Hà Lê: "Tôi là số 0"

"Cần một người bạn, một người đồng hành, một tri kỷ trong âm nhạc, một người chia sẻ những hỉ - nộ - ái - ố trong âm nhạc", Hà Lê nói.

Hà Lê: "Tôi là số 0"
picture

Hà Lê

Ca sĩ, rapper

Từ vị trí của dân underground, dancer, rapper, Hà Lê rẽ sang với vai trò ca sĩ. Lúc đó, anh cũng không còn quá trẻ nhưng nhờ sự tìm tòi, đầu tư với chiến lược chuyên nghiệp, bài bản, Hà Lê khẳng định được chất riêng. Đậm nét nhất là dự án Trịnh Contemporary và gần đây nhất là MV Khói kết hợp cùng Khắc Hưng, Kiên Ứng nằm trong một EP mang tên Lost. Lost là dự án âm nhạc về chủ đề tâm lý trong câu chuyện nhân sinh.

"Khắc Hưng là chìa khóa"

Vì sao lại là Khắc Hưng?
Chính xác là mình muốn gần với thị trường hơn. Thứ nhất, mình muốn có màu sắc của riêng mình. Thứ 2 là muốn mở rộng thêm thị trường, tiếp cận nhiều hơn đến những lớp khán giả trẻ. Vì mình nhận ra kiểu khách của mình như thế nào. Nhưng bản chất âm nhạc của mình thì vẫn muốn hướng về giới trẻ và những người trẻ.

"Trẻ" ở đây mình nói là từ 30 tuổi đổ xuống chứ không phải chỉ có tuổi teen, kể cả những người từ thế hệ của mình hoặc thế hệ đầu 9X trở về. Mình muốn mở rộng tệp người nghe nhưng vẫn đánh vào thị trường nhiều hơn.
Anh đến với Hưng vì muốn mở rộng lớp người nghe?
Đúng, và Hưng là chìa khóa. Khắc Hưng đang là người bảo chứng cho việc nó có thể lan tỏa được.
Thị trường cũng có nhiều người muốn như anh, nghĩa là mở rộng tệp?
Có rất nhiều người đã tìm đến Khắc Hưng với bài toán giống hệt mình. Nhưng không phải ai cũng thành công. Và mình nghĩ không phải ai cũng ra được cho Hưng đề bài để cùng sáng tạo. 

Mình cũng không biết nữa, nhưng Hưng cũng nhìn nhận dự án của mình là thử thách để cậu ấy vượt qua chính mình.
Đề bài của anh là…?
Đột phá.
Đột phá ở đây là với…? 
Với mình, với Hưng và với cả dự án lần này.
ha le toi la so 0 - anh 0
Đó phải là một điều khác lạ?
Đúng. Nhưng thật ra dự án EP này hay dự án như Trịnh trước đó có liên quan đến nhau. EP này chính là cái mở rộng của Ở Trọ. Mình thấy cõi trần gian, kiếp chuyển sinh của con người ngắn ngủi, có những khoảnh khắc để mình trân trọng. Dự án này là đi sâu vào, chi tiết của nhân vật người đang ở trọ.

Dự án này là 3 bài hát nói về 3 cái khổ của con người khi phải ở trọ trần gian. Bài đầu tiên là Nicotine, viết về điếu thuốc lá, nhưng là cũ. Bây giờ nó có tên là Khói. Nội dung bài hát ngay từ phần lời cũng thấy ngay điếu thuốc lá. Hình ảnh này tượng trưng cho thói quen có hại nhưng lại khó bỏ. Và nó cũng giống như những cám dỗ mà con người phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày.

Bài thứ 2 là Quay Lại Giường Đi Em. Nó là bản khổ tình ca nói về việc mình thương một người nhưng lại không đến được với người ấy. Mình ở sau quan sát, mong muốn những điều tốt đẹp đến với họ. Đó là cái khổ khi yêu nhưng không đến được. Khổ vì biết cảm xúc mình như thế nhưng lại không nói được, quay về tự dằn vặt mình. 

Tìm đến cái khổ thứ 3 là rượu. Rượu đại diện cho sự cô độc, cảm giác trống trải và sầu. Đó là 3 cái khổ của bất kỳ ai trong cuộc đời này. Ở trong cõi này, mình đều phải trải nghiệm. Dự án này đang nói lên vấn đề đó và đi sâu hơn về chi tiết của cuộc đời người ở trọ.

