngày làm việc mệt mỏi. Do tình hình dịch nên dù đã đi làm trở lại nhưng bộ phận vẫn phải chia ca làm việc 2-4-6 và 3-5-7. Thực sự mong Hà Nội khỏi ốm hẳn để mình được gặp lại bạn cùng thực tập. Đi làm có hai đứa vẫn vui hơn nhiều…", Hương, sinh viên năm cuối đang trong quá trình thực tập, chia sẻ.
Dù đã được nới lỏng, nhưng Hà Nội vẫn yêu cầu người dân và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng dịch thích hợp theo quy định để tránh trường hợp dịch tái bùng dịch - một viễn cảnh mà Gen Z nghe đã thấy sợ.
"Ai cũng vui tươi hớn hở vì được gặp 'người'"
Trong những ngày người người bí bách khi ở nhà vì chỉ thị giãn cách của thành phố, chúng ta thường thấy mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bài đăng với nội dung: "Điều đầu tiên bạn làm sau khi hết dịch là gì?", "Hết dịch, bạn sẽ đi ăn món gì đầu tiên?"... Rồi bạn bè, đồng nghiệp lại được dịp tag tên nhau "hẹn hò" vào ngày trở lại.
"Ngày đầu tiên trở lại làm việc, sau khi tan làm, các anh chị ở công ty mình liền 'trả kèo' trà sữa rồi thịt xiên. Xong chú bán thịt xiên còn mời thêm nữa chứ, chắc toàn khách quen mà lâu lắm mới gặp lại.
Mọi người ai cũng vui tươi hớn hở vì được gặp 'người'. Có mấy anh đồng nghiệp đã lên chức bố thì như kiểu được 'giải phóng' sau những ngày ở nhà chăm con và lấy đồ ship cho vợ", Tiên, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ.
Sau những ngày tháng phải nhìn đến quen "bốn bức tường" thì việc Hà Nội được nới lỏng giãn cách được nhiều người trẻ ví như "giải phóng" vậy. Quả nhiên, cứ phải cách ly xã hội thì chúng ta mới biết trân trọng những ngày còn được "hòa nhập" với cộng đồng.
"Mình đã ăn bún bò. Nhất định phải ăn nha!"
Bún bò Huế là một trong những món đặc sản không thể thiếu ở Hà Nội, dần dà, trở thành món ăn đến "nghiền" của nhiều bạn trẻ.
Vào ngày đầu tiên được nới giãn cách, bạn Vân - nhân viên văn phòng vẫn tiếp tục làm việc tại nhà - chia sẻ rằng bạn vẫn chưa đi đâu cả, tuy nhiên đã sớm đặt Grab một bát bún bò Huế rồi. Bạn Thủy cũng chia sẻ rằng "Mình đã ăn bún bò. Nhất định phải ăn nha!".
Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 15, các ứng dụng đặt và giao đồ ăn được hoạt động trở lại. Đây là một trong những sự nới lỏng mà mọi người mong chờ nhất. Ngoài ra, mọi người cũng được tự do đi lại, đến mua đồ mang về.
Sau những ngày giãn cách tưởng chừng như "dài đằng đẵng", từ những câu đùa "Nếu biết trước sẽ phải giãn cách thì tôi đã ăn hai bát bún bò", "Giãn cách rồi, có tiền cũng không ăn được món mình muốn ăn"... mọi người đã lập tức đi thực hiện ngay những "việc cần làm" để thấy bớt nhớ, bớt thèm và có khi là "bớt tiếc nuối" sau này.
Nguồn: TH&PL