Dịch Covid kéo dài khiến mùa Trung thu năm nay bỗng thật vắng lặng. Thế nhưng, không khí náo nức rộn ràng thì mãi luôn ở đó trong tâm trí của mỗi người dân Hà Nội.
Trung thu không chỉ là dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam mà còn là ngày hội lớn trong năm ở vùng đất Thủ đô. Hàng năm, trước khi Trung thu bắt đầu một tháng, khắp phố phường đã rộn ràng các gian hàng bán đồ trang trí, bánh nướng, bánh dẻo. Trẻ em vui với Trung thu, mà người lớn cũng được dịp sống chậm lại, hồi tưởng về ký ức của những ngày thơ bé.
Trước khi Covid-19 xuất hiện, Trung thu đã từng vui như thế
Mỗi mùa Trung thu, Thủ đô bỗng nhiên rộn ràng đến lạ, đặc biệt là khu phố cổ. Đã nhắc tới Trung thu ở Hà Nội, không thể không nhắc đến phố Hàng Mã. Cứ tới tầm thời gian này hàng năm, con phố nhỏ lại rực rỡ sắc màu của những món đồ chơi truyền thống: đèn ông sao, trống cơm, mặt nạ giấy bồi,... và cả những món đồ chơi thời hiện đại.
Ghé Hàng Mã, người ta thấy được sự giao hoà giữa xưa và nay, giữa cái cũ và cái mới, cái thô sơ và cái hiện đại. Đó cũng chính là nét bản sắc rất riêng không thể trộn lẫn của mảnh đất Hà Nội.
Dịp Trung thu, người Hà Nội thường đưa trẻ con đi Hoàng thành Thăng Long hoặc các Bảo tàng trên địa bàn thành phố. Hàng năm, Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long thường tổ chức chương trình vui tết Trung thu rất sôi động, mang đậm không khí truyền thống. Các gian hàng làm đồ chơi Trung thu như đèn ông sao, đèn cù, giấy bồi,. tò he,.. rất được các gia đình thường xuyên ghé tham quan và trải nghiệm.
Cách sắp xếp mâm cỗ đón trăng, cách làm chó bưởi, bánh nướng bánh dẻo cũng được các nghệ nhân làng nghề truyền đạt cho du khách thập phương được biết. Những màn biểu diễn múa lân, múa sư tử cũng thường được tổ chức. Tất cả đã tạo nên một không khí sôi động, khác hẳn với sự náo nhiệt nhưng bức bối thường ngày của thành phố. Có thể thấy rằng, các gia đình ở Hà Nội ngày càng có xu hướng tìm về những giá trị truyền thống, những giá trị nguyên bản của ngày Tết đoàn viên xưa.
Sát Tết Trung thu, người Hà Nội còn có thói quen ghé mua bánh trung thu. Không phải là những sạp bánh công nghiệp nhan nhản đầy đường phố, người dân nơi đây chỉ cố gắng mua bánh ở cửa hàng nức tiếng nằm nép trên con phố Thuỵ Khuê. Từ sáng sớm, rất đông người đã kiên nhẫn xếp hàng để chờ mua được chiếc bánh truyền thống. Càng về cuối ngày, lượng người xếp hàng càng đông, tạo nên cảnh tượng dòng người nối đuôi nhau dọc hết dãy phố.
Lượng người mua nhiều tới mức, cửa hàng này rất nhiều lần treo biển "Hết bánh", vậy nhưng người ta vẫn kiên nhẫn chờ đợi để mua mẻ mới. Người chê, kẻ khen ngon, nhưng cái không khí xếp hàng chờ đợi để mua được chiếc bánh nướng truyền thống đã tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng người dân Hà Nội mỗi dịp Trung thu về.
Trung thu mùa dịch, dù vắng nhưng vẫn vui
Tháng 8 âm lịch hàng năm, lồng đèn đã bày bán khắp nơi, bánh trung thu cũng liên tục được sản xuất. Thế mà năm nay, ngày rằm dù cận kề nhưng không khí lại thật ảm đạm. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đồng nghĩa với việc mùa trăng tròn năm nay, Trung thu sẽ không còn những "Đêm trăng rằm" sôi động trên đường phố mà sẽ trở về với ý nghĩa đoàn viên vốn có của nó.
Vì dịch bệnh, các lễ hội trung thu hoặc triển lãm đều sẽ được tổ chức dưới hình thức online. Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, trưng bày trực tuyến Trung Thu sum vầy sẽ được giới thiệu trực tuyến từ ngày 19/9 tại website: hoangthanhthanglong.vn. Dù ngồi yên tại nhà, mỗi người dân vẫn có thể được xem các tư liệu về lễ trung thu xưa, tìm hiểu về nghệ thuật làm nên các món đồ chơi trung thu truyền thống.
Trung thu mùa dịch, "cái thú" xếp hàng để mua bánh trung thu vẫn được một bộ phận người dân hưởng ứng. Bên cạnh đó,. vẫn có những người dân xa xứ không thể về quê ăn Tết Trung thu, đành lòng ở lại Hà Nội vui Tết trung thu trực tuyến.
Tuyết Nhung (sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) bị mắc kẹt lại Hà Nội vì dịch bệnh. Trung thu hàng năm, bạn thường về quê sum vầy cùng gia đình, nhưng việc chấp hành giãn cách khiến Nhung chia sẻ rằng đành phải tự sắm sửa nguyên liệu rồi làm bánh dẻo, đến đúng đêm rằm sẽ gọi về cho bố mẹ vui Tết Trung thu.
Hà Anh (sinh viên Luật Hà Nội) lại có cái thú cùng bạn bè đi lượn phố phường, thăm thú phố Hàng Mã. "Năm nay dịch rồi, bọn mình không đi chơi được nên chỉ có thể tụ họp trên Zoom thôi, mình ước muốn cảm giác được vui chơi thoải mái như trước kia lắm".
Mùa Trung thu giãn cách, mùa Trung thu đặc biệt, không còn tiếng lân sư rồng, không còn những sạp hàng bán mặt nạ giấy bồi khắp đường phố, chỉ còn tình người ở lại. Trung thu năm nay là ký ức đặc biệt đối với người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, dù không thể rộn ràng, nhưng cái không khí đầm ấm của mỗi ngày rằm tháng 8, vẫn sẽ luôn còn mãi...
Hà Nội cũng kịp trở lại, giãn cách với chỉ thị 15. Phố Hàng Đồng, rất đông người dân đã di chuyển lên đây để chơi Trung thu, kịp đón một dịp lễ trung thu đặc biệt.
Nguồn: TH&PL