Nhưng những điều đó lại không đủ đầy bởi người ta mong muốn quá nhiều, ước vọng quá nhiều. Và khi không đạt được, người ta quay lại dằn vặt bản thân, tự đưa mình vào những vùng tối, rơi vào trạng thái tiêu cực, tìm đến những thứ có thể giải thoát cho tâm hồn. 

Khi bước vào mà không đủ tỉnh táo, mình sẽ bị lặp trong đó mãi, cứ chạy theo và ảo tưởng về nó. Sau đó mình lại đi vào vòng lặp với rượu và thuốc để bớt cảm thấy cô độc và bản thân cảm thấy được nhẹ nhõm, an toàn hơn. Thế nhưng, chính lúc đấy là lúc mình vất vả nhất, chật chội nhất, nguy hiểm nhất. Mình có nhận ra được sự thật ấy không, để xoay chuyển?
Nhưng anh có nhận ra?
Mình nhận ra. Và đó là lý do mình làm sản phẩm này. Mình muốn nói lên sự thật ấy. 

Khi nhận ra rồi, mình phải đối mặt với nó. Phải đối mặt được với nó đã thì mình mới buông bỏ được. Hiện tại mình đang trong giai đoạn buông bỏ rồi và sẽ hướng tới những cái khác.
ha le toi la so 0 - anh 0
Nghĩa là anh bỏ thuốc lá ngay?
Mình sẽ bỏ thuốc lá vì cũng sắp lấy vợ, sinh con rồi, không bỏ vợ không cho đẻ (cười). Rồi mình sẽ học cách chăm sóc, yêu thương bản thân nhiều hơn, không để mình sa lầy vào những cuộc vui hay bữa nhậu, những cuộc gặp mặt không có mục đích để sau này cái cuối cùng mang về chỉ là khoảng trống và cô độc trong tâm hồn.

Có rất nhiều lần như thế, mình đi chơi, đi nhậu vui vẻ, về đến nhà là cảnh mệt mỏi, vật vã, say xỉn, làm phiền người khác. Sáng hôm sau mình không đủ tỉnh táo, sức khỏe để làm việc. Khi tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài, năng lượng mình xuống rất thấp, bị trì trệ vì không có năng lượng để sáng tạo. 

Nhưng đó không phải tất cả. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, bạn đang gặp áp lực, gặp các vấn đề chưa giải quyết nổi, đấy cũng là lúc bạn dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, thấy mình muốn ở một mình, không muốn liên can đến thế giới. Khi rơi vào trạng thái đó, nếu không nhận biết được cảm xúc và trạng thái thật sự thì sẽ rất tiêu cực, dễ dẫn đến hành động và quyết định sai lầm. 
Anh đã phải trải qua những cảm giác gì và đến mức độ nào mới gọi là khổ?
Có những nỗi khổ cứ lay lắt, quá nhiều xích điện. Ví dụ như mình thấy một người, ngay lập tức mình có một nguồn điện, cảm nhận gì đó rất thu hút. Và mình có kết nối với người ta. Nhưng nhìn lại thực tại, mình đâu có điều kiện để lao đến. Ngay việc phát sinh ý niệm về tình cảm với người ta đã là một cái khổ rồi.

Nhưng sau đó mình lại chọn tiếp tục theo đuổi tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ ấy. Cứ sinh ra những vọng tưởng trong đầu "nếu như nó xảy ra…". Và mỗi lần "nếu như" như thế lại là một lần mình khổ, vì những điều đó không thành hiện thực. Đã có vài lần mình không kiểm soát được cảm xúc dẫn đến những quyết định sai lầm như nhắn tin với ai đó trong lúc không cần. Để rồi mình nhận lại những tin nhắn chẳng liên quan, lại thêm khổ tiếp.
Chỉ khổ như vậy thôi thì có hơi nhẹ?
Nó hơi nhẹ nhưng là dằn vặt bên trong. Cái bên trong thật ra mới là cái mình muốn nói nhất trong sản phẩm. Nó là tư tưởng.

