Grab, Gojek lần lượt công bố tăng giá cước với nhiều loại dịch vụ để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước tới nay.
Trước thực trạng giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao với những con số kỉ lục sau 8 năm, Grab là đơn vị mở màn cho đợt tăng giá cước để hỗ trợ các tài xế bù đắp chi phí này. Tháng 3/2022, Grab Việt Nam ra thông báo về việc thực hiện điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ, bắt đầu từ ngày 10/3.
Theo đó, hãng gọi xe công nghệ này sẽ tăng giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Ngoài ra, mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này cũng tăng lên 10.000 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000 - 2.500 đồng cho 2km đầu tiên và khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.
Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi km sau đó lên 4.300 đồng, tăng 300 đồng. Mức cước dịch vụ này tại TP.HCM cũng tăng nhẹ lên 12.500 đồng cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.
Động thái này của Grab nhằm giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.
Nội dung liên quan
Theo sau Grab, Gojek Việt Nam cũng phát đi thông báo điều chỉnh giá cước dịch vụ từ ngày 14/3. Các dịch vụ tăng giá là GoRide và GoFood, trong khi hai dịch vụ khác là GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên.
"Giá cước của Gojek được tính toán trên cơ sở mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời đảm bảo cho các đối tác tài xế của Gojek nhận về khoản thu xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra", phía Gojek chia sẻ.
Song song với việc tăng giá cước, các hãng xe công nghệ này cũng tiến hành tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo độ hài hòa giữa lợi ích của tài xế và của khách hàng.
Từ việc phân bổ cuốc xe cho đối tác tài xế/đối tác giao hàng, tính toán thời gian đến dự kiến, thiết lập lộ trình, tối ưu hóa chi phí giao nhận và nhiều hơn nữa, công nghệ định vị, xác định các địa điểm được người dùng quan tâm (Point Of Interest - POI) hay thuật toán trí tuệ sắp xếp lộ trình đều được cải tiến để đáp ứng nhu cầu địa phương hóa tại Việt Nam.
Grab và Gojek cũng đề ra các chương trình khuyến mại để người dùng sử dụng dịch vụ tiện lợi và tiết kiệm hơn. Ngoài ra, các câu chuyện dễ thương về các tài xế của 2 hãng xe này cũng thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội, giúp người dân an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ.
Quả thật, xe công nghệ vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của giới văn phòng và học sinh, sinh viên nhờ tính đa dạng, tiện lợi trong dịch vụ. Trước chính sách tăng giá này, các hãng xe đã phần nào giúp tài xế thở phào vì trút bỏ được gánh nặng vì xăng tăng giá, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.
Nguồn: TH&PL