Bên ngoài có thể bạn trông vẫn bình thường nhưng đến lúc bạn ở một mình, không ai xung quanh, chỉ có bạn và suy nghĩ của bạn thì có những tư tưởng đôi khi lệch lạc luôn. Nó làm cho mình không có năng lực, trí tuệ, năng lượng để làm bất cứ thứ gì. Và nó cũng dìm mình chìm dần, chìm dần. 

Ví dụ đối với khói thuốc thì rõ ràng hô hấp của mình không ổn. Thời điểm này, lúc mình bắt đầu có tuổi là nhìn nhận được sức khỏe không còn được như xưa. Nhưng để bỏ nó thì rất khó. Đã rất nhiều lần mình nghĩ sẽ bỏ nhưng chưa làm được. Đó là cái khổ. Mình không dứt khoát được như thế, hay nhùng nhằng. 

Có những lúc hết tiền nhưng thèm thuốc, mình tìm mọi cách để đi mua bao thuốc, lúc đó trông mình hèn. Bên cạnh đó, mình khổ với người thân nữa, vợ con, sức khỏe. Việc nghe những câu đấy cũng là cái khổ.

Có những trải nghiệm của mình không phải quá kinh khủng so với mọi người. Vì mình vẫn có ý thức giữ mình trong khuôn nhất định. Trí tuệ cho phép mình hiểu rằng "nếu chọn điều này, cứ tiếp tục đi tiếp thì kiểu gì ông cũng sẽ đi xuống". Ngay lúc đấy, mình chớm thấy bản thân hơi như vậy là dừng lại ngay.
ha le toi la so 0 - anh 0

"Tôi là số 0"

Tại sao anh làm một sản phẩm nói về... Khói?
Mình cũng muốn cảnh tỉnh bản thân, muốn nhắc nhở sau này phải mạnh mẽ triệt để. Bây giờ mình vẫn đang trong giai đoạn thay đổi. Nó sẽ mạnh mẽ hơn, gắt hơn để khi mình đi đến cái kia thì nó thật sự nhẹ nhàng.
Đôi khi khán giả không chấp nhận việc nghệ sĩ làm sản phẩm kêu gào sự thay đổi nhưng bản thân lại luôn có mặt tại những cuộc vui, khác với những gì truyền tải. Anh có sợ?
Có chứ. Thật ra khi làm điều này thì mình cũng đã xác định mình không thể để giống như trước được. Mình cũng không phải dạng cuộc vui nào cũng có mặt, nhưng bây giờ mình sẽ "say no" nhiều hơn.
Nhạc Việt ít thấy những bài hát mang thông điệp xã hội như vậy. Anh nghĩ sao?
Chủ đề tình yêu các thứ thì dễ nghe và dễ thương mại hơn. Những bài hát về xã hội dù hay nhưng có thể rất kén về mặt thương mại, biểu diễn…

Nó là thực trạng nền âm nhạc đang phát triển mạnh ở trong thời gian gần đây. Và những điều mới mẻ sẽ xuất hiện nhiều hơn. MV mới của mình có thể người Việt không quen, nhưng mình muốn nói lên sự thật, muốn kể câu chuyện của mình.

Mình nghĩ sau thời gian này, khi mọi thứ bắt đầu bão hòa dần, những người nghệ sĩ trẻ như Khắc Hưng cũng có chiều sâu hơn để sáng tác những ca khúc chủ đề xã hội. Và mình cũng hy vọng có những người như mình, như Khắc Hưng, hoặc những ekip khác có thể truyền cảm hứng cho mọi người.
ha le toi la so 0 - anh 0
Anh có muốn đồng hành với một nhạc sĩ nào đó lâu dài, sau Khắc Hưng sẽ là một người khác?
Mình đã hợp tác cùng một người khác và làm xong 7 bài, đã có demo được thu âm trong thời gian vừa qua.

Mình cũng chia sẻ một chút về ý tưởng thực hiện câu chuyện lần này. Sau "Trịnh", sếp hỏi về dự định, trong đầu mình hiện lên chữ "không", mình trả lời muốn làm gì đó với số 0 hoặc chữ "không". Lúc đó sếp chưa hiểu. 

Sau khi nghiên cứu, mình định nghĩa rõ ràng hơn. Vô hình, vô tướng, vô ngã, vô thường, âm dương cộng lại bằng "không". Cái của Hưng là âm - tối tăm, cái sau của mình sẽ là dương, tổng hợp lại là không. Đó là ý niệm của mình.
Nhưng anh sẽ "không" như thế nào?
Khi mình tìm hiểu về Phật pháp thì chữ "không" ấy mới hiện lên không chỉ đối với mình mà với mọi người. Công ty giao cho mình 2 dự án với Khắc Hưng và một người khác. Ban đầu chỉ có 2 lựa chọn nhưng khi làm xong demo, mình nhận ra con số 0 của mình đây rồi!". Hưng là âm và người còn lại là dương, hai kiểu âm nhạc khác nhau hoàn toàn.
Tại sao Hà Lê lại gọi Khắc Hưng là "âm"?
Tại vì nó tối, hệ này tối còn hệ kia sáng lắm, ngập tràn ánh nắng mặt trời. Còn đây là bóng đêm. Và mình là số 0, mình ở giữa. Toàn bộ bức tranh sẽ là như thế.
Còn Kiên Ứng có vai trò thế nào trong dự án này?
Quá chuyên nghiệp và quá điên. Cái điên đấy bình thường mình không thấy ở Kiên, vào đây mới thấy (cười). Trước đó, mình thấy Kiên rất chắc chắn, chuyên nghiệp, và một chút nghệ thuật. Mình thật sự rất cảm ơn Kiên và ekip của Kiên.

Mình cảm ơn mọi người, những anh em đã đóng góp sáng tạo cho mình. Mình cảm thấy rất may mắn, khi có ý tưởng đến lúc thành hình còn choáng ngợp hơn những gì mình tưởng tượng.

Sướng lắm! Khi làm được một sản phẩm mà mọi người cùng góp sức sáng tạo. Mà trường hợp của Kiên cũng không nói chuyện với mình nhiều nhưng không hiểu sao lại có sự kết nối như thế. Có lẽ, Trịnh Contemporary có hiệu ứng tốt nên anh em có sự tôn trọng nhất định dành cho mình. Trong công việc, nhìn thấy anh em tận tâm mình cảm thấy may mắn và biết ơn.
ha le toi la so 0 - anh 0
Đích đến cuối cùng của Hà Lê là gì?
Mình chưa biết đích đến cuối cùng ở đâu. Nhưng mình cảm thấy đang đi đúng hướng. Mình nhận ra được sự thay đổi của bản thân, và trả lời được câu hỏi: "Tại sao có mặt ở đây? Tại sao mình làm công việc mình đang làm?".
Vậy câu trả lời là…?
Mình hiểu sứ mệnh của mình là sẽ dùng sự sáng tạo, đặc biệt là giọng hát để lan tỏa năng lượng yêu thương. Mình sẽ dùng nghệ thuật để đánh thức, để vỗ về, giúp mọi người bớt cô độc. Khán giả sẽ coi âm nhạc của mình như một người bạn để tâm sự.
Đây có phải là câu trả lời cho câu hỏi: "Tại sao chúng ta lại cần một Hà Lê?"
Đúng đó, cần một người bạn, một người đồng hành, một tri kỷ trong âm nhạc, một người chia sẻ những hỉ - nộ - ái - ố trong âm nhạc. Nếu bạn buồn tôi sẽ có thể an ủi vỗ về bạn, bạn vui tôi có thể chia sẻ với bạn. Mình nghĩ đó là sứ mệnh của mình, để âm nhạc của mình không rời xa mọi người. 

Hà Lê tên thật là Lê Vĩnh Hà, sinh ngày 26/9/1984 tại Hà Nội. Khán giả biết tới Hà Lê nhờ khả năng nhảy Hip hop và đọc rap ấn tượng. Ngoài rap, anh còn là vũ công, biên đạo múa và giám khảo nhiều cuộc thi tuyển chọn tài năng.

Phân tích Rap học - Hà Lê: "Về kỹ năng Kellie không bằng D-Low"

Phân tích Rap học - Hà Lê: "Đặc biệt thích Blacka - VSoul và B-Wine"

Mang beat Lofi đi thi, thí sinh khiến Binz - Wowy phải phá lệ

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